NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NHIỆM KỲ 2024 - 2029 !

 

Tạo không gian rộng mở hơn để phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Ngày cập nhật 14/01/2021
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai yêu cầu đổi mới phương thức kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Ảnh: VGP/Đình Nam

Chiều 13/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức đã chủ trì Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ 2016-2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Ban Chỉ đạo.

Năm 2020, các cấp ủy đảng tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa tập trung phát triển kinh tế-xã hội; tổ chức Đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và năm “Dân vận khéo” 2020.

Các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp tiếp tục thể chế hoá, cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật, trong đó nhiều lĩnh vực trực tiếp liên quan đến đời sống, quyền và lợi ích của nhân dân.

Thông qua triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của các cấp, các ngành và tổ chức trong hệ thống chính trị, nhận thức về dân chủ, thực hành dân chủ và kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên các loại hình hoạt động tiếp tục được nâng lên, dân chủ trong Đảng, trong quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng thực chất, nhất là thực hành dân chủ trong Đảng qua Đại hội các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Chỉ đạo Trung ương thường xuyên củng cố, kiện toàn, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, kịp thời sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; đồng thời thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những chủ trương, giải pháp nhằm mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân… Ngoài ra, Ban Chỉ đạo đổi mới phương thức kiểm tra, trao đổi kinh nghiệm, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; thúc đẩy việc nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên phạm vi cả nước…


Ảnh: VGP/Đình Nam
 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nhìn lại năm 2020 và cả nhiệm kỳ, công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các cấp đã có nhiều đổi mới hoạt động, nhằm vào những vấn đề nổi lên mà xã hội đang quan tâm. Sự phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tốt hơn trước. Càng ngày chúng ta càng nhận thấy vai trò tầm quan trọng của công tác dân vận.

Từ câu chuyện Liên Hợp Quốc đánh giá Việt Nam đứng thứ 49 trên thế giới về chỉ số phát triển bền vững dù thu nhập GDP bình quân đầu người đứng ngoài 100, Phó Thủ tướng cho biết một trong những trụ cột căn bản nhất của chỉ số phát triển bền vững là những chính sách liên quan đến con người của Việt Nam được thực hiện tốt hơn rất nhiều so với tất cả các nước có cùng trình độ phát triển. Điều đó cho thấy sự đúng đắn của lý tưởng phấn đấu xây dựng một nhà nước định hướng chủ nghĩa xã hội “của dân, do dân và vì dân”.

“Trước đây nhiều người thường nghĩ công tác dân vận mang tính lý thuyết, tuyên truyền nhưng nếu từng cơ quan, tổ chức, cán bộ gắn hoạt động của mình thực sự vì dân thì đấy chính là dân vận và những số liệu về phát triển bền vững là minh chứng rất rõ”, Phó Thủ tướng trao đổi.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, sự phối hợp giữa các bộ ngành, chính quyền địa phương, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, trong đó có cả các tổ chức tôn giáo, cộng đồng doanh nghiệp tốt hơn trước rất nhiều, thực sự vì dân và đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông, công tác tuyên truyền trong thực hiện dân vận đã được chú trọng hơn. Đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận nói riêng, cán bộ công chức nói chung được trang bị tốt hơn các kỹ năng tiếp xúc, đối thoại, giải thích cho người dân.

Tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng đã tốt hơn trước. Việc công khai, minh bạch xử lý cán bộ vi phạm, Làm cho người dân khi nhìn vào cũng thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước.

Trong nhiệm kỳ tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Ban Chỉ đạo cần xác định một số vấn đề, phân công rất cụ thể bộ ngành thành viên chủ trì và những đơn vị phối hợp để giải quyết.

“Dân trí nâng lên thì nhu cầu dân chủ mở rộng ra, người dân yêu cầu công khai, minh bạch nhiều hơn, không chỉ những vấn đề kinh tế-xã hội liên quan đến đời sống hàng ngày mà cả những vấn đề liên quan đến nội bộ trong bộ máy nhà nước, bộ máy của Đảng, những vấn đề có ảnh hưởng lớn hơn đến vận mệnh của cộng đồng, dân tộc, đất nước”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh phải có cơ chế để minh bạch thông tin hoạt động, điều hành của bộ máy chính quyền, bộ máy Đảng, Nhà nước, đồng thời tiếp nhận các ý kiến đóng góp của người dân.

Các ý kiến tại hội nghị cũng nhấn mạnh, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp, năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025). Do đó, nhiệm vụ trọng tâm công tác dân vận năm 2021 sẽ đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp sẽ tập tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trên các loại hình và các tổ chức trong hệ thống chính trị: Đánh giá 5 năm thực hiện Kết luận số 129-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI “về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp”; nâng cao nhận thức trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ; thể hế hoá Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các quan điểm của Đảng về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở… Đồng thời, Ban Chỉ đạo các cấp về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; xây dựng mô hình điển hình trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các loại hình, kịp thời biểu dương, nhân rộng các điển hình…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, các ý kiến tại Hội nghị đã nhận định chung, nhất trí cao việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng được quan tâm, tạo nên mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị với nhân dân; tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Nhấn mạnh sự quan tâm của Đảng đối với quy chế dân chủ cơ sở, đồng chí Trương Thị Mai cho biết, nhiều văn bản pháp luật được ban hành để triển khai đường lối, quan điểm của Đảng về quy chế dân chủ cơ sở trên tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"; từ đó, quan điểm, đường lối, chính sách pháp luật đi vào cuộc sống tốt hơn, người dân nhận thức và nêu cao trách nhiệm đối với quyền làm chủ của chính mình. "Những kết quả toàn diện về kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên... đều có sự tham gia, đóng góp tích cực của nhân dân", đồng chí Trương Thị Mai nêu rõ.

Bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền theo hình thức truyền thống, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề liên quan đến nhân dân như cải cách hành chính, tiếp dân, tiếp xúc cử tri, đối thoại, lắng nghe phản ảnh ý kiến của nhân dân, hoạt động của các cơ quan dân cử, sự thay đổi của các cơ quan chính quyền... tạo nên một không gian rộng mở hơn để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, trong đó trực tiếp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.

Trích lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều là do dân", đồng chí Trương Thị Mai đề nghị, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở các cấp cần tiếp tục phát huy và mở rộng dân chủ trong Đảng cũng như hoạt động quản lý và điều hành của cơ quan nhà nước, chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các lĩnh vực của đời sống xã hội…; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, từ đó đảm bảo sự phát triển của đất nước.

Theo Chinhphu.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.516.674
Truy cập hiện tại 378