NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NHIỆM KỲ 2024 - 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Các làng nghề truyền thống ở Huế tất bật cho mùa Tết
Ngày cập nhật 04/02/2021
Du khách thích thú bên những bó “hoa” hương tại phường Thủy Xuân

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã cận kề, hiện nhiều làng nghề truyền thống đang hối hả, tất bật chạy đua cùng thời gian để đưa các sản phẩm đặc trưng phục vụ thị trường Tết. Từ những bó “hoa” hương đủ màu sắc của làng hương Thủy Xuân hay hoa giấy làng Thanh Tiên dùng để trang trí.. các làng nghề trở thành điểm đến hấp dẫn cho những du khách gần xa.

Nghề hoa giấy Thanh Tiên - Tô điểm mùa xuân xứ Huế

Làng hoa giấy Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, Làng nằm dọc bờ nam, hạ lưu sông Hương, gần ngã ba Sình. Người dân nơi đây còn lưu truyền câu ca dao: “Xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng/Cứ đến tháng Chạp cả làng làm hoa. Mỗi năm vào dịp cúng lễ, người Huế vẫn không quên mua vài cành hoa giấy làng Thanh Tiên để dâng lên thần linh, tổ tiên, am miếu, vừa giản dị vừa có nét độc đáo của văn hóa Huế. Vào dịp Tết Nguyên đán, người dân địa phương hạ hoa giấy cũ xuống, đốt đi và sau đó thay thế hoa giấy mới.

Chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất của bà Phan Thị Thanh, là chủ nhân của ngôi nhà và cũng là xưởng sản xuất, nằm ngay mặt đường chính của làng. Ở độ tuổi gần 60 nhưng bà Thanh vẫn rất nhanh nhẹn, vừa tiếp đón vừa nói chuyện, chia sẻ về nghề trong khi đôi tay vẫn thoăn thoắt làm hoa. Bà Phan Thị Thanh cho biết,  Hoa giấy tại đây có hai loại chính, một dùng để thờ cúng, có nhiều màu sắc, còn lại là sen giấy để trang trí và bán cho du khách. Hoa cúng được tiểu thương đến làng thu mua rồi đem bán khắp các chợ trong vùng. Mỗi cành hoa giấy Thanh Tiên gồm có hoa lan, huệ, hồng, cúc, dã quỳ và tường vi. Điểm chót của cành hoa giấy Thanh Tiên là lá lúa, tượng trưng cho nghề làm nông đặc trưng tại địa phương.

Hoa giấy tại đây có hai loại chính, một dùng để thờ cúng, có nhiều màu sắc, còn lại là sen giấy để trang trí và bán cho du khách. Hoa cúng được tiểu thương đến làng thu mua rồi đem bán khắp các chợ trong vùng. Mỗi cành hoa giấy Thanh Tiên gồm có hoa lan, huệ, hồng, cúc, dã quỳ và tường vi. Điểm chót của cành hoa giấy Thanh Tiên là lá lúa, tượng trưng cho nghề làm nông đặc trưng tại địa phương.  

                    

                               Nghệ nhân Phan Thị Thanh tỉ mỉ làm từng cánh sen giấy               

Vào những tháng cuối năm âm lịch này, từ đầu đến cuối làng Thanh Tiên đâu đâu cũng xuất hiện màu sắc rực rỡ của những cánh hoa giấy. Theo những nghệ nhân trong làng, thường chỉ khi vào dịp gần Tết như thế này thì làng hoa mới tất bật và hối hả hơn thường ngày, nhà nhà trong làng lại tập trung làm hoa. Các em nhỏ đi học ban ngày, tối về lại tranh thủ giúp bố mẹ Những lúc cao điểm không có người làm, các gia đình làm hoa ở Thanh Tiên phải nhờ hàng xóm sang làm giúp cho kịp hoa để bán Tết. Nhiều người biết làm hoa trong làng đến các hộ chuyên sản xuất hoa giấy để kiếm thêm thu nhập. “Thường hằng ngày chỉ cần 1-2 người là duy trì làm hoa là đủ, ngày rằm, mùng một, lễ Tết mới huy động anh em họ hàng, thuê thêm người trong làng vào cùng làm. Hầu như người dân trong làng đều thành thạo, cả người lớn đến trẻ nhỏ các công đoạn chia ra đều có thể làm được hết”, bà Phan Thị Thanh chia sẻ.

