MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Tìm lại vị thế cho vùng đất Huế
Ngày cập nhật 05/02/2024

Rồng - Giáp Thìn 2024 là “năm bản lề” triển khai thực hiện Nghị quyết 54 – NQ/TW của Bộ Chính trị xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với bản sắc văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường.

Hóa Châu, đô thị cổ nằm trên đất làng Thành Trung (Quảng Điền), là ký ức quá mờ nhạt. Ngay cả thủ phủ Phước Yên rồi Bác Vọng gần đó, còn lại cũng chỉ là hoài niệm một thời. Chúa Nguyễn Phúc Lan mới là người đầu tiên. Năm 1636, chính vị chúa Nguyễn thứ 3 đã chọn Kim Long để xây dựng thủ phủ, từ đó phát triển lên đô thành Phú Xuân (thời chúa Nguyễn Phúc Khoát), rồi Kinh đô Huế (thời Tây Sơn tiếp sang triều đại các vua Nguyễn) luôn trên một địa bàn đô thị.

Tôi đã nghĩ đến hành trình hơn 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế vào thời điểm chạm ngõ năm Rồng - Giáp Thìn 2024 khi mà thực hiện Nghị quyết 54 – NQ/TW của Bộ Chính trị cả tỉnh Thừa Thiên Huế, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đang là câu chuyện thời sự. Trong hành trình hơn 700 năm đó, vùng đất này đã có đến 139 năm là thủ phủ của xứ Đàng Trong, 143 năm kinh đô triều Nguyễn, cùng 24 năm trước đó là kinh đô của triều đại Tây Sơn. Một quãng thời gian quá đủ dài để xác lập vị trí đô thị trung tâm của vùng đất Huế.

So với các thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay, thành phố Huế bao gồm toàn bộ tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có diện tích vượt trội. Còn khó có thể so sánh Huế với Hà Nội hay Sài Gòn, thậm chí với thành phố láng giềng Đà Nẵng về quy mô dân số cũng như kinh tế. Đó là những bất lợi. Thế nhưng, nếu dòng Hương là báu vật thiên nhiên ban tặng cùng núi đồi, đồng bằng và đầm phá hòa quyện trong đa dạng mang đến chất thơ sinh thái thì hơn 300 năm là thủ phủ và là kinh đô của đất nước đã để lại cho Huế kho báu khổng lồ với 7 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Trong cuốn sách có tựa đề “Tháng ngày qua” xuất bản năm 1943, được viết sau chuyến vòng quanh Đông Dương, nữ văn sĩ Pháp A.De Rotalier đã gọi Huế là Ville Royale, tức thành phố vương giả. “Già nhất” trong các di tích Huế là chùa Thiên Mụ (1600), sau đó là hàng loạt công trình kiến trúc được xây cất qua các thế kỷ sau và tất cả đều đảm bảo được tính hài hòa, bền vững của tổng thể thành phố khiến Tổng Giám đốc UNESCO A.M.M Bow phải thốt lên, là “một kiệt tác của thi ca đô thị”.

Sáp nhập và mở rộng thành phố Huế lên 265,99km2 không chỉ đơn thuần là tăng kích thước mà là bước đi nhằm đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, làm nền tảng cho sự phát triển của thành phố Huế tương lai với quy mô toàn tỉnh. Cùng với Huế mở rộng là những đô thị mới như thị xã Hương Trà, Hương Thủy hay đang được quy hoạch hình thành trong tương lai gần, như Phong Điền, Chân Mây - Lăng Cô… Thừa Thiên Huế đang bị “chê” nghèo và còn đang “quê”. Một thành phố Huế trực thuộc Trung ương tương lai bao gồm đô thị lõi là thành phố Huế hiện hữu và các đô thị vệ tinh được sắp xếp lại cho phù hợp là cách khả thi để xóa nghèo và xóa “quê”.

Chưa thể gọi là đột phá nhưng những chỉ số kinh tế - xã hội năm bản lề 2023 mà Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương báo cáo tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa VIII đã mang đến sự an lòng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,03%; tổng sản phẩm trong tỉnh ước đạt 73.230 tỷ đồng (giá hiện hành); thu nhập bình quân đầu người ước đạt 2.665 USD, tăng 9,5% so cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước ước đạt 11.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 31.000 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,27%. Hy vọng, với nỗ lực và sự phát triển đúng hướng, nỗi lo “thấp bé” về kinh tế dần được khỏa lấp.

Vị thế và thương hiệu Festival Huế được xác lập qua hơn 20 năm và đang phát triển theo hướng 4 mùa lễ hội là điểm nhấn trong phát huy thế mạnh lớn nhất của Thừa Thiên Huế là văn hóa và di sản. Bên cạnh đó, những tín hiệu vui từ hành trình thực hiện đề án xây dựng “Huế - Kinh đô áo dài” gắn với chọn ẩm thực làm lĩnh vực sáng tạo tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực” và những đề án phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh, bền vững… là những việc làm cụ thể và thiết thực để thực hiện thành công Nghị quyết 54, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng phát huy các giá trị văn hóa Huế cũng như giá trị của Cố đô di sản.   

Sinh thời, Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng so sánh: “Nếu Hà Nội là một đô thị hướng nội, Sài Gòn là một cảng thị thì Huế lại là một thành phố vườn, thành phố thơ”. Trên cao nhìn xuống, thành phố Huế và cả tỉnh Thừa Thiên Huế như một thảm xanh với những vườn cây xanh mát. Tôi thích ý tưởng của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân khi ông ví di sản Huế cũng như cô gái đẹp và muốn cho di sản “đẻ ra tiền” phải qua phát triển kinh tế - xã hội, qua du lịch. “Chiếc áo quản lý” đang dùng cũng đã trở nên chật chội lắm rồi, nó đang kìm hãm sự phát triển, rất cần sự đổi thay. Lời giải đó là cả tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành phố trực thuộc Trung ương mà suy cho cùng, đó cũng là cách tìm lại vị thế cho vùng đất Huế có bề dày hơn 300 năm là thủ phủ và là kinh đô của quốc gia.

https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/tim-lai-vi-the-cho-vung-dat-hue-137806.html

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.644.729
Truy cập hiện tại 325