MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI 2023): Thừa Thiên Huế đứng đầu
Ngày cập nhật 03/04/2024

Ngày 2/4, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức công bố Báo cáo chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023.

Chỉ số PAPI năm 2023 được thực hiện dựa trên sự tham gia của 19.536 người dân từ khắp các tỉnh thành, bao gồm 8 chỉ số thành phần: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.
 
Kết quả PAPI năm 2023 cho thấy, trong số 15 tỉnh/thành phố đạt điểm chỉ số cao nhất, Thừa Thiên Huế dẫn đầu với 46,0415 điểm (trên tổng điểm là 80), cao hơn mức trung bình của cả nước là 42,3265. Xếp sau là một số địa phương có mức điểm PAPI trong khoảng 45,5 - 45,7 gồm: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Sóc Trăng và Bạc Liêu.
 
Trong khi đó, Hà Nội và TPHCM có chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công thấp hơn đáng kể, ở mức lần lượt là 43,9603 và 41,7754. Thậm chí chỉ số PAPI 2023 của TPHCM còn thấp hơn mức chỉ số PAPI trung bình của cả nước.
 
Theo kết quả PAPI, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công gồm 4 nội dung thành phần: Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương; Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công; Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công; Quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương. Điểm số của tất cả các tỉnh/thành phố dao động từ 5,86 - 8,15 trên thang đo từ 1-10 điểm.
 
Khác với những năm trước, kết quả năm 2023 cho thấy, 5 tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và 5 tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tên trong nhóm đạt điểm cao nhất. Trong khi đó, 4 trong 5 tỉnh vùng Tây Nguyên (trừ tỉnh Đắk Lắk thuộc nhóm trung bình - thấp) và 4 trong 11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng gia nhập nhóm đạt điểm thấp nhất.
 
Nội dung thành phần “Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công” vẫn đạt mức điểm thấp nhất trong 4 nội dung thành phần, với điểm số của các tỉnh, thành phố dao động từ 0,95 - 1,71 điểm trên thang đo từ 0,25 - 2,5 điểm. Tương tự kết quả của những năm trước, hiện trạng “chung chi” để có việc làm trong khu vực nhà nước vẫn khá phổ biến ở tất cả các tỉnh/thành phố, không kể tỉnh giàu hay tỉnh nghèo. Chẳng hạn, 3 tỉnh đạt điểm thấp nhất là Bình Phước và Đắk Nông (2 địa phương còn nghèo) và Hải Phòng (địa phương có điều kiện kinh tế).
 
Bên cạnh đó, mối quan hệ thân quen vẫn quan trọng khi muốn xin vào làm việc ở 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã/phường/thị trấn (gồm công chức địa chính, công chức tư pháp, công an cấp xã, giáo viên tiểu học công lập, nhân viên văn phòng UBND xã/phường) ở tất cả các tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở 2 tỉnh Gia Lai và Hà Nam.
 
Việc phải đưa “lót tay” khi làm thủ tục cấp mới hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (QSDĐ) vẫn còn là một tập quán phổ biến ở các tỉnh, thành phố. Tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận QSDĐ đã phải chi “lót tay” dao động từ 19 - 81% ở 61 tỉnh, thành phố, trong đó Tây Ninh là địa phương có tỷ lệ thấp nhất, và Lâm Đồng là địa phương có tỷ lệ cao nhất năm 2023.
 
Bên cạnh đó, việc phải đưa “lót tay” để được chăm sóc y tế tốt hơn cũng vẫn còn phổ biến ở các tỉnh, thành phố. Năm 2023, tỷ lệ người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công tuyến huyện cho biết họ đã phải trả “chi phí ngoài” quy định để được chăm sóc tốt hơn dao động từ 40 - 80% ở 40 tỉnh/thành phố. Tỷ lệ này ở mức thấp nhất ở Bến Tre, Đà Nẵng và Kon Tum, song vẫn dao động trong khoảng 20-30%. So với năm 2021, tỷ lệ này thấp hơn ở 32 tỉnh/thành phố. Nhất là ở Bắc Kạn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Gia Lai, Ninh Bình và Thái Bình là nơi tỷ lệ “chung chi” khi đi khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện giảm từ 20% trở lên.
 
Theo TS Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), tình trạng người dân đi làm sổ đỏ vẫn phải “phong bì”, “phong bao”. Đặc biệt là đội ngũ xin vào công chức tại cơ quan nhà nước vẫn phải sử dụng “thân quen” rất là nhiều. Rõ ràng như thế sẽ ảnh hưởng chất lượng của công chức, đặc biệt là chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện khi phải “lót tay” để được chăm sóc y tế tốt hơn.
 
Theo PGS.TS Dương Trung Ý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, kết quả nghiên cứu Bộ chỉ số PAPI có tác động tích cực, trực tiếp đến những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như thực tiễn quản trị công ở các địa phương. Chỉ số PAPI sẽ góp phần tích cực làm tăng cường hiệu quả công tác quản lý điều hành của các cấp chính quyền ở địa phương. Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi hy vọng các tỉnh, thành phố sẽ dựa vào những dữ liệu này trao đổi cởi mở với các bên liên quan và có những hành động cụ thể để cải thiện sự hài lòng của người dân đối với hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
 
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.640.280
Truy cập hiện tại 769