“Bước ngoặt” sau 21 ngày
Trong câu chuyện của những bậc cao tuổi, những đảng viên kiên trung đã một thời vào sinh, ra tử không sao quên được ngày thành lập Đảng gắn với sự ra đời của Đảng bộ tỉnh.
“Chỉ 21 ngày sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập (3/2/1930), vào ngày 24/2/1930 tại một cơ sở liên lạc ở Kinh đô Huế, theo sự giới thiệu của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung Kỳ, Bí thư Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ, đại diện của hai Đảng bộ trong tỉnh Thừa Thiên là Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gặp nhau để thống nhất thành một tổ chức cộng sản là Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên”, ông Nguyễn Trung Chính, một đảng viên lão thành cách mạng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, trú tại TP. Huế nhớ lại.
Cứ đến dịp thành lập Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên lão thành cách mạng trong tỉnh lại nhớ đến những kỷ niệm, từng câu chuyện về một thời hoa lửa đầy tự hào. Càng tự hào bao nhiêu, họ lại thấy rõ hơn vai trò, trọng trách của mình đối với Đảng, với các thế hệ cán bộ, đảng viên trẻ tuổi bấy nhiêu.
Đảng viên lão thành, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Huy Ngọc, trú tại phường Phú Hội (TP. Huế) trò chuyện: “Từ ngày 7 - 10/4/1930, Hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên họp lần thứ I để thảo luận, phân công nhiệm vụ, đề ra một số phương hướng công tác cụ thể. Đó là, tuyên truyền trong Nhân dân về sự thành lập Đảng bộ tỉnh; giác ngộ lý tưởng cách mạng trong công nhân, nông dân và trí thức; phát động quần chúng nhân dân tổ chức một đợt đấu tranh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5”.
Những trang lịch sử đầy hào hùng của Đảng bộ tỉnh cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, lần đầu tiên cờ Đảng Cộng sản xuất hiện công khai đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930 tại đình làng An Cựu, trước Tòa Khâm sứ Trung Kỳ, dọc đường Paul Bert, đường Gia Long, tại đài “Chiến sĩ trận vong” (trước Trường chuyên Quốc Học), đỉnh núi Ngự Bình, Nhà máy Đèn, trước đồn Mang Cá, cửa An Hòa, cửa Thượng Tứ, phố Gia Hội… Tại một số địa phương khác trong tỉnh, các tổ chức quần chúng cảm tình Đảng đã tích cực hoạt động kỷ niệm ngày 1/5, bí mật rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm ở nhiều nơi.
“Như vậy, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên là một trong số ít đảng bộ được thành lập sớm nhất trong cả nước, chỉ thời gian ngắn sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với tỉnh, mà còn có tầm quan trọng đối với cả nước. Từ đó đến nay, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo quân và Nhân dân toàn tỉnh vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi quan trọng”, ông Võ Nguyên Quảng, đảng viên lão thành trú tại TP. Huế, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khóa IX chia sẻ.
Phát huy sức mạnh đoàn kết
Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã và đang nỗ lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đích đến rất gần, đây là giai đoạn tăng tốc chính bằng sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng cao hơn nữa để sớm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) 54 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và hơn 3 năm thực hiện NQ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt việc thực hiện các NQ và đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả lĩnh vực.
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều NQ, chỉ thị, đề án, chương trình, kế hoạch quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện trên các mặt công tác. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên tiếp tục được cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo.
“Kết thúc năm 2023, toàn tỉnh đã kết nạp thêm 1.541 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh lên 56.085 đảng viên. Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở và người đứng đầu cấp ủy thường xuyên bám, nắm cơ sở, lắng nghe dân thông qua các buổi tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân để kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn cho biết.
Bộ mặt từ đô thị đến nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh không ngừng được khởi sắc bằng chính những chương trình, dự án lớn được khởi công xây dựng. Hộ nghèo trên địa bàn tỉnh hạ thấp theo từng năm với quyết tâm đưa A Lưới thoát ra khởi 74 huyện nghèo của cả nước để hiện thực hóa Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh, chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng trên cơ sở bám sát thực tiễn và hướng mạnh về cơ sở; đổi mới hình thức, phương pháp, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; giải quyết dứt điểm các vụ việc từ khi mới manh nha; phát huy hơn nữa hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
“Với truyền thống đoàn kết, sáng tạo, chủ động, Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động ở tất cả các cấp, các ngành, thực hiện thắng lợi NQ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh.
Kết thúc năm 2023, Thừa Thiên Huế có 13/14 chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch; kinh tế tăng trưởng trên 7%; thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 11 nghìn tỷ đồng (vượt dự toán Trung ương giao); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 31 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nằm trong nhóm cao cả nước… |
https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/doan-ket-suc-manh-vuot-qua-moi-kho-khan-137805.html