Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 18/05/2022

Thừa Thiên Huế có hai huyện miền núi (Nam Đông, A Lưới) và 4 huyện, thị xã có xã miền núi (Phú Lộc, Phong Điền, Hương Thủy, Hương Trà) với 46 xã miền núi, trong đó có 34 xã có đồng bào dân tộc thiểu số, như: Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Hy, Vân Kiều… với dân số 53.671 người. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, nơi đây từng là địa bàn có vị trí địa chính trị quan trọng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao tầm quan trọng, tiềm năng to lớn của miền núi và đồng bào miền núi. Người từng khẳng định: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mườn hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói có nhau”. Để có thể xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn xác định: Đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ để tranh thủ độc lập, tự do và hạnh phúc chung. Đảng nhấn mạnh: “Việc vận động các dân tộc thiểu số là một trong những công tác quan trọng vào bậc nhất của Đảng, Mặt trận và Chính phủ. Chính sách dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng trong chính sách đại đoàn kết của Đảng”… Thực tiễn, trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đồng bào miền núi nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng đã được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều quyết sách quan trọng, có tính bước ngoặt để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho bà con dân tộc thiểu số. Riêng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế, trong những năm tháng gian khó và ác liệt của chiến tranh, Trung ương đã gửi tặng hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức đưa con em đồng bào ra miền Bắc học tập và công tác...  Chủ tịch Hồ Chí Minh từng gửi thư, kỷ vật từ miền Bắc vào để động viên tinh thần, hỗ trợ lao động sản xuất cho bà con dân tộc thiểu số.

Với lòng biết ơn và niềm tin sâu sắc vào Đảng, Chính phủ và Bác Hồ. Trong chiến tranh, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế đã luôn trung thành và đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Theo lời hiệu triệu của Người, đồng bào nơi đây đã cùng nhau đoàn kết lại, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh tham gia và ủng hộ các phong trào cách mạng. Con em đồng bào sẵn sàng nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, bộ đội; hăng hái tăng gia sản xuất; tham gia tòng quân giết giặc; vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, quân trang, quân dụng phục vụ chiến trường miền Nam; xây dựng và bảo vệ đường Hồ Chí Minh và mở các tuyến đường nối Đông - Tây Trường Sơn phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường Trị - Thiên - Huế… qua đó góp sức mình giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tình cảm thiêng liêng của đồng bào thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện qua việc con em đồng bào dân tộc thiểu số đã tự nguyện lấy họ Hồ làm họ chung cho cộng đồng người dân tộc thiểu số; nhiều gia đình đồng bào đã để ảnh cũng như tượng Bác lên bàn thờ để thờ cùng ông bà, cha mẹ với lòng tôn kính nhất.

Ngay sau ngày đất nước độc lập, tự do; với quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong lãnh đạo thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, Đảng và Nhà nước đề ra nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi. Qua các kỳ Đại hội của Đảng, chính sách dân tộc được Đảng ta thực sự coi trọng theo nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển. Nhiều nội dung của chính sách dân tộc trong thời kỳ đổi mới của Đảng và Nhà nước đã được tập trung triển khai và mang lại nhiều kết quả phấn khởi.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Đảng bộ và chính quyền tỉnh nhà đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số qua đó góp phần đưa diện mạo kinh tế vùng miền núi của tỉnh từng bước phát triển. Tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống người dân được nâng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, nhiều công trình được xây dựng đưa vào sử dụng, như: cửa khẩu Tà Vàng - A Đớt (huyện A Lưới); công trình giao thông mở rộng tuyến đường La Sơn đi huyện Nam Đông; dự án đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan đi qua huyện Nam Đông; mở rộng tuyến đường Quốc lộ 49 đi A Lưới… tạo điều kiện giao lưu hàng hóa đi lại giữa miền núi, đồng bằng. Nhiều công trình trường học, trạm xá, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng. Thu nhập và mức sống đồng bào dân tộc thiểu số tăng lên rõ rệt, không còn hộ thiếu đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 16,40%; có 08 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; chất lượng và hiệu quả giáo dục ngày càng được nâng cao. Hầu hết các đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; các dịch bệnh vùng dân tộc được loại bỏ. Hoạt động văn hóa, thể thao có những chuyển biến tích cực, duy trì và nâng cao chất lượng Ngày hội văn hóa, thể thao du lịch vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đã được các địa phương quan tâm thực hiện. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm. Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng ngày càng trưởng thành, có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được quan tâm củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng; công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến, nhất là xóa tình trạng các thôn, bản trắng đảng viên, củng cố cơ sở yếu kém, xây dựng cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ; từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc.


Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số

 

Những tình cảm thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào dân tộc thiểu số khi người còn sống, cũng như việc Đảng và Nhà nước không ngừng thực hiện tốt nhất chính sách dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã gắn kết ngày càng sâu đậm tình cảm của đồng bào đối với Bác, với Đảng và Chính phủ. Đây cũng chính là tiền đề và động lực để cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng nhân dân các dân tộc anh em cư trú trên địa bàn miền núi phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục ra sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu mạnh và bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

tinhuytthue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NHIỆM KỲ 2024 - 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.507.024
Truy cập hiện tại 1.302