GS.TS Nguyễn Thị Doan, Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trả lời phỏng vấn Tạp chí Tuyên giáo. (Ảnh: TA)
Phóng viên: Vậy là đã tròn 15 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định lấy ngày 2/10 hằng năm là “Ngày Khuyến học Việt Nam”, 27 năm kể từ khi thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (gọi tắt là Hội), xin bà đánh giá về vai trò của Hội trong đời sống xã hội?
GS. TS Nguyễn Thị Doan: Tháng 2/1996, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Hội Khuyến học Việt Nam. Hội ra đời trong bối cảnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà đang có nhiều khó khăn. Cho nên, theo sáng kiến của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, lúc đó Thủ tướng đã bàn với đồng chí Võ Nguyên Giáp là cần phải có một tổ chức Hội để góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà, tạo điều kiện cho tất cả mọi người có cơ hội được học hành.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”.
|
Sứ mệnh cao cả của Hội Khuyến học Việt Nam không như các Hội khác. Hội không có mục đích tự thân, không chỉ vì quyền lợi của Hội Khuyến học mà còn phục vụ lợi ích, tạo cơ hội, sự bình đẳng trong học tập cho tất cả các đối tượng trong xã hội. Từ người khuyết tật, người nghèo đến người giàu, từ người già đến người trẻ nhỏ đều được bình đẳng, có cơ hội được học tập.
Chính thức ngày 2/10/1996, Hội Khuyến học Việt Nam ra mắt. Sự ra mắt toàn dân đối với một tổ chức Hội có tính chất thúc đẩy sự học của toàn dân tạo một không khí phấn khởi không chỉ cho những người đam mê làm công tác khuyến học, khuyến tài mà còn mang lại niềm hân hoan, phấn khởi cho tất cả đối tượng, đặc biệt là người nghèo. Vì mọi người nhận thấy trong tôn chỉ mục đích của Hội là hỗ trợ cho người nghèo, con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn được đi học, được đến trường như bao người khác. Chính từ một chủ trương hợp với lòng dân nên vì thế, Hội được nhân dân ủng hộ và tham gia hết sức nhiệt tình.
Bên cạnh đó, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Bộ Chính trị đối với Hội trong suốt thời gian qua chính là cú hích lớn tạo điều kiện cho Hội hoạt động và phát triển tới hôm nay. Theo đó, ngày 13/4/2007, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Từ đó, Hội Khuyến học Việt Nam đã được nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc hoan nghênh, ủng hộ.
Các cấp Hội đã luôn nỗ lực, cố gắng triển khai nhiều hoạt động thiết thực, phong trào người người đi học, nhà nhà đi học phát triển rộng khắp. Đặc biệt, một sản phẩm khoa học đầu tiên của Hội ra đời đã đánh dấu bước phát triển quan trọng, thể hiện sự cống hiến của Hội đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Việt Nam, đó chính là việc Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về “Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam”. Sản phẩm khoa học sau khi được nghiệm thu đã trở thành “kim chỉ nam” soi đường cho Hội phát triển, đánh dấu mốc son quan trọng trong tiến trình phát triển của Hội tới ngày hôm nay cả về lý luận và thực tiễn. Đây là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ quyết định giao cho Hội thực hiện các đề án về khuyến tài, khuyến học. Đó là các đề án sau này như: Dòng họ học tập, Gia đình học tập, Cộng đồng học tập và Công dân học tập.
Nhận thấy phong trào xã hội học tập ngày càng phát triển, có ý nghĩa quan trọng, nên tháng 9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1271/QĐ-TTg lấy ngày 2/10 hằng năm là “Ngày Khuyến học Việt Nam” với mục đích động viên các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tôn vinh những gương sáng hiếu học, tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài. Như vậy, sự ra đời của ngày 2/10 mang ý nghĩa kép: Thứ nhất, đánh dấu sự ra đời của một Hội quần chúng không có mục đích tự thân mà chỉ có nhiệm vụ liên kết, phối hợp thúc đẩy toàn dân học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Thứ hai, ngày 2/10 là ngày khỏi đầu cho sự học tập suốt đời nên mới có tuần lễ học tập suốt đời. Hiện nay, cùng Ngày khuyến học Việt Nam thì có Tuần lễ học tập suốt đời bắt đầu từ 1/10 đến 7/10 cũng với ý nghĩa đó.
