Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 17/05/2022

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 685 di tích và điểm di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 35 tỉnh thành phố. Trong những năm qua, các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh có vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của Người. Mỗi di tích là một trường học trực quan sinh động, thiết chế văn hoá đặc thù mang lại hiệu quả thiết thực trong các hoạt động kinh tế, văn hoá - xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, đạo đức cách mạng, phong cách lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam.

      1. Đặc điểm của công tác bảo tồn hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế

      Ở Thừa Thiên Huế hiện có đến 20 di tích và địa điểm di tích có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng Người và gia đình sống ở Huế, trong đó có 4 di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định xếp hạng số 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020, bao gồm Nhà lưu niệm Bác Hồ ở đường Mai Thúc Loan; Địa điểm Trường Quốc Học; Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ; Đình làng Dương Nỗ. Đây là hệ thống di tích vô cùng quý giá ghi dấu khoảng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng người thân từng sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước trong giai đoạn 1895 - 1901 và 1906 – 1909. Việc hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đặc biệt sẽ là cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn để các cấp, các ngành nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích.

      Kế thừa và phát huy những thành quả đạt được, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chú trọng đến công tác bảo tồn di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Thừa Thiên Huế. Hệ thống di tích này luôn được chú trọng đầu tư bảo quản, tôn tạo và phát huy tác dụng. Làm cho hệ thống di tích lưu niệm về Người luôn xứng đáng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống di sản của Người trên toàn quốc. Để rồi, khi tìm hiểu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là thời niên thiếu của Người, chúng ta không thể không tìm đến Thừa Thiên Huế. Những di sản mà Người để lại nơi đây là gạch liền nối trọn cuộc đời 79 mùa xuân của một Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất.

      Xứ Huế là vùng thiên nhiên khắc nghiệt, hàng năm thường chịu nhiều trận bão, lũ lớn, cộng với các di tích được xây dựng bởi vật liệu không bền vững… đặc biệt những vùng có địa hình thấp như cụm di tích ở làng Dương Nỗ nên dễ bị ảnh hưởng và xuống cấp. Hơn nữa, kiến trúc theo lối văn hóa truyền thống là một nét tiểu biểu trong hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế. Do đó hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế đã được bảo quản và tu bổ đúng nguyên tắc, được thực hiện thường xuyên và liên tục để đảm bảo tuổi thọ cho các di tích. Để những công trình kiến trúc đó càng làm tăng giá trị lịch sử - văn hóa cho hệ thống di tích lưu niệm của Người,  trước khi  tu bổ, tôn tạo di tích, Bảo tàng đã tiến hành nghiên cứu khoa học toàn diện và cụ thể về di tích và địa điểm di tích phục vụ cho các hoạt động trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị. Bảo tồn, tôn tạo trên cơ sở giữ lại nguyên vẹn các yếu tố gốc của di tích, không làm thay đổi hiện trạng và biến dạng di tích, gắn với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương có di tích. Mặt khác, phần lớn các di tích làm bằng gỗ, tranh tre nên công tác chống mối mọt và chống cháy nổ, nhất là di tích Nhà lưu niệm 112 Mai Thúc Loan và Nhà lưu niệm Dương Nỗ đã luôn được Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn quan tâm. Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời ngăn chặn, điều chỉnh các hành vi xâm phạm di tích cũng như làm biến dạng di tích của tổ chức hay cá nhân.

      Yếu tố con người đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa Hồ Chí Minh nói riêng. Đặc biệt là những người trực tiếp làm công việc này cần phải có năng lực chuyên môn nghiệp vụ giỏi. Chính vì vậy, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế  đã luôn tạo điều kiện  cho đội ngũ cán bộ viên chức được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, đặc biệt là những cán bộ trẻ không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, tăng cường giao lưu và quan hệ mật thiết với các đơn vị trong hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh trên toàn quốc. Qua đó, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh. Đây là công việc không thể xem nhẹ, vì qua những cuộc tọa đàm trao đổi giữa các đơn vị sẽ bổ sung cho nhau về nhiều mặt và từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao công tác chuyên môn nghiệp vụ của từng đơn vị.

      Với hệ thống di tích khá phong phú về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế, thời gian qua, được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh, với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã chú trọng nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các dự án nhằm bảo tồn, tôn tạo hệ thống di tích này theo đúng Luật Di sản, tôn trọng các yếu tố gốc của di tích. Đồng thời, tạo điều kiện phát huy tốt nhất tác dụng của di tích đến các tầng lớp nhân dân tại địa phương cũng như khách tham quan trong và ngoài nước.

      2.Công tác phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế

      Cùng với Bảo tàng Hồ Chí Minh, hiện nay hệ thống di tích và điểm di tích Bác Hồ ở Thừa Thiên Huế đang phát huy tốt chức năng giáo dục truyền thống cho cán bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Ngoài những giá trị to lớn về văn hoá, lịch sử, hệ thống di tích về Bác Hồ là tài nguyên vô giá có vai trò thúc đẩy phát triển du lịch ở nước ta. Các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với ý nghĩa văn hoá, tư tưởng sâu sắc đã trở thành những điểm du lịch tham quan đặc biệt quan trọng có sức thu hút khách du lịch rất lớn.

      Để thực hiện tốt việc quảng bá về các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh triển khai Đề án "Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch", phối hợp với các phòng ban quản lý về du lịch, Trung tâm Xúc tiến và thông tin Du lịch và các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các tour du lịch gắn với các di tích lưu niệm về Bác Hồ, xây dựng website liên kết giữa các điểm di tích để cung cấp thông tin cho khách du lịch. Tăng cường quảng bá, xúc tiến hình ảnh của các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức khác nhau, như trên các trang web thông tin hình ảnh, hội thảo gắn với các di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

      Một yêu cầu thiết yếu để phát huy giá trị của di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh nhà đó là nâng cao trình độ hướng dẫn viên tại Bảo tàng và các di tích lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm qua, đội ngũ hướng dẫn, thuyết minh của Bảo tàng đã được quan tâm bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn,  nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm di tích, bồi dưỡng trang bị những kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh viên, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, cập nhật thông tin tư liệu mới về tiểu sử, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người. Bên cạnh đó xây dựng nhiều đề cương hướng dẫn phù hợp với từng đối tượng khách tham quan, tránh sự nhàm chán, đơn điệu với khách. Hình ảnh điểm đến có để lại ấn tượng tốt hay không trong lòng du khách, đều có sự tác động về mặt ý thức chính trị của thuyết minh viên, nhất là tại các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó việc giáo dục bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ thuyết minh viên là một việc làm thường xuyên, cũng  là một giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh tại Bảo tàng và các Di tích lưu niệm về Bác.

      Bảo tàng và hệ thống các di tích lưu niệm Chủ tích Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế là nguồn tài nguyên du lịch vô giá, là những minh chứng sinh động, phản ánh ký ức tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người sinh sống ở Huế, là nguồn sử liệu thực tế quan trọng để tạo điều kiện cho các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục giữ gìn, phát huy nhằm xây dựng một thế hệ tương lai giàu về lý tưởng, sáng về đạo đức, đẹp về tâm hồn theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại./.

NGUYỄN THỊ NGỌC YẾN

 

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.566.279
Truy cập hiện tại 129