NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NHIỆM KỲ 2024 - 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Thuận tiện nhưng dễ bị lạm dụng
Ngày cập nhật 12/01/2021
Ông Hoàng Trọng Chính, Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Từ ngày 1/1/2021, quy định thông tuyến tỉnh trong khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực. Quy định này tạo thuận lợi hơn cho người dân trong tiếp cận dịch vụ y tế, nhưng cũng được dự báo tạo “áp lực” không nhỏ lên Quỹ bảo hiểm y tế. Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Hoàng Trọng Chính cho biết:

Thừa Thiên Huế có các bệnh viện tuyến tỉnh, như Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế, Quân y 268; các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, như Răng hàm mặt, Tâm thần, Y học cổ truyền, Phục hồi chức năng, Phổi, Phong và Da liễu, Mắt và 2 bệnh viện đa khoa khu vực là Chân Mây và Bình Điền.

Từ ngày 1/1/2021, chính sách thông tuyến tỉnh trong khám, chữa bệnh BHYT được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Người tham gia BHYT khi tự đi KCB không đúng tuyến tại các tại bệnh viện tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước không cần có giấy chuyển tuyến, người bệnh vẫn được chi trả 100% chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT như đi KCB đúng tuyến.

Khi người bệnh tự đi khám tại các bệnh viện tuyến tỉnh trong toàn quốc, không có giấy chuyển tuyến từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh (ngoại trừ các trường hợp được xem là đúng tuyến như cấp cứu, hẹn tái khám…), nếu được chỉ định vào nội trú được hưởng 100% theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT đối với chi phí điều trị nội trú. Khác so với trước đây chỉ được hưởng 60% theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT theo từng nhóm đối tượng đối với chi phí nội trú.

 Nghĩa là bệnh nhân ngoại trú không được áp dụng chính sách này?

Đúng như vậy. Cần phải xác định rõ, từ ngày 1/1/2021, người tham gia BHYT khi tự đi KCB không đúng tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước sẽ được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT như đi KCB đúng tuyến. Còn trường hợp tự đến KCB ngoại trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh ở các địa phương lân cận, kể cả trong địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ không được hưởng chế độ BHYT nếu điều trị ngoại trú.

Theo ông chính sách thông tuyến sẽ tác động thế nào đến việc khám, chữa bệnh của người dân và của ngành y tế ?

Chính sách này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có bệnh lý cần phải điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước, thuận lợi cho bệnh nhân ở tỉnh xa, đi công tác, làm việc tại địa phương khác, giảm bớt thủ tục phải làm giấy chuyển viện, rút ngắn thời gian khám bệnh cho người dân. Chính sách này cũng tạo ra sự lựa chọn của người dân trong KCB BHYT tại bệnh viện tuyến tỉnh có chất lượng tốt, uy tín mà bản thân người bệnh tin tưởng. Điều này là động lực nâng cao chất lượng KCB tại tất cả các tuyến y tế. Đặc biệt, các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện sẽ phải nâng cao năng lực KCB để thu hút bệnh nhân, người bệnh được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, chính sách thông tuyến tỉnh cũng sẽ có những tác động không mong muốn, như các bệnh viện tuyến tỉnh dự báo sẽ xảy ra tình trạng quá tải, gây khó khăn cho cả bệnh nhân lẫn bệnh viện. Theo quy định về chuyển tuyến, bệnh viện tuyến dưới chuyển lên tuyến trên đối với những bệnh nhân có bệnh lý vượt quá khả năng chuyên môn của đơn vị, thực hiện chuyển tuyến sẽ phân bổ bệnh nhân phù hợp tình trạng bệnh lý giữa các tuyến. Bệnh viện tuyến tỉnh chỉ tập trung điều trị đối với các bệnh lý nặng, vượt khả năng của tuyến dưới.

Dự báo, sẽ có một số người bệnh có bệnh lý chưa đến mức cần thiết nhưng do tâm lý nên vẫn muốn được điều trị ở các tuyến cao hơn. Điều này sẽ tạo áp lực rất lớn đối với cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, số giường bệnh làm ảnh hưởng chất lượng điều trị. Ngoài ra, sẽ giảm đáng kể lượng bệnh nhân đến KCB tại các tuyến y tế cơ sở, có thể gây nên sự lãng phí đối với nguồn lực điều trị tại tuyến y tế cơ sở nếu không có giải pháp.

