Kế hoạch với mục tiêu chung là thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân ở các huyện nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin); phấn đấu đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo của huyện A Lưới còn 24,91%.
Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 52,9% (trong đó: tỷ lệ hộ nghèo là 38,2%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 14,7%) xuống còn 36,91% (trong đó: tỷ lệ hộ nghèo là 24,91%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 12,0%) hoặc tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 24,91%; thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2023.
Đến cuối năm 2023, tổng điểm đánh giá theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg ngày 13/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021- 2025 huyện A Lưới là 34 điểm, khả năng thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 8 Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg.
Kế hoạch sẽ tập trung thực hiện các nội dung hỗ trợ trực tiếp, ưu tiên lồng ghép ngay trong Quý IV/2023 như: Hỗ trợ đầu tư trọng tâm, trọng điểm và duy tu bảo dưỡng một số công trình giao thông liên xã phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hóa nhằm tạo sự đột phá, tạo động lực phát triển, tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; Ưu tiên hỗ trợ các nguồn lực lồng ghép vào các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững góp phần thoát khỏi tình trạng huyện nghèo, đặc biệt khó khăn; Xây dựng kế hoạch trợ giúp 13 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25% trên địa bàn huyện.
Để đạt được những mục tiêu nói trên, kế hoạch sẽ triển khai các giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án, hoạt động về giảm nghèo bền vững; Tăng cường công tác giáo dục nghề nghiệp; Đẩy mạnh thực hiện công tác lao động, việc làm; Tổ chức thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo; Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch; Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác giảm nghèo./.