Theo đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, Bộ đã nắm được những tranh cãi xảy ra quanh vụ việc Cục Di sản văn hóa gửi văn bản nhắc nhở Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế trong khuôn khổ tổ chức diễn giải di sản ở hội thảo quốc tế.
“Bộ đã lắng nghe các chiều ý kiến tranh cãi, đây cũng là cơ hội để Bộ xem xét kỹ lưỡng hơn, từ đó bổ sung chi tiết, cụ thể hơn trong dự thảo Luật Di sản sửa đổi và bổ sung hiện đang trong quá trình hoàn thiện. Bộ đón nhận các ý kiến của các nhà khoa học theo hướng tích cực” – Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nói.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định: “Quản lý di sản phi vật thể là việc rất khó, nhất là giữa những biến động của thời cuộc. Để hoàn thiện luật bổ sung, sửa đổi sẽ phải có sự thống nhất giữa các nhà quản lý, các nhà khoa học và cộng đồng nhân dân, cộng đồng chủ thể thực hành di sản”.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng cho rằng, Bộ sẽ lắng nghe để có thể đi đến thống nhất giữa các chiều ý kiến đa chiều, tránh những mâu thuẫn có thể xảy đến.
“Việc các nhà khoa học có những tranh cãi đa chiều là cần thiết, bộ coi đó như một diễn đàn để tiếp tục cân nhắc khi đang hoàn thiện Luật Di sản bổ sung và sửa đổi. Luật Di sản cần được xây dựng trên sự thống nhất giữa các bên, giữa các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu chuyên môn với cộng đồng và các nhà quản lý. Sự thống nhất trong nhận thức sẽ góp phần xây dựng luật bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của cộng đồng. Phải có sự đoàn kết chung tay trong cộng đồng, các nhà khoa học mới có thể bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản” - Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nói.
Trước đó, như Báo Lao Động đưa tin, từ vụ việc Cục Di sản văn hóa gửi văn bản nhắc nhở Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế xoay quanh chuyện tổ chức hầu đồng và trình diễn trang phục hầu đồng tại hội thảo khoa học tại Thừa Thiên Huế, đã xảy ra tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu, khoa học về di sản.
Trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, các nhà nghiên cứu cho rằng, Luật Di sản cần thêm những văn bản dưới luật, bổ sung các quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng về “thực hành tín ngưỡng” và “trình diễn di sản”, “diễn giải di sản” khi thời thế đã có rất nhiều biến động, nhu cầu đời sống đã có nhiều thay đổi.
Các nhà khoa học cho rằng, luật quản lý di sản cần bám sát thực tiễn. Ngay cả cấm trình diễn, diễn giải di sản cũng phải có văn bản cụ thể, không thể quản lý theo cách “tự hiểu với nhau”.