NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NHIỆM KỲ 2024 - 2029 !

 

Phát huy dân chủ, tăng cường giám sát, thiết lập hệ thống cơ chế kiểm soát quyền lực khả thi
Ngày cập nhật 26/12/2020

“Thời gian qua, vấn đề tha hóa quyền lực đã được công luận nhắc đến, trong đó, xâu chuỗi vấn đề một cách hệ thống, luận cứ rõ ràng, phân tích sâu sắc, lý giải chặt chẽ như vệt bài “Ngăn chặn tha hóa quyền lực-Vấn đề cốt tử để bảo vệ Đảng và chế độ ta” đã đăng trên Báo Quân đội nhân dân từ ngày 1 đến 4-10-2020 rất đáng hoan nghênh”.

Đó không chỉ là nhận định chung của nhiều bạn đọc sau khi đọc vệt bài, mà nhiều người còn gửi ý kiến về tòa soạn đề xuất thêm những kiến nghị, giải pháp nhằm góp phần ngăn chặn tha hóa quyền lực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Báo Quân đội nhân dân trân trọng trích đăng một số ý kiến.

Trung tướng NGUYỄN THANH TUẤN, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam: Thực hiện hiệu quả phương châm “ba không” trong phòng, chống tham nhũng

Tôi đồng tình với quan điểm cho rằng, sự tha hóa quyền lực không tự nhiên sinh ra nhưng cũng không tự nhiên mất đi mà nó là tích hợp của nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Vì vậy, muốn góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tha hóa quyền lực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, chúng ta phải sớm ban hành và thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực trong các cơ quan nhà nước. Các quy định về kiểm soát quyền lực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực phải bảo đảm tính khả thi, nhất quán, công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và người dân dễ giám sát. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống tham nhũng, vì đây chính là một trong những biểu hiện nổi cộm, nhức nhối nhất về sự tha hóa quyền lực, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Trong đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách để cán bộ, đảng viên không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng.

Muốn quan chức không thể tham nhũng thì phải coi trọng thực hiện các giải pháp như kê khai tài sản; thực hiện triệt để những điều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không được làm; duy trì chặt chẽ, thường xuyên các biện pháp thanh tra, kiểm tra... Bên cạnh đó, phải có những biện pháp mạnh tay khiến cho những đối tượng tham lam không dám tham nhũng, buộc họ phải đối mặt với nguy cơ mất cả công danh, sự nghiệp và bị trừng trị những bản án thích đáng, kể cả tử hình. Để cán bộ không cần tham nhũng thì cần phải chăm lo chính sách tiền lương, đãi ngộ để bảo đảm cho họ có đủ khả năng chi tiêu phù hợp cho cá nhân, nuôi sống gia đình và tích lũy một phần tiết kiệm. Khi không phải quá lo toan cho chuyện "cơm áo gạo tiền" thì cán bộ, công chức sẽ nêu cao tinh thần liêm chính, tận tụy hơn trong thực thi công vụ và phục vụ nhân dân.

PGS, TS, NGUYỄN TRỌNG PHÚC, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Kiên quyết đấu tranh phòng, chống, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân

Ở thể chế chính trị xã hội nào cũng vậy, những người nắm giữ quyền lực nhà nước rất dễ bị lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm chi phối nếu như bản thân họ không chế ngự được lòng tham trong con người mình. Nhất là những người đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương thường được giao những quyền hành có thể mang lại nhiều lợi thế, lợi ích cho họ, do đó nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả thì cá nhân người đứng đầu dễ bị tha hóa quyền lực.

Tha hóa quyền lực là vấn đề khách quan, nhưng lại bị yếu tố chủ quan là con người chi phối, thao túng, lũng đoạn rồi dẫn đến tha hóa. Do đó, điều cấp thiết hiện nay là phải tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát những người nắm giữ quyền lực, đặc biệt là cá nhân người đứng đầu. Chúng ta phải có cách thức kiểm soát đa chiều: Cấp trên kiểm soát cấp dưới; các cơ quan (lập pháp, hành pháp, tư pháp) kiểm soát lẫn nhau; nhân dân và cơ quan báo chí tham gia kiểm soát quyền lực chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ và những người thực thi, thừa hành công vụ; phát huy vai trò, hiệu quả kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng như kiểm tra, thanh tra, kiểm toán...

Mặt khác, để ngăn chặn tha hóa quyền lực thì phải chú trọng cuộc đấu tranh bài trừ chủ nghĩa cá nhân, vì đây là nguồn gốc của mọi sự hư hỏng, suy thoái, biến chất. Chủ nghĩa cá nhân phát triển mạnh trong chế độ xã hội phong kiến và chế độ thực dân. Các chế độ đó dựa trên nền tảng kinh tế sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, kinh tế cá thể, tư nhân. Về tư tưởng chính trị, các chế độ xã hội đó đề cao cái tôi, vai trò cá nhân dẫn đến chuyên chế, đặc quyền, đặc lợi. Do đó, triệt tiêu tư tưởng, chủ nghĩa cá nhân trong mỗi cán bộ, đảng viên cũng là một giải pháp hữu hiệu để phòng, chống tha hóa quyền lực hiện nay.

