Cũng vừa trước đó vào đầu tháng 8, Công an Tp Hà Nội cũng khởi tố 2 đối tượng là Nguyễn Ngọc Diệp và Đinh Thị Vân thuộc Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập về tội cưỡng đoạt tài sản vì dùng danh nhà báo viết bài để tống tiền doanh nghiệp với chiêu thức ký hợp đồng hợp tác truyền thông với tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập và thực hiện gỡ 2 bài báo có nội dung ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của doanh nghiệp được đăng tải trên Tạp chí Thương trường. Ngoài ra, 2 bị can này còn thực hiện một số phi vụ khác gây sức ép, tống tiền doanh nghiệp khi bị phát hiện sai phạm.

Đây không phải là những trường hợp hiếm gặp khi trước đó, báo chí đã đăng tải không ít những vụ việc phóng viên bị bắt, bị khởi tố vì hành vi tống tiền, cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp.... Đây là thực tế đáng buồn khi có những người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bỏ qua mọi tôn chỉ, mục đích và sứ mệnh của ngành báo chí, bất chấp tất cả để kiếm tiền, có những hành vi nhũng nhiễu, tống tiền tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Mặc dù các trường hợp này chỉ là những “con sâu bỏ rầu nồi canh” trong hàng chục nghìn người đứng trong hàng ngũ báo chí, nhưng đã ảnh hưởng không nhỏ tới danh dự, uy tín các nhà báo với xã hội, khiến báo chí trở thành nỗi ám ảnh của doanh nghiệp.

Nguyên nhân của những sự việc này, có thể kể đến sự suy thoái của một số nhà báo, phóng viên, bất chấp đạo đức để kiếm tiền bất chính. Một số cơ quan báo chí còn thả nổi đội ngũ phóng viên, CTV, do phải tự chủ tài chính, thậm chí sử dụng, mượn danh CTV như công cụ kiếm tiền cho tờ Báo đó. Một nguyên nhân nữa là một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sai phạm, bị đội ngũ này nắm được "gót chân Asin" nên đã hối lộ, hòng thoát tội. Nhưng cũng có không ít tổ chức, cá nhân không sai phạm, nhưng để tránh rắc rối, mất thời gian báo cáo, giải trình, nên "tặc lưỡi" bôi trơn nhằm tránh phiền hà. Tuy vậy, dù bất kỳ tình huống nào vừa nêu trên thì vô hình trung đã tạo cơ hội cho nhưng kẻ bất lương làm báo “bẩn”.

Có rất nhiều nhà báo đã hy sinh cả tính mạng trong khi tác nghiệp để có các bài điều tra, đấu tranh vạch trần cái sai, cái xấu trong xã hội, luôn đứng vững trước mọi sự mua chuộc.... thì những “con sâu” này lại cố tình “đục khoét”, làm “mục ruỗng” đạo đức báo chí. Họ  đã và đang cố tình đi ngược lại tôn chỉ, mục đích, cũng như sứ mệnh cao quý của báo chí, đó là bảo vệ chính nghĩa, nói lên sự thật, đồng hành với lẽ phải và lên án cái xấu cái ác, chống lại sự phi nghĩa. Họ không chỉ làm công chúng mất niềm tin vào báo chí, làm mất uy tín của nhà báo với xã hội, mà như thế, họ đang ngang nhiên vi phạm pháp luật, lộng hành dọa nạt doanh nghiệp, làm “vấy bẩn” nghề báo. Họ hoàn toàn không xứng đáng được đứng trong hàng ngũ những người làm báo. Việc làm của họ cần phải bị lên án mạnh mẽ và phải xử lý thật nghiêm minh để làm gương và là cảnh báo cho những người làm báo nói chung, đặc biệt là với những nhà báo nào đang có ý định vi phạm...

Cá nhân làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, cơ quan báo chí cấp phép cho phóng viên, CTV có hoạt động sai phạm không thể vô can bởi những sai phạm đó cho thấy sự buông lỏng quản lý của cơ quan đó. Thậm chí, nếu có bằng chứng đang đứng sau, hỗ trợ phóng viên vi phạm đạo đức và thực hiện tống tiền (ví dụ như những chiêu bài đăng, rút bài, thay ruột giữ tít bài, đăng kỳ I mà không có kỳ II), thì cơ quan đó cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách tòng phạm.

Báo chí với sứ mệnh là phản ánh sự thật, khách quan và không chịu bất cứ tác động nào khác. Do đó, nó đòi hỏi các nhà báo phải là người công tâm, thận trọng, có đạo đức nghề nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chức năng cũng cần quản lý thật tốt đội ngũ phóng viên và có chế tài xử phạt nghiêm minh với những sai phạm để không còn đất sống cho những kẻ mang danh nhà báo đang làm “vấy bẩn” hình ảnh những người làm báo chân chính đang cố gắng đóng góp công sức, trí tuệ để thúc đẩy xã hội phát triển.

T. Huyền

https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/can-xu-ly-nghiem-cac-hanh-vi-lam-vay-ban-nghe-bao-588058.html