Tiếc thay, nhiều người lại chẳng biết mình là ai, chả thấm thía lời người xưa khuyên răn dạy “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Thói đời vẫn nhiều kẻ lưỡi không xương trăm đường lắt léo, thế nên mới sinh ra đủ loại người, nào là đại ngôn, xảo ngôn, ngoa ngôn, lộng ngôn, loạn ngôn và cả... ngáo ngôn nữa!
Đại ngôn nhằm ám chỉ những kẻ ba hoa, huênh hoang, mà người ta thường nói rằng, nếu xã hội có chế tài đánh thuế đối với những lời đại ngôn thì thế gian này chắc sẽ không còn chỗ dung thân của những kẻ khoác lác, nói phét như thần!
Xảo ngôn là một thủ thuật khéo nói của những người miệng dẻo như kẹo kéo, lời lẽ như mật ngọt nghe rất dễ lọt tai nhưng thực chất là những lời giả tạo, thậm chí đơm đặt, biến không thành có, đổi trắng thay đen.
Ngoa ngôn là những lời nói ngoa ngoắt, chua chát, đay nghiến, vì thế lời nói rất thiếu tin cậy, thiếu văn hóa.
Lộng ngôn là những lời nói quá đáng, nói càn nói quấy, thậm chí phạm thượng, phạm húy đến mức “dọc ngang chẳng biết trên đầu có ai”.
Loạn ngôn là biểu hiện cao nhất của trạng thái rối loạn ngôn ngữ, bạ đâu nói đấy, nói cho hả dạ sướng mồm mà quên cả luân thường đạo lý, bất chấp hậu quả.
Thế còn những người ngáo ngôn thì sao?
“Ngáo” là từ dành để chỉ những kẻ ngáo đá, tức là một dạng người phê ma túy đá mà mặt mày lúc nào cũng thất thần, ngơ ngơ ngáo ngáo khiến nhận thức, suy nghĩ rơi vào trạng thái ảo giác, hoang tưởng nên mất khả năng kiểm soát cử chỉ, hành vi, từ đó tự hành hạ bản thân hay gây nguy hiểm cho người khác bằng những hành vi quái đản.
Liên tưởng trạng thái của những kẻ ngáo đá, thời nay người ta ám chỉ những kẻ nói năng lung tung, phát ngôn thiếu suy nghĩ, hay soi mói, thóc mách chuyện người khác, thích bình luận, phán xét người khác không phải vì mục đích xây dựng, mà chỉ hòng “câu view”, “câu like” là những người ngáo ngôn. Đặc điểm chung của những người ngáo ngôn trên mạng xã hội là rất ảo tưởng về sức mạnh lời nói, cứ tưởng mỗi bài viết, bài nói, ý kiến, bình luận, phán xét, quan điểm của mình đưa ra nếu chưa có thể làm thay đổi thế giới thì cũng khiến khối người phải lo lắng, lao đao, mất ăn mất ngủ.
Thời gian qua, không khó để nhận diện mức độ ngáo ngôn của một số người trên mạng xã hội, già có, trung niên có, trẻ có, thậm chí có cả trí thức, văn nghệ sĩ, luật sư, doanh nhân...
Ở mức độ nặng, có nữ doanh nhân ảo tưởng lời nói của mình có quyền lực vô song khiến thiên hạ phải khuynh loát, thất điên bát đảo! Ở dạng nhẹ hơn, một cô á hậu từng trải qua những năm tháng Tây học cũng tưởng mình có trí tuệ uyên bác hơn người nên mới đưa ra quan điểm cổ xúy phụ nữ phải biết “tăng tiêu chuẩn lựa chọn chồng thì mới thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển”. Cũng là một dạng ngáo ngôn khi có thiếu nữ vừa đăng quang hoa hậu tự nói rằng mình nổi tiếng ngang hàng với một bậc anh hùng dân tộc.
Hậu quả là có người ngáo ngôn phải trả giá bằng những tháng ngày ngồi nhà đá để âm thầm chữa lành cái miệng. Có người thì bị dư luận phản ứng, công chúng tẩy chay nên tự mình phải lặng lẽ trốn tránh, thậm chí ẩn dật một thời gian khá dài không dám mở miệng trên mạng xã hội.
Nói thế để thấy, khi ai đó ảo tưởng về quyền lực mạng xã hội rồi rơi vào trạng thái ngáo ngôn, khua môi múa mép loạn xạ thì sớm muộn cũng gặp vạ miệng, lợi bất cập hại.
THIỆN VĂN
https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/nhin-thang-noi-that-ngao-ngon-776260