Đồng hành cùng đất nước chống dịch
Ngày cập nhật 16/06/2021

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp và kéo dài, các tổ chức tôn giáo với uy tín, trách nhiệm với đất nước đã và đang nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, chung lòng, chung sức bằng những việc làm cụ thể, thiết thực vì mỗi gia đình và từng người dân.

Kỳ 1 : Tình yêu thương cao đẹp vì dân, vì nước
 
Vừa qua, lãnh đạo Giáo hội của nhiều tổ chức tôn giáo thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả PCD, có chỉ dẫn thông bạch yêu cầu các tổ chức tôn giáo trực thuộc thực hiện nghiêm túc các quy định chung. Tại nhiều địa phương xuất hiện những tấm gương sáng sống “tốt đời, đẹp đạo”, có nhiều hoạt động, cử chỉ gần gũi gắn bó giữa đạo và đời, thể hiện tinh thần cao cả hết lòng vì đất nước.  
 
 Lan tỏa tinh thần từ bi, hỷ xả của nhà Phật
 
Từ đầu tháng 5, khi làn sóng dịch Covid-19 “lần thứ tư tiến công” Hà Nội, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các di tích, cơ sở tôn giáo tạm thời đóng cửa, dừng tiếp khách.

Ngày 28-5, UBND thành phố đã có Văn bản 1645/UBND-NC yêu cầu dừng tổ chức hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tập trung từ 0 giờ ngày 29-5. Đồng bào có đạo trên địa bàn Thủ đô đã chấp hành nghiêm các quy định về PCD Covid-19, chỉ tổ chức nghi lễ trực tuyến, đồng thời có nhiều hoạt động ủng hộ, hỗ trợ thiết thực.
 
Hà Nội hiện có hơn  800 nghìn tín đồ Phật giáo, khoảng hơn 2.000 tăng, ni, hơn 1.000 chức việc, sinh hoạt tôn giáo tại hơn 2.000 ngôi chùa, tự viện.

Tháng 5 - cũng là tháng có nhiều hoạt động nhân mùa Phật đản, nhưng ngay khi thành phố yêu cầu đóng cửa di tích, cơ sở tôn giáo, tất cả các ngôi chùa trên địa bàn đã thực hiện nghiêm việc dừng tiếp khách, dừng các hoạt động tập trung đông người.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự GHPG Việt Nam TP Hà Nội cho biết: Để bảo đảm sức khỏe cho toàn dân và cùng toàn dân chống dịch, toàn bộ các ngôi chùa trên địa bàn thành phố đều tiến hành các lễ trong nội bộ, không tổ chức tập trung đông người. Sau mùa Phật đản là bước vào mùa An cư kiết hạ. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cho nên Ban Trị sự GHPG Việt Nam TP Hà Nội tạm hoãn tổ chức để cùng thành phố chống dịch.
 
 Các chùa trên địa bàn Thủ đô không chỉ dừng hoạt động tín ngưỡng, mà còn là nơi tích cực tuyên truyền, vận động phật tử thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế, thực hiện các biện pháp PCD. Dịch bệnh khiến nhiều khu vực bị cách ly, nhiều người gặp khó khăn về vật chất và tinh thần. Đó cũng là khi tinh thần từ bi, hỷ xả của nhà Phật được phát huy cao độ.

Ngay khi nhận thông tin  Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) có ca bệnh Covid-19, khiến bệnh viện phải thực hiện phong tỏa, nhiều tín đồ phật tử của Thủ đô nhanh chóng quyên góp ủng hộ và thông qua GHPG Việt Nam TP Hà Nội  ủng hộ 75.000 khẩu trang y tế, 1.000 mũ chắn giọt bắn, 500 chai nước rửa tay sát khuẩn, 100 thùng phở, 100 thùng sữa, 100 thùng nước, 50 thùng bánh và 100 triệu đồng.

Trực tiếp cùng GHPG Việt Nam TP Hà Nội đến Bệnh viện K trao các phần quà, Ni sư Thích Đàm Khoa (trụ trì chùa Trăm Gian, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ: “Sau khi ủng hộ về vật chất và nhu yếu phẩm cho Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng thành phố kêu gọi ủng hộ PCD Covid-19”.

Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, đã tổ chức ủng hộ hiện vật và tiền mặt trị giá gần ba tỷ đồng, ủng hộ hai phòng áp lực âm trị giá 1,3 tỷ đồng cho công tác PCD Covid-19 của thành phố. Ban Trị sự Phật giáo 30 quận, huyện, thị xã ủng hộ hơn 20 tỷ đồng giúp Ban Chỉ đạo PCD Covid-19 các quận, huyện và các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
 
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, nhất là các vụ lây lan dịch từ một số cơ sở tôn giáo tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đặc biệt quan tâm, hướng dẫn các tôn giáo trên địa bàn chủ động thường xuyên cập nhật tin tức về dịch bệnh, các phần mềm công nghệ để triển khai đến chức sắc, chức việc, bà con theo đạo nhằm thực hiện nghiêm những biện pháp PCD.

Phát huy truyền thống tốt đẹp gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sống tốt đời đẹp đạo và tinh thần trách nhiệm cao cả với quê hương, đất nước và với nhân dân, Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tích cực tham gia PCD với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Hòa thượng Thích Huệ Phước, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, mọi hoạt động phật sự của GHPG Việt Nam tỉnh đều được rút gọn. Trong mùa Đại lễ Phật đản năm 2021, Ban Trị sự đã hướng dẫn các chùa, cơ sở tự viện tổ chức lễ trang nghiêm, không tập trung đông người. Qua đó, giúp phật tử thể hiện tâm thành kính với Đức Phật và tinh thần đoàn kết, chung tay trong cuộc chiến đẩy lùi Covid-19.
 
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, các nhà chùa không tổ chức thực hiện hạ thủy bảy hoa sen tôn trí trên sông Hương, không thực hiện chương trình văn nghệ, thuyền hoa cúng dường, không thực hiện thiết trí lễ đài chính tại Diệu Đế Quốc tự, chỉ thiết trí lễ đài giản đơn tại Tổ đình Từ Đàm. Lễ Khai kinh và lễ Mộc dục truyền thống của Phật giáo Huế được tổ chức trang nghiêm với sự tham dự của chư Tôn đức Thường trực Ban Trị sự nhưng không quá 20 người...

Đại đức, Tiến sĩ Thích Quang Tư, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thừa Thiên Huế cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, tại học viện và các chùa đã đặt biển, khuyến cáo phật tử, du khách hạn chế đến thăm, thực hiện nghiêm các biện pháp PCD. Ngoài ra, các nhà chùa đã tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, quyên góp, hỗ trợ y, bác sĩ, lực lượng ở tuyến đầu tham gia công tác PCD.
 
 Thông điệp lớn từ Thư gửi Dân Chúa
 
Trong Thư gửi Dân Chúa ngày 2-6-2021, Đức Tổng Giám mục  Giuse Nguyễn Chí Linh - Chủ tịch Hội đồng Giám mục (HĐGM) Việt Nam - đã kêu gọi mọi tín hữu: “chung tay góp sức, san sẻ công việc với mọi thành phần xã hội và Giáo hội trong công cuộc phòng chống đại dịch”, và Đức cha nhấn mạnh rằng, việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ là một chủ trương hợp tình hợp lý và đúng lúc, rất xứng đáng để mọi người hưởng ứng, vận động và ủng hộ với hết khả năng.

Như các cơ quan báo chí đã đưa tin, vừa qua, trong lễ ra mắt Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 được tổ chức trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên đại diện HĐGM Việt Nam ủng hộ đóng góp Quỹ ba tỷ đồng. Theo thông tin chính thức trên trang của HĐGM, khoản tiền này trích từ Quỹ Caritas Việt Nam và quỹ dự phòng của HĐGM Việt Nam, được quý Đức cha Ban Thường vụ HĐGM thuận duyệt. Hành động này là một nghĩa cử cụ thể theo đề nghị của Đức cha Chủ tịch HĐGM Việt Nam trước tình hình chống dịch cấp bách hiện nay: “Vận dụng hết trí sáng tạo để hỗ trợ các trung tâm nghiên cứu y học, cộng tác với các bộ phận chức năng, thông cảm và tiếp sức cho các y, bác sĩ và bệnh viện, tạo điều kiện vật chất và tinh thần thuận lợi cho mọi người và khu vực cách ly, giúp đỡ gia đình bệnh nhân đang điều trị, tử vong và những người đang lâm cơn túng quẫn kinh tế…” (trích Thư gửi Dân Chúa, ngày 2-6-2021)...
 
Trước đó, theo hướng dẫn của Ban Tôn giáo Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương, nhằm ứng phó với tình hình dịch bùng phát, ngày 22-5, Tòa Tổng Giám mục Tổng giáo phận TP Hồ Chí Minh thông báo tạm ngưng các sinh hoạt mục vụ và các buổi cử hành phụng vụ chung của cộng đoàn.