Phóng viên: Trải qua 27 năm hình thành và phát triển, những thành tựu nổi bật nhất mà Hội đã có là gì, thưa bà?
GS. TS Nguyễn Thị Doan: Trải qua những ngày đầu khó khăn, nhưng cũng đầy vinh quang, thành tựu mà khi nhìn lại, những người người làm công tác khuyến tài, khuyến học có thể chia ra làm hai nhóm kết quả nổi bật như sau:
Về lý luận: Thứ nhất, Hội đã tạo cho mình dấu ấn rõ nét trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đó là hình thành nên cấu trúc xã hội học tập ở Việt Nam thông qua đề tài khoa học cấp nhà nước do chính Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì bảo vệ thành công. Từ đó, là “kim chỉ nam” để các chỉ thị tiếp theo của Thủ tướng Chính phủ, các chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng, Chính quyền về công tác xã hội học tập sau này.
Hội đã tham mưu thành công cho Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và từ Chỉ thị 11, Hội đã đưa được vào nhiều nội dung về công tác khuyến tài, khuyến học để Đảng đưa ra những chủ trương, chính sách, hướng đi cho Hội. Và ngày 10/5/2019, Ban Bí thư ra Kết luận số 49-KL/TW về Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chính là một sự chuyển biến về chất đối với sự lãnh đạo của Đảng và đối với công tác của Hội trong việc xây dựng xã hội học tập.
Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam – Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan trao học bổng cho các em học sinh. (Ảnh Báo Long An).
|
Trước đây, trong Chỉ thị 11 chưa đề cập đến vai trò của tổ chức Đảng và đảng viên trong việc xây dựng xã hội học tập thì nay khi Kết luận 49 của Ban Bí thư ra đời đã giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác khuyến tài, khuyến học, xây dựng xã hội học tập trong công việc cũng như trong đời sống. Trong kết luận có nêu, việc giữ vững và phát huy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trước tiên thuộc trách nhiệm của tổ chức Đảng và đảng viên, trước hết là người đứng đầu. Đây là “một sợi chỉ đỏ”, hướng đi rõ ràng để Hội Khuyến học Việt Nam có những định hướng phát triển trong thời gian tới. Trong thực tế, nếu như ở đâu có sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của người đứng đầu thì ở đó tất yếu thành công.
Thứ hai, hiện nay, chỉ tiêu đặt ra mỗi gia đình của cán bộ, đảng viên phải phấn đấu trở thành gia đình học tập, mỗi đảng viên phải trở thành công dân học tập. Quan trọng hơn nữa, Kết luận 49 của Ban Bí thư cũng nhấn mạnh, cuối năm các chi bộ phải kiểm điểm, đánh giá qua các tiêu chí xem từng cán bộ có đạt được những tiêu chí đó hay không mới gọi là hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ ba, Kết luận 49 cũng ghi rõ, tất cả các trường chính trị, hệ thống đào tạo cán bộ Đảng, trường chính trị của địa phương phải có một chuyên đề về xã hội học tập, công tác khuyến học, khuyến tài để giảng dạy cho các học viên. Đó chính là điểm mấu chốt để thể hiện rõ vai trò của các tổ chức đảng và đảng viên, các trường chính trị, các cơ sở đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị nhận thức rõ hơn vai trò của mình mà nêu cao tinh thần làm công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại từng địa phương và nơi cán bộ đảng viên đang công tác.