----------

Thiếu tướng PHẠM NGỌC NGHINH, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó giám đốc Học viện Quốc phòng: Giáo dục, nâng cao tinh thần liêm sỉ, đạo đức công vụ cho cán bộ, đảng viên

Thời gian qua, chúng ta đã triển khai nhiều biện pháp để đấu tranh, xử lý tình trạng tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Mặc dù vậy, tình trạng này vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi, nhất là ở cấp cơ sở. Hầu hết cán bộ hiện nay từ cấp cơ sở trở lên đều không phải gặp khó khăn về đời sống vật chất, nhưng một bộ phận cán bộ vẫn bị tha hóa quyền lực là do thái độ quan liêu, cửa quyền và lòng tham chi phối. Vì vậy, chúng ta cần thường xuyên giáo dục, tuyên truyền để giúp họ thấu hiểu rằng, với người cán bộ, lòng tự trọng, danh dự bản thân mới là điều quý giá nhất. Đã được cấp trên tin tưởng, tín nhiệm, nhân dân yêu mến, người cán bộ phải thấy đó là một niềm vinh dự, từ đó nhận thức thấu đáo về vai trò, giá trị của bản thân để giữ gìn lòng tự trọng, phẩm cách của mình. Khi nhận thức được điều đó, người cán bộ sẽ luôn tỉnh táo, biết phân biệt phải-trái, đúng-sai trong suy nghĩ và việc làm, thái độ ứng xử và hành động.

Cùng với tăng cường các giải pháp hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần chú trọng quan tâm giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, tinh thần chí công vô tư, đặc biệt là giáo dục liêm sỉ cho cán bộ, đảng viên. Thực tế cho thấy, chỉ vì thiếu liêm sỉ, không biết xấu hổ với lương tâm, bất chấp đạo đức xã hội mà không ít quan chức, kể cả quan chức cấp cao đã bị tha hóa, bị cám dỗ, mê hoặc bởi những đồng tiền bất chính.

----------

Tiến sĩ ĐOÀN VĂN DŨNG, Học viện Hành chính Quốc gia: Xây dựng, thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh, hiệu quả

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần cảnh báo về các hiện tượng tha hóa quyền lực. Người chỉ rõ biểu hiện của sự lộng quyền, tùy tiện sử dụng quyền, lạm dụng quyền, độc đoán, chuyên quyền... và coi đó là những biến tướng khác nhau của tha hóa quyền lực, cần phải đấu tranh kiên quyết loại bỏ. Đến nay, những cảnh báo ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị.

Trước những biểu hiện của thực trạng tha hóa quyền lực hiện nay, trước hết cần xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ để không tạo ra những khoảng trống, kẽ hở cho cán bộ, công chức có điều kiện thực hiện các hành vi tha hóa quyền lực. Muốn thực hiện tốt điều này, đòi hỏi cơ chế phải xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm, phân định trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân, không để chồng chéo. Cùng với đó, cần có các quy định, chỉ rõ các biểu hiện cụ thể về tha hóa quyền lực ở các cấp, các ngành, các vị trí công tác... nhằm răn đe, cảnh tỉnh, đồng thời tạo ranh giới để cán bộ, công chức soi chiếu, tự nhận diện được đúng sai, từ đó chủ động điều chỉnh hành vi, suy nghĩ của mình. Đây cũng là thước đo để giám sát, kiểm tra, quy trách nhiệm khi có sự việc xảy ra. Ngoài các biện pháp trên, cần thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện có sự vi phạm hoặc biểu hiện vi phạm phải kiên quyết xử lý.

Một biện pháp quan trọng nữa là cần hoàn thiện khung thể chế xử lý các vi phạm, những biểu hiện tha hóa quyền lực để kịp thời phát hiện, xử lý, bảo đảm không có khoảng trống về pháp luật thực định liên quan đến xử lý tha hóa quyền lực. Cần phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong việc tăng cường cơ chế tự kiểm soát quyền lực gắn liền với việc nâng cao đạo đức cách mạng; phòng, chống chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực khác thông qua sinh hoạt Đảng, hoạt động kiểm tra, giám sát, chất vấn, giải trình ở các tổ chức Đảng từ cơ sở đến Trung ương.

----------

Luật sư ĐẶNG XUÂN CƯỜNG, Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Tăng cường vai trò giám sát của các tầng lớp nhân dân

Tôi đồng tình với những vấn đề đặt ra trong vệt bài “Ngăn chặn tha hóa quyền lực-Vấn đề cốt tử để bảo vệ Đảng và chế độ ta” đăng trên Báo Quân đội nhân dân mới đây. Dưới góc nhìn của một luật sư, tôi muốn làm rõ hơn một số giải pháp ngăn chặn tha hóa quyền lực hiện nay.

