MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
“Lấy lòng” nhà đầu tư
Ngày cập nhật 11/09/2023
Đầu tư hạ tầng cảng biển mở ra nhiều cơ hội mới trong thu hút đầu tư. Ảnh: TUẤN KIỆT

Việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh đã và đang giúp Thừa Thiên Huế gia tăng lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ hội và điều kiện thuận lợi để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.

Đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư

Xúc tiến đầu tư được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tiếp cận và thu hút thành công nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh, nhằm tạo nên sức bật trong phát triển kinh tế. Vì thế, để hoạt động xúc tiến đầu tư đạt được những hiệu quả tích cực, Thừa Thiên Huế đã tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, đồng thời tăng cường thiết lập mối quan hệ với các tổ chức tư vấn, các tập đoàn lớn để xúc tiến, mời gọi đầu tư.

Thông qua các hoạt động hợp tác chiến lược trong năm 2022, tỉnh đã “bắt tay” với các tập đoàn lớn, mở ra nhiều cơ hội hợp tác. Ký kết Biên bản thảo luận với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); tổ chức thành công hội nghị “Gặp gỡ Thừa Thiên Huế xanh”; tham dự hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc - Khu vực miền Trung và Tây Nguyên”... Thừa Thiên Huế cũng tham gia xúc tiến đầu tư, thương mại trong khuôn khổ của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế thương mại và Đầu tư Việt Nam - Séc - châu Âu tại Cộng hòa Séc và chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - vùng Kyushu Nhật Bản. Đồng thời, tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu container cảng Chân Mây.

 Các đại biểu tham gia Hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu Container cảng Chân Mây

Trong những tháng đầu năm 2023, tỉnh cũng ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với một số địa phương phía bắc và Bắc Trung Bộ đến năm 2025; ký kết biên bản ghi nhớ nghiên cứu hợp tác phát triển công nghiệp với Tổng công ty Becamex IDC và VSIP Group tại tỉnh Bình Dương...

Thông qua những hoạt động này, các cơ quan chức năng của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp các thông tin về môi trường đầu tư, kinh doanh, danh mục các dự án, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, các cơ chế, chính sách của tỉnh; hỗ trợ, tư vấn nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án; quản lý đầu tư trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; kịp thời tham mưu với UBND tỉnh trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Chăm sóc nhà đầu tư

Không chỉ xúc tiến đầu tư thông qua các hoạt động đối thoại, hợp tác, việc lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành thường xuyên tăng cường công tác đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp thông qua hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến đã kịp thời tháo gỡ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Cách làm này góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa hiệu quả hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp, tạo cơ hội xúc tiến đầu tư gián tiếp thông qua các doanh nghiệp đã đầu tư tại địa phương. Bởi, việc để các doanh nghiệp nói về môi trường đầu tư khi họ được quan tâm và đã trải nghiệm thực tế sẽ mang lại hiệu quả hơn nhiều so với các chương trình xúc tiến đầu tư khác.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương từng chia sẻ rằng, chúng tôi quan niệm mỗi đánh giá không tốt của cộng đồng doanh nghiệp là một điểm hạn chế mà chúng tôi cần phải nỗ lực hơn nữa. Chính vì vậy, để sâu sát hơn đến từng cấp, từng ngành, nhiều năm liền, ngoài đánh giá về các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); PCI; ứng dụng CNTT (ICT-index) và chỉ số chuyển đổi số (DTI); chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX)… được các cơ quan, tổ chức khảo sát, tỉnh còn tiến hành đánh giá thêm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) để xác định các hạn chế đang không được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao rơi vào đơn vị nào (sở, ban, ngành hay địa phương nào), thủ tục nào, hoạt động nào để từ đó thực hiện các biện pháp điều chỉnh tốt hơn.

UBND tỉnh cũng rất quyết tâm trong việc quyết định thành lập và duy trì hiệu quả của 4 tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư do Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Các tổ này đã chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách, sớm đưa vào hoạt động đối với các dự án đã cấp phép đầu tư; hoàn thành thủ tục kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư. Thông qua sự đồng hành của các tổ công tác giúp hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp phải tự xoay xở để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan dự án, dứt điểm tình trạng kéo dài thời gian xử lý thủ tục hành chính của các sở, ngành cấp tỉnh; xử lý dứt điểm các vướng mắc mà dự án đang gặp phải để đẩy nhanh tiến độ.

Con số 34 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 21.563 tỷ đồng được chấp thuận chủ trương đầu tư mới trong năm 2022 phần nào cho thấy được hiệu quả trong hoạt động đồng hành của địa phương trong hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp, cũng như sự linh hoạt trong hoạt động xúc tiến đầu tư. Và trong năm 2023, tỉnh cũng đặt ra mục tiêu tập trung hỗ trợ 3 dự án đã khởi công triển khai đúng tiến độ; hỗ trợ 17 dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư khởi công trong năm 2023; hỗ trợ 14 dự án đang kêu gọi đầu tư hoàn thành thủ tục đầu tư.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã cấp mới 9 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.705 tỷ đồng (trong đó 5 dự án FDI với vốn đăng ký 39 triệu USD); cấp giấy chấp thuận chủ trương đầu tư cho 7 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 1.589 tỷ đồng. Con số này vẫn khá khiêm tốn. Vì thế, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tập trung công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ để thúc đẩy khởi công dự án; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu xúc tiến đầu tư, tăng cường hơn nữa tính sẵn sàng trong xúc tiến đầu tư, tập trung hỗ trợ hoàn thành hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư để có sản phẩm sẵn sàng để kêu gọi đầu tư.

Về phía sở sẽ tập trung chuẩn bị các sản phẩm xúc tiến đầu tư, đồng thời phối hợp, hỗ trợ các địa phương rà soát các dự án đủ điều kiện và hỗ trợ lập hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án khi đáp ứng tất cả điều kiện (bao gồm hiện trạng, nguồn gốc đất đai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…). Tập trung kêu gọi đầu tư các dự án, nhà đầu tư có quy mô, tầm chiến lược để tạo sự chuyển biến về phát triển kinh tế trên địa bàn, trong đó có các dự án du lịch xứng tầm. Đồng thời, rà soát, tạo điều kiện để triển khai thực hiện các dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, gia hạn chủ trương đầu tư; cho chủ trương nghiên cứu đầu tư dự án để sớm đi vào hoạt động.

Ngoài ra, để thực hiện có hiệu quả việc kêu gọi thu hút đầu tư, sở sẽ thường xuyên rà soát, đánh giá kỹ năng lực nhà đầu tư bằng các kênh thông tin đáng tin cậy để lựa chọn được các nhà đầu tư có uy tín và năng lực tham gia vào các dự án trên địa bàn. Hiện nay, quỹ đất còn lại để kêu gọi đầu tư không còn nhiều, nên việc sàng lọc trước một bước về năng lực các nhà đầu tư rất quan trọng để tránh tối đa trường hợp chậm tiến độ kéo dài.

https://baothuathienhue.vn/kinh-te/xay-dung-giao-thong/lay-long-nha-dau-tu-131695.html

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.648.341
Truy cập hiện tại 932