MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững
Ngày cập nhật 17/01/2024

Với phương châm “Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hướng đến doanh nghiệp”, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạo các điều kiện thuận lợi nhất trong quy định của pháp luật để các doanh nghiệp phát triển bền vững. Nhờ đó thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực để phục hồi sản xuất, tạo những bước phát triển cả về số lượng, chất lượng lẫn quy mô, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Triển khai nhiều chính sách để hỗ trợ

Trong năm 2023, số doanh nghiệp thành lập mới là 673 doanh nghiệp, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập trong năm 2023 đạt 9.712 tỷ đồng, tăng 56,5% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp thành lập trong năm đạt 14,3 tỷ đồng, cao hơn bình quân của cả nước. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 là 333 doanh nghiệp, tăng ở 06/17 lĩnh vực, gồm: khai khoáng (tăng 100%), bất động sản (tăng 205%), thông tin truyền thông (tăng 11%), tài chính ngân hàng và bảo hiểm (tăng 200%), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 100%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (tăng 100%).

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Cường cho biết, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện những chính sách để hỗ trợ DN trong việc tiếp cận đầu tư, cũng như giải quyết các thủ tục hành chính liên quan như thành lập tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho DN; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm thuận lợi nhất cho tổ chức, DN và cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các nhà đầu tư sớm hoàn thiện các thủ tục về đất đai đối với các dự án đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư…

Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới theo Nghị quyết 52/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 và Quyết định số 17/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 01/4/2020, trong năm 2023, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ chữ ký số, hóa đơn điện tử cho hơn 500 doanh nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 01 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí kế toán cho 36 doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh với tổng kinh phí 170 triệu đồng.

Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ, Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND ngày 26/02/2021 của HĐND tỉnh và Quyết định 767 /QĐ-UBND ngày 08/4/2021 của UBND tỉnh, đã hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân cho hơn 1.000 lượt người tham gia các khóa đào tạo; tổ chức 6/6 khóa đào tạo cho đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đã tổ chức các khóa đào tạo chuyên đề về thương mại điện tử với sự tham gia của gần 300 lượt doanh nghiệp tham dự: Kỹ năng bán hàng online, Làm chủ CHAT GPT, “Thương mại điện tử về Tiếp thị Kỹ thuật số”, “Thương mại điện tử về Tiếp thị Kỹ thuật số”…

Tháo gỡ khó khăn

Qua các cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp, đa số các doanh nghiệp đều cho rằng, trong điều kiện khó khăn hiện nay do bị cắt giảm đơn hàng, giá nguyên vật liệu tăng, thiếu hụt dòng tiền nhưng phần lớn các doanh nghiệp đã vay ngân hàng để đầu tư máy móc, thu mua nguyên liệu... và đã thế chấp hết tài sản có quyền sở hữu hợp pháp, nay muốn vay thêm nhưng không còn tài sản nào để thế chấp, nhà xưởng thì ngân hàng không chấp nhận làm tài sản đảm bảo, nên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Tăng trưởng của dư nợ tín dụng của khách hàng doanh nghiệp mới đang bị chững lại và có dấu hiệu giảm sút. Nguyên nhân được doanh nghiệp phản ánh chủ yếu là khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho doanh nghiệp vay vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là lãi vay vẫn đang còn quá cao (8% lãi vay ngắn hạn và 12% lãi vay trung hạn), khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc tăng vốn đầu tư và vốn lưu động để tái sản xuất kinh doanh. Việc giảm lãi vay đã được một số ngân hàng điều chỉnh giảm nhưng cũng cần có độ trễ nhất định do lãi suất huy động ở một số ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh cũng đang rất cao, thậm chí lên đến 9,0% kỳ hạn 01 năm.

Gói hỗ trợ 2% lãi suất (4.000 tỷ đồng cho cả nước) giải ngân quá chậm so với kế hoạch, số doanh nghiệp được hỗ trợ còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 3 doanh nghiệp được hỗ trợ với kinh phí khoảng 150 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết, hiện tỉnh đang kiến nghị với Chính phủ thúc đẩy các chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước, chỉ đạo tăng cường kết nối doanh nghiệp và ngân hàng thường xuyên nhằm tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho doanh nghiệp. Trong đó đề nghị điều chỉnh các tiêu chí có tính định tính sang các tiêu chí có tính định lượng tại các quy định để các Ngân hàng thương mại và doanh nghiệp có cơ sở rõ ràng để thực hiện, tránh những rủi ro phát sinh sau thực hiện. Đây cũng là mấu chốt khiến cho hầu hết các ngân hàng thương mại lâu nay chưa dám triển khai Gói hỗ trợ này trên thực tế.

Bên cạnh đó sẽ tiếp tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, đặc biệt là ngân hàng thương mại nhà nước tháo gỡ bằng cách đánh giá giá trị tài sản thế chấp theo giá thị trường, tăng tỷ lệ đảm bảo của tài sản thế chấp, thí điểm cho vay tín chấp,... Cần có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời tiếp tục chính sách gia hạn nợ vay 01 năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn một năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau, càng làm doanh nghiệp khó khăn thêm. Có biện pháp điều hành và kiểm soát lãi suất huy động và cho vay hài hòa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng phù hợp và hiệu quả; trong đó chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước tập trung khơi thông để hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

“Tỉnh sẽ tiếp tục thường xuyên tăng cường thực hiện các công tác đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp thông qua hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến nhằm kịp thời tháo gỡ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng đang xây dựng Hệ thống giải pháp quản lý rủi ro về theo dõi và giám sát hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương nhằm xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật”, Ông Phan Quý Phương nhấn mạnh.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.645.599
Truy cập hiện tại 527