Chi phí y tế sẽ gia tăng khi thông tuyến tỉnh, gây áp lực lên Quỹ BHYT ra sao?

Khi thực hiện KCB thông tuyến tỉnh, chi phí KCB BHYT dự báo ngày càng gia tăng tạo áp lực lớn lên quỹ BHYT. Tuy nhiên, quan trọng nhất là vấn đề đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tham gia BHYT được lợi chính sách BHYT ngày càng mở rộng. Liên tục, trong những năm qua, nguồn thu từ BHYT trên địa bàn tỉnh không đủ chi trả chi phí KCB BHYT do quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng, chất lượng KCB ngày càng được nâng cao, giá viện phí ngày càng gia tăng theo hướng tính đúng, tính đủ nên liên tục bội chi quỹ BHYT đang phải sử dụng nguồn quỹ dự phòng bổ sung.

Việc thực hiện mở quyền lợi thông tuyến tỉnh cho mọi người dân, song song việc thực hiện dự toán KCB BHYT do Thủ tướng Chính phủ giao, đồng thời phải đảm bảo quyền lợi cho người bệnh trong cơ chế tự chủ một phần hay hoàn toàn của các bệnh viện sẽ gây áp lực rất lớn đến các cơ quan quản lý, các đơn vị khám chữa bệnh, đòi hỏi nhiều giải pháp triển khai, đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền có lộ trình điều chỉnh tăng mức đóng BHYT để bù đắp chi phí thiếu hụt của quỹ BHYT để đáp ứng được quyền lợi ngày càng mở rộng về chính sách BHYT.

Các cơ quan quản lý Nhà nước cần chuẩn bị những gì để hạn chế chính sách bị lạm dụng?

BHXH Thừa Thiên Huế sẽ tăng cường tuyên truyền người tham gia BHYT nên đi khám chữa bệnh đúng tuyến theo đúng quy định của Luật BHYT, tránh tình trạng ào ạt lên thẳng tuyến trên, gây quá tải tại tuyến tỉnh do bệnh viện phải tiếp đón những bệnh lý thông thường, bệnh nhẹ.

Các đơn vị KCB BHYT tuyến tỉnh cần tăng cường công tác quản lý và đảm bảo chất lượng điều trị cho người bệnh, xây dựng hướng dẫn chẩn đoán điều trị, tiêu chuẩn nhập viện ra viện theo đúng quy định, đảm bảo cơ sở vật chất, đặc biệt nguồn nhân lực để chuẩn bị đáp ứng tốt khi thực hiện thông tuyến tỉnh. Đồng nghĩa, các bệnh viện tuyến tỉnh phải nâng cao chất lượng KCB, rà soát số giường bệnh, nếu kê thêm giường bệnh phải bảo đảm đúng quy định. Phải có giải pháp tránh tình trạng người bệnh ở tuyến xã, tuyến huyện đổ lên bệnh viện tuyến tỉnh khi thông tuyến BHYT. Các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh tăng cường hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới, chuyển một số bệnh mạn tính ở thể trung bình và nhẹ về tuyến huyện và xã quản lý; chỉ đạo các cơ sở KCB tuyến huyện, tuyến xã thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, chú ý tập trung nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về chuyên môn trong KCB và nhu cầu KCB của người tham gia BHYT.

Cơ quan BHXH sẽ tăng cường các giải pháp giám sát chặt chẽ, có biện pháp ngăn ngừa tình trạng lạm dụng quỹ BHYT. Phối hợp Sở Y tế kiểm tra, việc chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú. Tăng cường kiểm tra, giám sát tại các cơ sở KCB BHYT, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát, thẩm định và thanh toán chi phí KCB BHYT nhằm thực hiện quản lý và sử dụng quỹ KCB BHYT một cách có hiệu quả.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

HUẾ THU (thực hiện)

https://baothuathienhue.vn/thuan-tien-nhung-de-bi-lam-dung-a95479.html

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.524.552
Truy cập hiện tại 637