Hội đã đổi mới căn bản về nhận thức, tư duy, phương pháp điều hành, triển khai khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Điều đó được thể hiện qua việc làm thế nào để nâng cao nhận thức cho các tổ chức Đảng, đảng viên và toàn bộ người dân trong xã hội biết rằng học là con đường duy nhất để có thể thành công ở bất cứ vị trí nào. Bởi trong giai đoạn hiện nay, không phải ai cũng quan tâm đến sự học mặc dù đã có Kết luận số 49. Vì vậy, các cấp Hội đầu tiên là cần phải nâng cao nhận thức của xã hội hiểu nhiều hơn về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thông qua những công việc cụ thể, thiết thực như: Một là, vừa qua Hội đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, tổ chức tuyên truyền, báo cáo về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trước các tổ chức Đảng, trực tuyến toàn quốc; Hai là, tiếng nói của Hội đi đến từng chi bộ xã, phường, địa phương, các tổ chức Đảng trên toàn quốc; Ba là, xuất hiện các kênh, sóng truyền hình Quốc gia để tuyên truyền công tác khuyến học, khuyến tài.
Có thể nói, từ trước đến nay, nhận thức của nhiều người trong chúng ta là khuyến học, khuyến tài chỉ có dành cho việc học tập của trẻ nhỏ trên ghế nhà trường. Công việc của Hội chỉ gói gọn là đi trao học bổng cho trẻ em từ cấp 1 đến sinh viên đại học…còn người lớn trong lĩnh vực này thì ít ai nói đến hay có cách nhìn nhận chưa đúng đắn. Thế nhưng, thông qua việc tuyên truyền tới các cấp uỷ Đảng, từng cán bộ đảng viên, cũng như Hội đã trao tặng những suất học bổng dành cho người lớn, đặc biệt có những người lớn tuổi vẫn đi học nâng cao trình độ; tổ chức các cuộc hội thảo về xã hội học tập, công dân học tập, cộng đồng học tập dành cho người lớn,…thì nay nhận thức về việc học tập suốt đời ở các cấp Hội đã thay đổi và có nhiều tấm gương điển hình trên cả nước. Bên cạnh đó, Hội cũng triển khai bằng cách liên kết, phối hợp, thúc đẩy cùng các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp để thúc đẩy sự học của người lớn. Song song đó, các suất học bổng động viên người lớn học tập suốt đời từ đó, vận dụng những cái học được thành công áp dụng vào trong công việc, trong cuộc sống hằng ngày.
Có nhiều câu hỏi đặt ra như: Trong điều kiện chuyển đổi số hiện nay, người lớn tiếp cận như thế nào để theo kịp với xu thế, cần phải trang bị cho mình những kiến thức gì? Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng khoá XIII có nêu: giáo dục - đào tạo phải chuyển hướng theo hướng giáo dục mở. Vậy thì tài nguyên giáo dục mở ở đâu? Giáo dục mở là gì? như thế nào? vv.vv.. Trả lời cho những câu hỏi này, chúng tôi đã tổ chức các hội thảo về tài nguyên giáo dục mở. Điều thành công là sau khi tổ chức hội thảo này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi tất cả các trường đại học yêu cầu phải xây dựng một hệ thống tài liệu gọi là “Tài nguyên giáo dục mở”. Thế là từ đó, các trường đại học có kho tư liệu mở. Hiện nay, việc học tập trực tuyến trở nên phổ biến nhất là sau đại dịch Covid-19, nếu không có kho dữ liệu này để tra cứu, nghiên cứu thì rất khó khăn trong việc học. Có thể nói rằng, Hội Khuyến học Việt Nam cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc thúc đẩy các trường đại học trên cả nước xây dựng tài nguyên giáo dục mở.
Nhiều gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập tiêu biểu tại tỉnh Đồng Tháp được khen thưởng trong Tháng Khuyến học. (Ảnh: Hội Khuyến học tỉnh Đồng Tháp)
|
Rõ ràng đây là những đổi mới, kết quả rất căn bản của Hội. Từ những đổi mới về mặt tư duy, lý luận, thực tiễn như vậy thì mới có được những thành tựu, kết quả trên.