Để làm ra được cành hoa, người thợ phải chuẩn bị các công đoạn từ mấy tháng trước khi Huế vào mùa mưa. Họ chọn những cây tre tốt trong làng đem chẻ nhỏ, vót mỏng rồi phơi khô làm cuống hoa. Bí quyết làm hoa giấy tập trung ở khâu nhuộm màu, sao cho giấy giữ được màu sắc lâu bền. Người làm hoa không sử dụng hóa chất công nghiệp, mà dùng các nhựa cây và lá cây để chế tạo thuốc nhuộm theo kiểu gia truyền.  Rất nhiều công đoạn đòi hỏi đức tính tỉ mỉ và sự chăm chỉ, cái tâm của người làm nên một ngày một nghệ nhân chỉ tối đa làm được 15-20 bông hoa giấy.Thế nhưng giá bán lại không cao, chỉ 5.000 - 7.000 đồng/cặp hoa cúng (hoa đơn giản như hoa hồng, hoa cúc, hoa lan...). Còn với hoa sen, vừa để cúng vừa trang trí, công đoạn phức tạp hơn, đẹp hơn nên giá cao hơn chút 20.000 đồng/bông.

Ngoài việc sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường dịp Tết cho người dân xứ Huế, làng nghề Thanh Tiên còn chú trọng phát triển làng nghề theo hướng du lịch trải nghiệm. Ngôi làng nhỏ thường xuyên đón tiếp các đoàn khách du lịch về tham quan. Nhiều du khách đến với làng nghề rất thích thú và đây là động lực để giúp người dân Thanh Tiên bám trụ và phát triển nghề.

Những bó “hoa” hương ngập tràn sắc xuân  

 Những ngày này, làng hương Thủy Xuân ở thành phố Huế lại rộn ràng vào “vụ chính” để phục vụ người dân, du khách dịp Tết đến Xuân về. Đây là nơi làm hương trầm nổi tiếng nhất vùng đất Cố đô. Đến làng hương vào cuối năm, từ xa, mùi hương trầm thơm đã phảng phất trong gió. Trải qua một năm với quá nhiều khó khăn, biến động do dịch bệnh và thời tiết bất lợi, con đường làng Thủy Xuân có phần kém rực rỡ hơn năm ngoái. Khách du lịch giảm, mùa mưa kéo dài, nhiều hộ không bày hương ngũ sắc như những đóa hoa bung nở đầy trên sân và ngoài hiên nữa, do lo hương bị ẩm, hư hỏng. Tuy vậy, nhu cầu của thị trường trong nước dịp Tết Nguyên đán vẫn cao, nhà nào nhà nấy đều đang tất bật sản xuất hương để cung cấp cho hàng trăm cơ sở tôn giáo, thờ tự và cộng đồng.

Theo cụ Tùng một người làm hương cao niên ở làng hương Thủy Xuân, “ngày bình thường thì ở làng không bày biện, trang trí chi hết. Nhưng mà bữa ni gần Tết, khách du lịch cũng đông lại rồi nên mới bày ra cho họ chụp ảnh, quảng bá cho làng mình”.

Tại làng hương, nếu muốn, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm ra một cây hương. Từ khâu tuyển chọn nguyên liệu, bao gồm ngũ vị thuốc bắc với quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi; ngoài ra còn kèm thêm cả vỏ quả bưởi rừng, hoa bưởi khô, quế, bạch đàn… để làm nên bột hương. Sau đó đến công đọan làm lõi hương. Lõi hương được làm từ ruột tre chẻ nhỏ, phơi nắng nhiều ngày để khô và giòn.