Trong đó, một số giáo xứ lớn ngừng đón tín hữu đến nhà thờ và mời hiệp dâng thánh lễ trực tuyến phát hằng ngày... Từ ngày 27-5, tất cả các nhà thờ đều ngưng các thánh lễ có giáo dân tham dự. Các lớp giáo lý được nghỉ học. Mọi tín hữu được mời gọi nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng. Kỳ thường huấn, tĩnh tâm ba ngày của linh mục đoàn và thánh lễ truyền chức linh mục vào ngày 11-6 được Tòa Tổng Giám mục TP Hồ Chí Minh thông báo hoãn. Dù đã chuẩn bị mọi sự sẵn sàng nhưng sau khi có lệnh thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, các em lớp Rước lễ không được hưởng hồng ân cao quý đón rước Mình và Máu Thánh Chúa trong ngày 6-6, lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô năm nay.
 
 Ngày 31-5, Đức Tổng Giám mục Tổng giáo phận TP Hồ Chí Minh Giuse Nguyễn Năng gửi thư Mục vụ thực hiện giãn cách xã hội và “dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động lễ hội tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự”. Việc ngưng thánh lễ cộng đồng trong thời gian đại dịch phát xuất từ lương tâm và ý thức trách nhiệm đối với sự sống của cộng đồng, và từ đòi hỏi của đức bác ái Ki-tô giáo.

Giới Công giáo nhận định thời gian khó khăn này cũng là cơ hội để thực hiện tinh thần bác ái Ki-tô giáo. Các linh mục vận động anh chị em giáo dân và các đoàn thể tích cực cộng tác với cộng đồng xã hội trong việc PCD bệnh cũng như hỗ trợ nhu yếu phẩm, thiết bị y tế, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn… cho các khu vực cách ly hay những vùng có dịch bệnh.
 
 Tinh thần cao cả đó lan tỏa xuống các cơ sở. Giáo xứ Thạch Đà (quận Gò Vấp) hằng tuần phục vụ bữa cơm bác ái 600 phần chia đều trong hai ngày. Trong đợt giãn cách này, địa bàn giáo xứ rơi vào tâm dịch, phải tạm ngưng nấu cơm tập trung để bảo đảm phòng dịch, đã tìm cách khác giúp người có hoàn cảnh khó khăn.

Sáng chủ nhật 6-6, Ban Bác ái Giáo xứ Thạch Đà đóng gói 350 phần quà là các nhu yếu phẩm cần thiết phối hợp MTTQ phường 9 và phường 14 quận Gò Vấp tặng nhu yếu phẩm đến các gia đình trong hẻm 349 đường Lê Văn Thọ (khu phố 9, phường 9) và hai chung cư ở phường 14 đang bị cách ly...
 
Tại chi hội Tin lành Plei Breng thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam - miền nam ở xã Ia Der, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) hiện có hơn 1.000 tín hữu thuộc ba làng Breng 1, Breng 2, Breng 3. Nhiều năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự đoàn kết vươn lên của các tín hữu mà chi hội có nhiều tấm gương sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Tín hữu Ksor Bli ở làng Breng 2 cho biết: Trước thông tin về dịch Covid-19, thông qua các buổi đi lễ, các mục sư và Ban Chấp sự Chi hội thông báo tình hình dịch bệnh, đồng thời khuyên bà con tín hữu nghiêm túc chấp hành các quy định PCD của Nhà nước; từng gia đình tự giác thực hiện các biện pháp PCD theo hướng dẫn.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình công tác chung, ông Nguyễn Văn Nô, Phó Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai cho biết, Gia Lai là địa phương có nhiều dân tộc sinh sống, đồng bào theo năm tôn giáo, gồm: Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao Đài và Baha’i, trong đó đạo Tin lành có số lượng tín đồ đông nhất... Công tác tuyên truyền được Ban Tôn giáo tỉnh đặc biệt chú trọng.

Ngay trong dịp chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa qua, các cơ quan lồng ghép cung cấp đầy đủ, nâng cao ý thức cho giáo dân về những chỉ đạo của Chính phủ trong việc PCD Covid-19.

“Theo định kỳ, các Chi hội Tin lành thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam - miền nam thường dành hai ngày thứ bảy và chủ nhật để tổ chức sinh hoạt. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trên tinh thần vận động của chính quyền địa phương, các chi hội thực hiện nghiêm việc giãn cách”- ông Nguyễn Văn Nô cho biết.