Hoạt động của Hội khuyến học không chỉ dừng lại ở các cấp cơ sở mà cả trong lực lượng vũ trang, trong cơ quan nhà nước, trong các doanh nghiệp được triển khai quyết liệt trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong hai nhiệm kỳ gần đây. Thời gian qua, vai trò của cả hệ thống chính trị trong liên kết phối hợp thúc đẩy xã hội học tập ở Việt Nam, Hội đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, các cấp Hội thường xuyên quan tâm phối hợp với các ngành dọc nói riêng, trung ương như: ký kết phối hợp với 14 Ban, Bộ, ngành Trung ương để tạo ra một lực lượng làm công tác xã hội đồng bộ, hiệu quả trong giáo dục, huy động các lực lượng cùng tham gia; tổ chức sinh hoạt tư tưởng, nghiên cứu khoa học trong nội bộ các cấp Hội từ Trung ương tới địa phương về một chủ đề nào đó vào mỗi dịp 19/5 hằng năm theo lời dậy của Bác Hồ.
Quỹ khuyến học, khuyến tài của các cấp hội phát triển mạnh mẽ từ Trung ương đến cơ sở theo đúng tôn chỉ, đúng mục đích, quản lý có hiệu quả. Có thể nói rằng, việc hỗ trợ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tôn vinh những người vượt khó học giỏi, tôn vinh những em học sinh hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, các thầy cô giáo vươn lên duy trì giảng dạy… góp phần tích cực hỗ trợ công tác giáo dục trong và ngoài nhà trường. Ví dụ: Hội có Quỹ học bổng theo lời Bác Hồ dạy “Học không bao giờ cùng” trao cho cả người lớn và trẻ em vào mỗi dịp 19/5 hằng năm. Học bổng này đã thúc đẩy được sự học trên toàn quốc. Có thể khẳng định, Hội khuyến học từ Trung ương đến địa phương chưa để xảy ra sai sót trong việc sử dụng Quỹ, điều này đã góp phần tạo lòng tin trong xã hội. Các suất học bổng này đã góp phần rất đáng kể vào sự học của nhân dân, thông qua các suất học bổng trao cho các địa phương.
Lễ trao Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019 (Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao giải Nhất lĩnh vực CNTT)
|
Phóng viên: Trong những năm qua, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt cũng là một trong những dấu ấn của Hội được trao hằng năm. Qua 16 lần tổ chức, giải thưởng đã tạo dựng được thương hiệu cho riêng mình như thế nào? Năm nay Giải thưởng tập trung vào nội dung gì, thưa bà?
GS. TS Nguyễn Thị Doan: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023 do Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương cùng tổ chức. Bước sang năm 2023 cũng là năm thứ 17 Giải thưởng Nhân tài Đất Việt được triển khai, Giải thưởng sẽ tiếp tục chặng đường phát hiện, hỗ trợ, tôn vinh nhân tài trong các lĩnh vực khác nhau như: Công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, môi trường, y, dược, giáo dục đào tạo và "Khuyến tài trong lĩnh vực nông nghiệp: Tự học thành tài" với mong muốn thu hút nhiều tài năng, sản phẩm, các giải pháp công nghệ số và tham gia vào quá trình chuyển đổi số của Chính phủ, đóng góp trí tuệ, sức sáng tạo trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng trong cách mạng 4.0.
Giải thưởng Nhân tài đất Việt trong nhiều năm qua đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, nhân dân những người luôn khao khát với sự học, tìm tòi, nghiên cứu, học tập suốt đời trên mọi miền của Tổ quốc. Có thể nói, đây cũng là một thành công của Hội, là thương hiệu của Hội, nhưng không phải chỉ một mình Hội làm được mà Hội đã biết liên kết, phối hợp với các bộ, ban, ngành để cùng triển khai giải thưởng này, tổ chức hằng năm, chỉ có 2 năm dịch bệnh Covid-19, Hội không tổ chức được.
Phóng viên: Hội đã có những kế hoạch gì để hưởng ứng thi đua trong các cấp Hội từ Trung ương tới địa phương về phong trào do Thủ tướng phát động, thưa bà?
GS. TS Nguyễn Thị Doan: Tôi xin trở lại câu chuyện về lịch sử một chút, cách đây 74 năm, lúc ấy cuộc kháng chiến chống Pháp rất cam go, ác liệt nhưng vì dân tộc bị Thực dân Pháp ngu hóa, đàn áp, áp bức. Dân ta hầu hết mù chữ. Khi ấy, Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc, trong đó có phong trào thi đua diệt giặc dốt và chỉ trong một thời gian rất ngắn 2 triệu người dân Việt Nam biết chữ, xoà mù chữ, nhờ đó, nhân dân ta tiếp thu được thành tựu khoa học - công nghệ của thế giới, biết sử dụng những kiến thức khoa học vào trong chiến đấu, sản xuất và cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng ta đã thành công.
Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức hội thảo về vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, ngày 15/8/2023. Ảnh: Thành Văn
|
Từ sau đó, Hội nhận thấy, trải qua 74 năm chưa có một phong trào nào để thúc đẩy toàn dân học tập và coi việc học là quan trọng, thiết thân, thế nên, Hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu để Thủ tướng phát động một phong trào để nâng cao tầm quan trọng của việc học trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, những người làm công tác khuyến học vẫn mong chờ sự ra đời một quyết định về kế hoạch thực hiện phong trào. Nhưng, chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng chuẩn bị tinh thần để tới khi phong trào ấy được hiện thực hoá sẽ là cú hích lớn trong đời sống xã hội với nhiều ý nghĩa cao đẹp. Bởi hai lý do, một là, tôi nhận thấy hiện giờ nhiều người “tái mù chữ” có chiều hướng tăng lên; hai là, nâng cấp mức độ mù chữ lên cấp độ 2, cấp độ 3 của thời đại công nghệ số thì việc là xóa mù nghề, xóa mù chức năng, mù công nghệ thông tin, mù ngoại ngữ và xóa mù những gì mà mình chưa biết – gọi chung là xóa mù chức năng. Nếu như thực hiện tốt 4 mô hình học tập hiện nay của chúng tôi thì có nghĩa là đã thực hiện được theo đúng chủ trương, tiêu chí của Hội đề ra là người người đi học, nhà nhà đi học và ai cũng biết đọc, biết viết, biết chữ và ai cũng có thể xóa được mù chức năng… Vì trong tiêu chí của công dân học tập có một tiêu chí cơ bản là phải biết sử dụng các công cụ vào quá trình lao động và học tập. Công cụ đó là: công nghệ thông tin, ngoại ngữ và những kiến thức mà mình đã học được ở trường lớp áp dụng vào trong công tác, lao động sản xuất.
Để thực hiện phong trào thi đua do Thủ tướng phát động, các cấp Hội đã tuyên truyền sâu rộng tới từng đảng viên, quần chúng nhân dân phải thực hiện tốt 5 mô hình này. Có tiêu chí cụ thể rõ ràng, có kế hoạch rõ ràng và những bước đi, biện pháp để thúc đẩy 5 mô hình này thành công. Nếu thực hiện tốt 5 mô hình này thì phong trào thi đua của Thủ tướng sẽ thành công.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lương Đức Đích trao học bổng tặng các học sinh, sinh viên. (Ảnh: Khánh Chi)
|
Phóng viên: Vậy thưa bà, những tồn tại, khó khăn hiện nay của Hội là gì và biện pháp khắc phục?
GS. TS Nguyễn Thị Doan: Khó khăn lớn nhất của chúng tôi chính là nhận thức của xã hội chưa đầy đủ, của nhiều người đứng đầu ở nhiều tổ chức về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập về học tập suốt đời, bồi đắp tri thức để phát triển thành công còn thiếu sót, nhiều hạn chế.
Nhận thức về sự học và sự đọc của nhân dân còn hạn chế. Khó khăn tiếp theo là điều kiện hoạt động của Hội có nhiều nơi, nhiều địa phương không đầu tư, nhìn nhận đúng mức, điều kiện hoạt động của cán bộ Hội rất khó khăn nhất, nhất là trong quá trình chuyển đổi số. Tôi lấy ví dụ như: ở các xã có điều kiện khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng các dân tộc thiểu số, người lớn tuổi không được trang bị máy vi tính, điện thoại thông minh, cập nhật tin tức, kiến thức khó khăn…; trung tâm học tập cộng đồng ở nhiều địa phương bị coi nhẹ, sáp nhập với trung tâm văn hoá, dùng sai mục đích sử dụng; vai trò của các trường đại học đối với việc sử dụng tài nguyên giáo dục mở chưa tốt, chưa tận dụng được hết nguồn lực; còn tình trạng giấu nghề, giấu kiến thức, giấu dốt…
Những giải pháp căn cơ để khắc phục những tình trạng như tôi đã nêu trên gồm:
Một là, cần phải nêu cao vai trò của tổ chức Đảng, đảng viên theo đúng Kết luận 49 của Ban Bí thư. Cuối năm, người đứng đầu phải kiểm tra, đôn đốc, giám sát, kiểm điểm từng cán bộ đảng viên, chi bộ, có hình thức khen thưởng những điển hình làm tốt…về việc triển khai thực hiện.