Nghệ nhân hướng dẫn cho du khách cách se hương 

Về tăm hương, là phần lõi được vót từ ruột tre già sau đó mang nhúng vào phẩm màu để tạo chân hương. Để có được màu sắc tươi tắn cho chân hương, người thợ hòa một lượng bột màu thích hợp trong nước nóng, nhúng chân hương qua vài lần, sau đó đem phơi khô nhiều ngày nữa. Nhiều người thợ làm hương ở đây vẫn lưu giữ cách làm hương truyền thống thay vì máy se hương hiện đại để có thể lưu đậm hơn nét truyền thống và nghệ thuật làm hương. Tuy ít nhiều có sự vất vả, nhưng vì cách làm hương độc đáo này lại khiến khách du lịch yêu thích.

Dù kỳ công là vậy nhưng về giá cả lại rất hợp lý, hương trầm loại thông dụng giá 80.000 đồng/bó, loại đắt nhất là 200.000 đồng/bó. Hương quế có giá 40.000 đồng/bó. Nụ trầm có giá từ 50.000 – 600.000 đồng/hộp.

Chuyện thắp hương trên bàn thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong các dịp giỗ chạp, lễ Tết. Ngày cuối năm đi mua sắm các thứ chuẩn bị cho Tết, không ai không mua vài nén hương về thắp cho ông bà, tổ tiên mình. Nén hương lúc này không còn là thứ hàng bình thường, mà nó đã trở thành một sản phẩm tinh thần không thể thiếu của người dân Việt. Cùng với những phong tục truyền thống khác, nén hương đã góp phần tạo nên và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Cuối năm Tết đến Xuân về, người dân Thủy Xuân đang nỗ lực chạy đua với thời gian để mang phong vị Tết cổ truyền đến từng nhà, từng vùng, làm cho không khí ngày Xuân thêm ấm áp mặc cho một năm 2020 đầy khó khăn và thử thách.

Bánh tét làng Chuồn - Đong đầy hương vị Tết quê

Làng Chuồn chỉ cách TP Huế chừng 7km theo đường mới mở. Qua khỏi cầu Vỹ Dạ rồi qua tiếp những khu phố mới một quãng, cảnh trí vùng nông thôn Phú An hiện ra với ruộng lúa ngát xanh, xóm làng trù phú, kề bên là đầm Chuồn bao la. Mỗi độ Tết đến Xuân về, làng nghề này trở nên nhộn nhịp, tất bật hơn để cho ra lò những mẻ bánh tét, bánh chưng dẻo, thơm, ngon phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Những ngày này, về làng Chuồn, ngay từ đầu làng đã cảm nhận được hương vị Tết với mùi thơm của nếp và mùi bánh tét, bánh chưng.

Dịp Tết, cứ độ sau ngày 20 tháng chạp, làng Chuồn lại tấp nập với cảnh nhà nhà làm bánh, người người đều bận với công việc này. "Chú tới mua bánh tét phải không? Ở cái làng này nhà nào cũng gói hết, bao nhiêu cũng có" – ông Hồ Đắc Cường vừa nói vừa giới thiệu cho tôi cả một danh sách về những "nghệ nhân" có tiếng làm bánh tét làng Chuồn.

Trước hiên nhà ông Cường, ngổn ngang nguyên liệu, gia vị như lá chuối, đậu, thịt, mỡ, nếp... Phía sau, những nồi bánh hun hút đỏ lửa liên tiếp mấy ngày liền. Gia đình ông Cường ở làng Chuồn đã có 3 thế hệ làm nghề gói bánh chưng, bánh tét. Để kịp cung cấp sản phẩm cho thị trường Tết, năm nay, ngoài 10 thành viên của gia đình, ông còn thuê thêm 8 nhân công đến làm việc. Không khí làm việc rất hăng say, cả gia đình, mỗi người một việc, trẻ con thì lau lá, người lớn thì đãi nếp, làm nhụy, gói bánh, buộc bánh, nấu bánh,...


Bánh Tét làng Chuồn trở thành “thương hiệu” đặc biệt bởi nguyên liệu và sự khéo léo của người làm bánh

Từ bao đời nay, bánh Tét làng Chuồn đã nổi tiếng không chỉ ở Huế mà còn ở nhiều tỉnh thành khác khắp đất nước. Bánh ở đây đã trở thành “thương hiệu” là bởi sự đặc biệt về nguyên liệu và sự khéo léo của người làm bánh. Nghề làm bánh Tét ở làng Chuồn đã có từ hơn 400 năm nay, nghề bánh tét ở Huế cũng có tính gia truyền, 3-4 đời. Nổi tiếng nhất phải kể đến gia đình cụ Đoàn Rạng ở làng Chuồn, có 9 người con cả trai lẫn gái đều làm nghề này. Ở làng Dương Nỗ thì có gia đình ông Lê Duy, bà Nguyễn Thị Mão,... Những nghệ nhân làm bánh ở đây đều là những người có thâm niên lâu năm, người ít nhất cũng phải có kinh nghiệm 13 năm trong nghề, thậm chí có người cũng đã hơn 30 năm.