Mục sư Puih Blik, quản nhiệm Chi hội Plei Mơ Nú, nơi có hơn 500 giáo dân tham gia sinh hoạt tôn giáo hằng tuần cho biết, trong các buổi giảng đạo tại nhà thờ Tin lành Plei Mơ Nú, mục sư lồng ghép việc giải thích các điều răn trong Kinh thánh với giáo dân và cách áp dụng trong cuộc sống hằng ngày để giáo dân luôn thực hiện đúng theo pháp luật trong PCD, hướng tới sống “tốt đời, đẹp đạo”.
 
 Rào chắn không cách ly tình người
 
Trong một cử chỉ mới đây nhất, đoàn công tác Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh do Giáo sư Thái Thọ Thanh, Trưởng Ban đại diện Hội thánh làm trưởng đoàn đến thăm và động viên lực lượng PCD thuộc Đồn Biên phòng Lò Gò (Bộ đội Biên phòng Tây Ninh).

Đợt quyên góp lần này, Hội thánh tặng 800 kg gạo, 184 thùng mì ăn liền và các nhu yếu phẩm đường, nước tương, bột ngọt, bánh kẹo… với tổng trị giá gần 50 triệu đồng. Các phần quà này do nhiều đạo hữu thuộc Hội thánh đóng góp.

Giáo sư Thái Thọ Thanh mong rằng với tấm lòng chia sẻ khó khăn với lực lượng chống dịch nơi tuyến đầu Tổ quốc góp phần giúp cán bộ, chiến sĩ giảm bớt khó khăn trong sinh hoạt, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và đẩy lùi dịch bệnh.

Trước đó, Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh trao 50 triệu đồng tặng thị xã Hòa Thành chung tay PCD với chính quyền; trao 70 triệu đồng đến Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh để ủng hộ công tác PCD Covid-19 của tỉnh. Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thời gian qua, các tôn giáo trong tỉnh cũng tích cực tham gia đóng góp cho công tác PCD với tổng trị giá hơn 3,4 tỷ đồng, riêng Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh ủng hộ 1,17 tỷ đồng.
 
Theo thống kê, tại tỉnh biên giới Tây Ninh, với quy mô dân số 1,1 triệu người thuộc 29 dân tộc nhưng đã có hơn 566 nghìn tín đồ Cao Đài (trong đó có hai nghìn chức sắc, tám nghìn chức việc, 79 họ đạo) và 190 cơ sở thờ tự Cao Đài.

Ngay khi dịch chớm bùng phát, Ban Tôn giáo tỉnh (thuộc Sở Nội vụ) đã phân công công chức phụ trách từng tôn giáo thường xuyên phối hợp ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố nắm tình hình và kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở tôn giáo thực hiện tốt việc PCD theo đúng các Chỉ thị số 15, 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các Chỉ thị số 04, 05/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh.

Trưởng Ban Tôn giáo Võ Thành Công nói, qua ghi nhận, toàn bộ các cơ sở tôn giáo thực hiện tạm dừng các hoạt động tôn giáo thường xuyên, 95% cơ sở tôn giáo treo băng-rôn, bảng hiệu trước cổng để thông báo việc tạm dừng việc hành lễ, và không có trường hợp nào bị nhiễm Covid-19. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tất cả các cửa ra vào nội ô tòa Thánh được đóng cửa trong khoảng thời gian từ 20 đến 21 giờ hằng ngày (trước đây 22 giờ hằng ngày mới đóng cửa) nhằm hạn chế người ra vào. Các lễ cúng tứ thời tại Tòa thánh và các thánh thất, điện thờ chỉ duy trì việc cúng lễ theo nhóm trực vài người, và người trực đều có đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, có trang bị dung dịch sát khuẩn.
 
 Trong việc tổ chức tang lễ, các họ đạo cũng hướng dẫn các gia đình tín đồ tổ chức nội bộ và hạn chế khách viếng tang, chỉ duy trì bộ phận lễ, nhạc đồng nhi phục vụ đám tang và mọi người đều đeo khẩu trang.

đạo hữu Lê Văn Lợi (67 tuổi, TP Tây Ninh), từ khi dịch bùng phát, bản thân ông không đến hành lễ tại Tòa thánh mà cúng bái tại nhà. Còn với Lễ sanh Thái Lịnh Thanh (Họ đạo Thị trấn Hòa Thành, thị xã Hòa Thành) thì nơi đây chỉ làm lễ trực tuyến qua mạng nhưng cúng thì vẫn duy trì với một người chủ trì cúng, không tập trung đông người để bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định PCD. 
 (Còn nữa)

 

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO NHÂN DÂN
https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/dong-hanh-cung-dat-nuoc-chong-dich-650902/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.523.220
Truy cập hiện tại 477