Thừa Thiên Huế là địa phương có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, quân sự và ngoại giao, đây là nơi chính quyền Mỹ và tay sai thường xuyên tăng cường các lực lượng quân đội hùng hậu và tinh nhuệ để trấn áp ta. Mặc dù vậy, phát huy truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Thừa Thiên Huế luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, từng bước góp phần làm thất bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ - ngụy, tạo thời cơ cho công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương.
Bước vào năm 1974, tình hình trên chiến trường đã xuất hiện những thuận lợi mới cho cách mạng. Tháng 10/1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp đánh giá tình hình miền Nam và ra Nghị quyết lịch sử “Quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976”. Ngoài kế hoạch cơ bản trên, Bộ Chính trị còn dự kiến một phương án: “Nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.
Thực hiện chủ trương của Trung ương và Khu ủy, Tỉnh ủy đã bàn phương châm tác chiến, kế hoạch, chỉ tiêu, các hướng tiến công, tranh thủ giành dân, giành quyền làm chủ ở địa bàn nông thôn một cách cụ thể. Mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch hết sức gấp rút. Đến đầu tháng 3/1975, toàn bộ lực lượng đã vào vị trí đợi lệnh xuất kích.
Ngày 05/3/1975, tiếng súng tiến công của quân và dân ta đồng loạt nổ ra trên khắp chiến trường Thừa Thiên Huế, chính thức mở màn chiến dịch. Trải qua 2 đợt tiến công (đợt 1: từ ngày 5/3 đến ngày 14/3/1975, đợt 2: từ ngày 21/3 đến ngày 26/3/1975), quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch cùng hệ thống chính quyền, thu hồi toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh của chúng. Sáng ngày 26/3/1975, lá cờ giải phóng chính thức tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng.
Thắng lợi to lớn của quân và dân Thừa Thiên Huế đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng cả nước. Với thắng lợi oanh liệt đó, quân và dân Thừa Thiên Huế đã đập tan tấm lá chắn mạnh nhất của địch ở phía Bắc quân khu I và vùng I chiến thuật; giáng một đòn mạnh vào âm mưu co cụm chiến lược của địch ở ven biển miền Trung, đẩy quân ngụy vào thế khốn đốn, suy sụp không thể cứu vãn; tạo điều kiện và làm hậu phương vững chắc cho các đơn vị chủ lực tiến vào Đà Nẵng và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Với những thành tích lớn lao đạt được, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã được Đảng và Chính phủ gửi điện khen: “Việc đánh chiếm và giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên Huế là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược về chính trị rất lớn. Chiến công đó đã làm cho nhân dân cả nước ta nức lòng phấn khởi, làm cho địch suy yếu thêm một bước rất nghiêm trọng. Các đồng chí đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống anh dũng kiên cường của quân và dân cả nước”.
Để giành những thắng lợi rực rỡ từ mùa Xuân 1975, trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống, có hàng vạn liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; hàng vạn đồng bào, cán bộ, đảng viên bị bắt, tra tấn tù đày, bị giết hại trong các nhà lao của thực dân, đế quốc; bị tàn tật, bị nhiễm chất độc do kẻ thù gây ra. Hàng ngàn con em của khắp mọi miền đất nước đã chiến đấu kiên cường, anh dũng hy sinh và vĩnh viễn nằm lại trên quê hương Thừa Thiên Huế. Bảng vàng kháng chiến chống giặc cứu nước của Tổ quốc đã ghi nhận những chiến công to lớn của Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế, của thành phố Huế, các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông; hàng trăm cán bộ và người có công được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh và hàng vạn huân, huy chương các loại; hàng ngàn Bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng…
Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, của quê hương; nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ thực tiễn đấu tranh cách mạng để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương trong thời kỳ mới.
Đồng Thị Ly