Chiều 2/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình về dự án Luật BHXH sửa đổi.
Theo Bộ trưởng, dự thảo Luật cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện...
Điều kiện cần thiết để giữ người lao động trong hệ thống an sinh
Theo nguyên lý BHXH và thông lệ quốc tế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, người lao động để được hưởng lương hưu thì phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu.
Riêng điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu, theo quy định của Luật BHXH hiện hành là phải đủ 20 năm đóng BHXH.
"Quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là 20 năm như hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng tham gia thị trường lao động muộn", Bộ trưởng phân tích.
Do vậy, theo Bộ trưởng, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.
"Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia), tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH, cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm chăm sóc sức khỏe với bảo hiểm y tế", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Bên cạnh đó, quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đối với người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.
Thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, việc điều chỉnh giảm thời gian tham gia BHXH để được hưởng chế độ hưu trí với mức tối thiểu là cần thiết để khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, việc giảm điều kiện về thời gian tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí sẽ góp phần thúc đẩy tính liên kết đa tầng, linh hoạt của hệ thống.
Hình thành hệ thống BHXH đa tầng
Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH, dự thảo Luật quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Đề xuất này nhằm phấn đấu đạt mục tiêu Trung ương giao đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Bên cạnh trợ cấp hưu trí xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Luật còn bổ sung quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng.
Mức hưởng tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động. Đồng thời, trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Theo Bộ trưởng, quy định này giúp tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà ngân sách không phát sinh tăng nhiều.
Bộ trưởng phân tích, người lao động có thời gian đóng BHXH bắt buộc 5 năm, nếu không hưởng BHXH một lần thì có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi.
Thẩm tra dự án Luật BHXH sửa đổi, Ủy ban Xã hội nhất trí việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất của Chính phủ sẽ góp phần mở rộng diện bao phủ đối tượng hưởng các chế độ hưu trí đa dạng, nhằm bảo đảm an sinh xã hội trên diện rộng, hướng tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân.
Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng trên các phương diện kinh tế, công bằng xã hội, xu hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng và cung cấp thêm thông tin cho đại biểu Quốc hội để tăng tính thuyết phục cho đề xuất chính sách này.