Tại buổi họp, đại diện cơ quan tư vấn thực hiện dự án cho biết, hiệu quả mong đợi từ dự án này là xây dựng cơ sở thông tin du lịch thông minh cho thành phố Huế phù hợp với các thiết bị thông minh. Trong đó, hướng tới mục tiêu phục hồi nền kinh tế địa phương bằng cách tăng khả năng cạnh tranh của ngành du lịch thông minh tại Thành phố Huế. Góp phần đảm bảo một hệ thống quản lý có hệ thống nhằm tăng cường tính nhất quán và sử dụng thông tin văn hóa và du lịch giữa các tổ chức địa phương như một nguồn thông tin văn hóa và du lịch ở Thành phố Huế.
Bên cạnh đó, dự án cũng thiết lập cơ sở hạ tầng thông tin cho chiến lược thương hiệu thành phố sử dụng thông tin văn hóa và du lịch thành phố Huế. Từ đó hướng đến tăng cường năng lực thương hiệu thành phố bằng cách tăng sức hấp dẫn du lịch của thành phố Huế đối với du khách nước ngoài. Đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận thông tin du lịch thành phố Huế của người dùng trong và ngoài nước dựa trên hạ tầng thành phố thông minh.
Phạm vi dự án khá rộng khi sẽ thiết lập cơ sở dữ liệu tại hơn 1.000 điểm tham quan, lưu trú, nhà hàng, lễ hội,… có giá trị du lịch cao tại khu vực trung tâm thành phố Huế; mở cơ sở dữ liệu thông tin văn hóa du lịch thông minh tại thành phố Huế.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đi kiểm tra công tác chỉnh trang khu vực phía tây cồn Dã Viên (tháng 3/2023)
Một trong những phương án thỉ điểm là cung cấp dịch vụ văn hóa du lịch thông minh tuyến đường đi bộ sông Hương – cồn Dã Viên. Tại đây, hệ thống hướng dẫn du lịch tự động (không người) hoạt động 24 giờ được láp đặt tại các điểm du lịch chính và các cơ sở giao thông sẽ hướng dẫn về nhà hàng, điểm du lịch, phương tiện giao thông, bản đồ du lịch,…
Các trạm sẽ hỗ trợ đa ngôn ngữ, cung cấp các giao tiếp tương tác với nhau bằng cách sử dụng tự động chuyển tiếp, touchpad và cung cấp các dịch vụ kết nối di động nếu cần thiết.
Ngoài ra, phương án sử dụng cơ sở dữ liệu du lịch văn hóa để cung cấp chức năng hướng dẫn và thông tin du lịch trung tâm thành phố Huế; và chức năng liên thông với bảo tàng số và trạm thông tin du lịch thông minh của không gian văn hóa phức hợp sẽ cung cấp ảnh và nội dung video sự kiện và triển lãm tại các địa điểm du lịch dựa trên vị trí hiện tại và các điểm du lịch lân cận. Đồng thời, các trạm du lịch thông mình còn có thể thông tin thêm cho du khách các điểm lưu trú, điểm ăn uống, mua sắm, công ty du lịch,… Từ đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương trao đổi với đại diện KOICA về dự án.
Tại buổi họp, đại diện cơ quan tư vấn cũng đã nêu phương án kiến trúc khu vực Cồn Dã Viên và cầu đi bộ kết nôi công viên Bùi Thị Xuân với Cồn Dã Viên. Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND thành phố Huế cũng đã tham gia góp ý kiến về các nội dung liên quan đến dự án này, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến một số hạng mục về thực hiện các thiết chế văn hóa, công trình, không gian ở khu vực Cồn Dã Viên trong tổng thể của dự án. Từ đó đưa ra một phương án có kiến trúc hài hòa nhất, tối ưu nhất. Bên cạnh đó, các vật liệu, phương án kiến trúc thực hiện phải hướng đến tính mềm mại cũng như không gian mở.
Phát biểu kết luận tại buổi họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cơ bản thống nhất với các đề xuất, phương án thiết kế kiến trúc của Dự án. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đây là dự án quan trọng trong việc giúp tỉnh thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố văn hóa và du lịch thông minh trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, cùng với những ý tưởng đặt ra, đơn vị tư vấn cần tham khảo thêm các ý kiến đóng góp từ các sở, ban, ngành, thành phố Huế hôm nay để hoàn thiện ý tưởng thực hiện có hiệu quả trên thực tế.