Bà Huỳnh Tấm (84 tuổi) một người làm bánh lâu năm tại làng chia sẻ với chúng tôi nhiều  bí quyết để có một đòn bánh tét ngon. Bánh ở đây ngon là vì nguyên liệu được chọn lọc rất kỹ, nếp bánh phải chọn nếp tiến vua, đều hạt, giã trắng, sàng kỹ tấm cám, không lẫn gạo hay bông cỏ, hạt cát. Nếp được ngâm kỹ, vút thật sạch, để ráo nước (để bảo đảm giữ bánh được chừng nửa tháng). Lá gói bánh là lá chuối sứ không già lắm, có mặt rộng độ bền chắc. Lạt giang vót mỏng dễ cột chặt làm cho bánh ổn định hình thể, và không thấm nước nhiều làm nhão bánh. Nhụy đậu xanh cũng chọn loại đậu xanh mỡ (loại hạt đậu lớn đều), ngâm vút làm nhụy sống. Mỡ lợn là loại mỡ giấy xắt thỏi dài vuông vức góc cạnh. Tiêu, hành, muối nêm vừa ướp đều trong mỡ, thêm một ít muối trộn đều trong nếp”.

Khi gói thao tác phải khéo léo, để nhụy bánh nằm đúng trung tâm. Đòn bánh gói đẹp giữ vững hình trụ tròn đều. Để bánh có màu xanh tự nhiên còn phải bỏ một lượng lá “mật lục” (lá hoang ở bờ bụi có hình thùy, chót lá tóp nhỏ, thân và cành có gai thưa) vào nồi trước khi nấu. Trong quá trình nấu bánh, phải thay nước ít nhất hai lần để khỏi úa màu lá. Giữ lửa đều 12 tiếng làm cho bánh nhừ, giữ được lâu mà hạt nếp vẫn không "sống" trở lại. Nhân bánh phải chọn thịt mỡ ngon, ra khổ vừa, đậu xanh tròn hạt và đều nhau.

Bánh tét làng Chuồn từ lâu không tăng giá, từ 10-30 ngàn đồng/đòn bánh tùy theo kích cỡ to nhỏ. Nhiều nhà đã kèm thêm dịch vụ bỏ bánh tận nơi để phục vụ tối đa khách hàng. Rất đông người con ở làng Chuồn ra đi làm ăn gần Tết thường về quê lấy bánh biếu tết cho khách. Bánh không những cung cấp cho các chợ ở Huế mà còn được vận chuyển đến các tỉnh thành khác như Hà Nội, Sài Gòn, Khánh Hòa,... Nhà làm ít cũng gói 2.000 cái bánh chưng, bánh tét, nhà làm nhiều thì khoảng 6.000 - 8.000 cái bánh các loại. Vụ Tết thường bắt đầu từ ngày 24 đến ngày 30 Tết.

Tết đang về, cả làng Chuồn lại nhộn nhịp, hối hả đưa ra thị trường hàng ngàn cái bánh chưng, bánh tét mỗi ngày. Bánh tét, bánh chưng làng Chuồn đã trở thành một món ăn đặc trưng không thể thiếu trong những ngày Tết của người Huế nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Mứt gừng Kim Long - Cay nồng hương vị mùa Tết

Những ngày cận kề Tết Nguyên đán 2021, người dân làng Kim Long (TP Huế) tất bật thu mua nguyên liệu, lên lò đỏ lửa để chuẩn bị sản xuất mứt gừng phục vụ cho người dân. Mứt gừng Kim Long có tiếng mấy chục năm nay, mứt được làm theo phương thức thủ công, không phẩm màu, không chất bảo quản, nguyên liệu gừng tự nhiên. Làng mứt chỉ đỏ lửa khoảng độ cuối năm, nên chất lượng mứt luôn được đảm bảo phục vụ trong dịp tết Nguyên đán 2021. Đây là địa chỉ duy nhất ở Cố đô còn lưu giữ nghề làm mứt gừng, mứt nghệ trong những ngày cuối năm âm lịch.

