NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NHIỆM KỲ 2024 - 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Giữ nghề cha ông
Ngày cập nhật 16/01/2024

Ngoài tạo ra những đồ vật thông dụng trong sinh hoạt và lao động sản xuất hàng ngày, anh Hoàng Thanh Xuân (thôn Đút 1, xã Hồng Kim, huyện A Lưới) còn kế thừa nét thẩm mỹ, văn hóa độc đáo của dân tộc nhờ trân trọng kỹ thuật đan lát của cha ông.

Từ kỹ thuật đan truyền thống

Từ xa xưa, tổ tiên của người Pa Cô, Cơ Tu ở các xã vùng cao A Lưới đã tạo ra được rất nhiều loại sản phẩm đan lát, từ đồ đựng, phương tiện vận chuyển, công cụ sản xuất, dụng cụ đánh bắt cá đến một số vật dụng để thực hành các nghi thức, lễ hội. Nguyên liệu được chọn chủ yếu là mây, tre, nứa và những cây thân họ mềm có độ dẻo và bền cao.

Với anh Hoàng Thanh Xuân ở thôn Đút 1, xã Hồng Kim, năm nay bước qua tuổi 50 nhưng anh đã có gần bốn mươi năm gắn bó với nghề đan. Từ khi còn là một cậu bé, anh đã được cha mình truyền dạy lại những ngón nghề cơ bản nhất. Tùy từng loại sản phẩm, anh sẽ sử dụng những kỹ thuật đan lát khác nhau. Nếu đan các vật đựng nhỏ anh sẽ dùng kỹ thuật xâu xiên. Đó là kỹ thuật phức tạp và khó đan, rất ít người làm được, còn nếu đan vật dụng có kích thước lớn thì anh sẽ sử dụng kỹ thuật lóng đôi và lóng ba để tạo độ khít tốt nhất cho sản phẩm.

Anh Xuân cho biết, trong xã, chỉ cánh đàn ông mới đủ khả năng đan lát, bởi ngoài tính kiên trì và khéo léo thì công việc này còn đòi hỏi sức mạnh và sự dẻo dai. Theo anh Xuân, muốn vào rừng lấy tre nứa thì nhất định phải khai thác vào những ngày cuối tháng. Vì đầu tháng, giữa tháng là thời điểm thân nứa chứa nhiều nước nên lúc đem về bảo quản sẽ dễ bị mối mọt. Mây thì chỉ lấy dây già, leo trên cây cao, có màu vàng. Ngoài ra, người Pa Cô có thói quen luôn chẻ tre, nứa từ ngọn xuống gốc còn chẻ mây thì theo chiều ngược lại, từ gốc lên ngọn. Làm như vậy, không những thao tác diễn ra dễ dàng, nhanh hơn, mà tre, mây khi thành phẩm cũng sẽ đẹp, suôn hơn.

Hiện tại, trong tất cả các dòng sản phẩm thì gùi là vật dụng phổ biến, thường xuyên được sử dụng nên được anh Xuân đan với số lượng nhiều nhất. Anh cho biết: “Một chiếc gùi đạt chuẩn khi miệng gùi có độ rộng ngang với đáy gùi và được quấn mây rất chặt. Gùi có dây quàng qua trán và ách tỳ vào vai, lưng người đeo. Gùi vừa là đồ đựng vừa là phương tiện vận chuyển. Đối với đồng bào, những chiếc gùi là vật dụng khó thể thay thế bởi ngoài việc đảm bảo về độ bền, chịu được mưa, nắng thì  chúng  còn giúp bà con dễ vận động hơn khi mang vác nặng, hầu như mỗi lần lên nương rẫy, mỗi người đều có chiếc gùi của riêng mình”.

Đến những sản phẩm có giá trị kinh tế cao

Hiện tại, ngoài những đồ vật thông dụng, những công cụ lao động, sản xuất cần thiết, anh Hoàng Thanh Xuân còn tạo ra những sản phẩm có kiểu dáng và hoa văn độc đáo như tưp (dụng cụ đựng thức ăn, trang sức), karia (dụng cụ đựng lúa, ngô) ti lẹet ( gùi dành riêng cho nam giới trong những cuộc đi săn dài ngày)… Mỗi sản phẩm được anh tạo ra là kết tinh của sức lao động và nghệ thuật đan lát có tính thẩm mỹ cao.

“Tôi gắn bó với nghề đan không chỉ vì yêu nghề, muốn giữ gìn, bảo tồn nét đẹp của một nghề thủ công truyền thống mà còn nhờ vào nguồn thu nhập nghề mang lại. Gia đình tôi vốn dĩ chỉ có 2 sào lúa nước và 2 sào sắn, năm được mùa năm mất mùa, bấp bênh tùy theo tình hình thời tiết. Tuy nhiên, nhờ duy trì nghề đan, mỗi tháng cũng kiếm thêm một khoản thu từ 3 - 5 triệu đồng”, anh Xuân nói.

Ngồi trong căn nhà hai tầng đang xây dở, vợ anh Xuân, chị Lê Thị Bảo chia sẻ thêm: “Nhờ có nghề đan ổn định của chồng, gia đình mới dám mạnh dạn vay vốn để xây nhà. Căn nhà với tổng chi phí hơn 200 triệu đồng đang gấp rút được gia đình hoàn thành để đón chào năm mới. Chúng tôi sẽ làm rẫy để lo chuyện ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, còn tiền bán sản phẩm đan lát của chồng sẽ để dành trả góp cho ngân hàng hàng tháng. Mỗi sản phẩm nhỏ đan mất một ngày bán cũng được hai đến ba trăm ngàn. Còn như chiếc gùi lớn, có khi bán được gần cả triệu đồng”.

Để cải thiện cuộc sống, ngoài duy trì, rèn luyện kỹ thuật đan cho thật độc đáo, sáng tạo, điều quan trọng hơn của người làm nghề như anh Xuân vẫn là ý thức và tư duy chủ động trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Nếu như trước đây, anh Xuân chỉ đan khi nhận được sự đặt hàng từ bà con, họ hàng trong bản thì bây giờ anh đã chủ động đem sản phẩm đến giới thiệu ở những địa điểm đông đúc có nhiều người qua lại, lưu trú. Các homestay ở bản du lịch cộng đồng Anôr, xã Hồng Kim, các quầy hàng bán đồ thủ công truyền thống ở chợ A Lưới đều là điểm trưng bày sản phẩm tiềm năng của vợ chồng anh Xuân.

Anh Hồ Văn Hôm, Trưởng thôn Đút 1 cho biết: “Trong thời gian qua, địa phương nổi lên với mô hình làm du lịch cộng đồng, thu nhập của các hộ được cải thiện đáng kể. Riêng những gia đình không làm du lịch, chúng tôi cũng khuyến khích xây dựng những mô hình kinh tế tổng hợp, kết hợp khác. Mô hình làm rẫy - đan lát xoay vòng của gia đình Hoàng Thanh Xuân là cách làm năng động, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần bảo tồn những sản phẩm thủ công độc đáo của đồng bào vùng cao. Thời gian tới, nếu cấp trên có dự án triển khai các lớp học phát triển nghề đan lát thì chúng tôi sẽ động viên anh Xuân tham gia đứng lớp giảng dạy, đào tạo những thanh niên trẻ, vì hiện nay, anh là người duy nhất trong thôn thành thục nghề đan lát được truyền lại từ đời cha ông”.

 
Bài, ảnh: Diệu Thông
www.baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.618.639
Truy cập hiện tại 445