Quyền lực luôn dễ bị tha hóa cho nên cần phải kiểm soát quyền lực-đây là vấn đề đặt ra cho con người từ mấy nghìn năm qua. Hầu hết các mô hình nhà nước, thể chế chính trị đều phải tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực mà trong đó quan trọng nhất là luật pháp được xây dựng sát với thực tiễn và được tuân thủ nghiêm ngặt. Tại sao lại nhấn mạnh đến luật pháp? Bởi lẽ luật pháp luôn bất vị thân. Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; cá nhân giữ vị trí gì đi nữa nếu vi phạm đều bị xử lý. Quan sát đời sống chính trị nhiều quốc gia cho thấy, luật pháp tạo ra khuôn khổ để các cá nhân dù nắm quyền lực lớn thế nào cũng phải cân nhắc, thận trọng trước khi sử dụng quyền lực được ủy nhiệm. Mọi người đều có thể làm bất cứ việc nếu pháp luật không cấm! Điều này cũng đúng với những người có quyền lực trong tay. Như vậy, công tác lập pháp cần đặc biệt chú trọng, đi vào chiều sâu để kiểm soát quyền lực tối đa. 

Bản thân nội bộ cơ quan quyền lực cũng cần tạo cơ chế giám sát, cạnh tranh để những người có quyền lực hết lòng vì công việc, vì lợi ích chung. Chẳng hạn, một số cơ quan đã tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo dựa trên chương trình hành động trong nhiệm kỳ mà các ứng cử viên trình bày. Vấn đề là sau khi được bổ nhiệm, chương trình hành động được triển khai thế nào? Hiệu quả ra sao? Khi mà chương trình hành động không được thực hiện như cam kết, liệu cán bộ lãnh đạo có bị cho thôi giữ chức vụ không? Tóm lại, chức vụ phải gắn với trách nhiệm, chịu sự giám sát trên nhiều phương diện. Có quyền lực trong tay thì người giữ chức vụ phải thể hiện là người có tài, có đức và thực sự phục vụ lợi ích công, lợi ích quốc gia, dân tộc. 

Về bản chất, quyền lực Nhà nước không phải là quyền lực tự có mà là quyền lực của nhân dân, được nhân dân ủy quyền, nhân dân giao quyền. Chính vì thế, cần tăng cường kiểm soát quyền lực thông qua hoạt động giám sát của nhân dân. Ngoài ra, cần tổ chức lấy ý kiến đánh giá cán bộ của nhân dân theo nhiều kênh, nhiều hình thức, trong đó có thể tham khảo ý kiến đánh giá cán bộ của người dân qua hình thức trực tuyến.

----------

Tiến sĩ NGUYỄN TRỌNG TUẤN, Khoa Luật, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành: Cụ thể hóa các biểu hiện tha hóa quyền lực để giúp cán bộ, đảng viên tự phòng ngừa

Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, nhưng quá trình vận động phát triển, một bộ phận cán bộ, đảng viên đã bị tha hóa quyền lực, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân vào Đảng và chế độ.

Thực tiễn cho thấy, nhiều người nắm giữ quyền lực rất khó có thể tự phòng ngừa tha hóa quyền lực nếu không có một cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, khả thi. Do đó, rất cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả. Theo tôi, trước hết cần tăng cường kiểm soát quyền lực trong Đảng, tiếp tục hoàn thiện quy định về công tác bầu cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, trách nhiệm giải trình của các cơ quan và cán bộ trong việc thực thi quyền lực... Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật để tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát của Quốc hội đối với Chính phủ, Quốc hội với các cơ quan tư pháp và của các cơ quan tư pháp đối với Chính phủ. Nghĩa là, mọi quyền lực phải được chế định chặt chẽ trong khuôn khổ cơ chế, không tạo ra kẽ hở để người nắm giữ, thực thi quyền lực có cơ hội lạm quyền, lộng quyền, đặc quyền, đặc lợi.

Mặt khác, cần nghiên cứu, cụ thể hóa các biểu hiện của tha hóa quyền lực để cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cá nhân người đứng đầu có cơ sở nhận biết để tự phòng tránh, phòng ngừa. Các cơ quan chức năng cũng nên nghiên cứu, bổ sung theo hướng luật hóa quy định phòng, chống tha hóa quyền lực vào luật phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, cần phát huy vai trò của các cơ quan báo chí truyền thông trong giám sát, phản biện xã hội, góp phần đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, tha hóa quyền lực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

https://www.qdnd.vn/phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/phat-huy-dan-chu-tang-cuong-giam-sat-thiet-lap-he-thong-co-che-kiem-soat-quyen-luc-kha-thi-640191

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.636.608
Truy cập hiện tại 385