Các hộ dân làm mứt gừng Huế tại Kim Long chia sẻ, mứt gừng ở đây là loại mứt khô bởi những gia đình truyền thống ở Huế vẫn thường thích loại mứt giòn và ráo. Sở dĩ mứt gừng xứ Huế nổi tiếng gần xa là do vị ngon bao đời nay vẫn vậy, cay nồng, ngọt thanh. Được làm từ củ gừng tuyển chọn nơi vùng đất đồi Tuần pha sỏi phía Tây Bắc thành phố Huế, mứt gừng Huế tuy không to nhưng lại tươi non đủ độ, có vị cay đậm đà và thơm hơn hẳn những nơi khác.

Bí quyết để có mứt ngon nằm ở loại gừng được sử dụng chế biến phải là gừng thu hoạch vào cuối năm, không quá xơ già cũng không quá non để có vị cay nồng đến độ. Sau khi được gọt sạch, thái mỏng đều tay, gừng được ngâm cùng chanh và quất để miếng gừng sạch, vàng đẹp. Sau đó, gừng tiếp tục được luộc vừa chín tới, đảo đều gừng trong chảo cho đến khi gừng sánh lại và đường bắt đầu “thắn” lại thì đảo nhanh tay, công đoạn này được cho là quyết định đến hương vị và màu sắc của mứt có đẹp mắt và thơm ngon hay không. Thường công đoạn này mất từ 40 – 45 phút, người canh lửa phải chú ý và xào liên tục gừng trên bếp lửa hồng để gừng không bị cháy.

Ông Nguyễn Văn Dần giới thiệu loại gừng đặc biệt mà ông sử dụng để làm mứt

Âm thanh của củi lửa, tiếng nói cười rôm rả, tiếng xe của người chuyển gừng và tiếng nước chảy,… một khung cảnh tấp nập, rộn ràng mà chỉ có vào mùa mứt gừng của làng vào những ngày giáp Tết. Không biết từ khi nào mà người ở làng Kim Long đã làm mứt gừng, nhưng nó đã để lại một nét riêng của Huế mà không thể lẫn với hương vị ở những nơi nào khác. Đó là lý do mà cứ mỗi năm đến Tết Nguyên Đán, mọi người lại tìm đến làng để mua những mẻ mứt về làm quà cho bạn bè hay chỉ để thưởng thức.

Ông Nguyễn Văn Dân, người đã có 32 năm trong nghề làm mứt tại đây, cho biết, hằng năm, gia đình ông gồm 7 người cùng làm được 2 - 2,2 tạ mứt gừng dịp Tết. Để phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, gia đình ông nhập thêm loại gừng Lao Bảo (Quảng Trị) làm mứt. Tuy nhiên, mứt gừng Huế vẫn bán chạy hơn cả. Giá bán số lượng lớn cho các cơ sở kinh doanh là khoảng 50.000 đồng/kg đối với mứt gừng Lao Bảo và 80.000 đồng/kg đối với mứt gừng Huế.

Mặc cho một năm 2020 đầy khó khăn, thách thức, nhiều hoạt động còn chưa thực sự khởi sắc như cũ. Nhưng cứ vào những dịp giáp Tết, các làng nghề truyền thống ở Cố đô Huế lại vào mùa, bận rộn để có thể mang đến cho người dân những sản phẩm ngon nhất, sạch nhất, ý nghĩa nhất... Ngoài các làng nghề kể trên, những làng nghề truyền thống ở xứ Huế như tranh làng Sình, làng nghề đệm bàng Phò Trạch (Phong Bình), mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên (Phong Hòa, Phong Điền), làng nghề đan lát Bao La (Quảng Phú, Quảng Điền),… cũng đang hối hả vào vụ sản xuất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.519.833
Truy cập hiện tại 82