Hai là, tăng cường đầu tư cho giáo dục, công tác khuyến tài, khuyến học, học tập suốt đời. Như để triển khai Quyết định số 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình "Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030" chúng tôi phải viết phần mềm, nhập dữ liệu vào máy, đi tập huấn, kiểm tra, giám sát… rất nhiều công việc khác nhau để triển khai nhưng kinh phí thực hiện chỉ có khoảng 300 triệu đồng…
50 học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Dương và huyện Đam Rông được trao học bổng dịp này. (Ảnh: Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng)
|
Phóng viên: Chuyển đổi số đang là xu thế, cuộc cách mạng 4.0 hiện hữu mọi lĩnh vực của cuộc sống, vậy những tác động của nó tới công tác khuyến tài, khuyến học như thế nào, thưa bà?
GS. TS Nguyễn Thị Doan: Chuyển đổi số là một xu thế tất yếu hiện nay, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Vì vậy, bây giờ ai không học là đi lùi so với thời đại, công việc nó tự gạt mình lại phía sau. Cho nên, chuyển đổi số có tác động mọi lĩnh vực của nền kinh tế xã hội, từng con người trong đó có các cán bộ của Hội Khuyến học nói riêng và người làm công tác khuyến học trên cả nước nói chung. Những tác động của nó hết sức tích cực. Một là trong công việc sẽ giúp tiết kiệm nhiều thứ, giảm thời gian và chi phí. Mỗi cán bộ có thể học bất cứ ở đâu nhưng phải có tài nguyên giáo dục mở, nguồn học liệu. Vì thế, chuyển đổi số có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc người người học tập, nhà nhà học tập, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam, trong đó, Hội Khuyến học là một lực lượng nòng cốt, chiến sỹ tiên phong để xây dựng xã hội học tập. Để thực hiện chuyển đổi số thì chính ngay tại Trung ương Hội, mỗi cán bộ của Hội đã được trang bị một máy vi tính có nối mạng để kết nối làm việc với các địa phương thông qua các ứng dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Viber… để làm việc, trao đổi 24/7, tổ chức hội thảo trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Như vậy có thể nói công nghệ thông tin tác động rất lớn đến công việc, giúp nâng cao trí tuệ, khả năng tư duy, phương pháp điều hành của cán bộ Hội khuyến học. Dù phần đông cán bộ của Hội đều lớn tuổi song đều có thể sử dụng thành thạo vi tính, điện thoại thông minh để điều hành, thông tin, trao đổi công việc với nhau.
Hưởng ứng ngày Khuyến học Việt Nam 2/10, năm nay chủ đề của Tuần lễ học tập suốt đời của Bộ Giáo dục và Đào tạo là mỗi người dân tự học để thích ứng với thời kỳ chuyển đổi số. Để hưởng ứng, Hội đã phát động phong trào thi đua với chủ đề “Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời để phát triển bền vững trong quá trình chuyển đổi số”. Ngày 2/10 hằng năm, luôn có ý nghĩa quan trọng với những người làm khuyến học, với toàn dân ta. Hơn một phần tư thế kỷ qua, Hội Khuyến học Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các kế hoạch, quyết định triển khai của Chính phủ đã có được thành tựu đáng trân trọng.
Đối với mỗi cán bộ cấp Hội từ Trung ương tới địa phương luôn nỗ lực phấn đấu, góp chút công sức vào sự nghiệp chấn hưng nền giáo dục nước nhà, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo quốc gia lên tầm cao mới, tương xứng với chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu.