Tham dự Hội thảo còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy; Đại diện Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ, ngành Trung ương, các đồng chí Lãnh đạo các tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành phố lân cận; các Hiệp hội nghề nghiệp trong nước; Hội đồng chuyên gia phản biện quy hoạch.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành các bước phân loại đô thị và thành lập thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là đồ án quy hoạch mang tính chất bản lề, định hướng mô hình phát triển tổng thể về không gian đô thị, xác định khung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố trực thuộc trung ương trong tương lai và là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư hạ tầng khung, hướng đến xây dựng và phát triển đô thị một cách bền vững, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu; Xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương giàu bản sắc văn hóa với đặc trưng văn hóa, di sản, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì Hội thảo
"Ngày 19/10/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 tại Quyết định số 1261/QĐ-TTg, làm cơ sở để tỉnh tiến hành tổ chức lập, trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Quy hoạch. Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch này phù hợp với nội dung Nghị quyết 54-NQ/TW và một lần nữa khẳng định toàn bộ tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được quy hoạch và đầu tư xây dựng là 1 chỉnh thể đô thị, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với định hướng phát triển về lâu dài của tỉnh nhà; qua đó đã thể thiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị và là kết quả phấn đấu thời gian dài của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế", Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm, hiện nay, để hoàn thành công tác xây dựng đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh đang chỉ đạo các ngành đồng loạt, khẩn trương triển khai các đề án thành phần để quyết tâm hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết 54 đề ra; Trong đó, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế là một hợp phần hết sức quan trọng, đến thời điểm hiện nay đã hoàn thành các bước về tổ chức lập quy hoạch, báo cáo phương án quy hoạch, tổ chức công bố lấy ý kiến cộng đồng tại Cổng thông tin điện tử tỉnh và trụ sở UBND các cấp kể từ ngày 10/3/2023, hoàn thành hội nghị lấy ý kiến các địa phương về phương án quy hoạch ngày 22/3/2023.
Do tính cấp bách về tiến độ triển khai là đề án tiền đề quan trọng làm cơ sở tiến hành các đề án khác đảm bảo hoàn thành đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trong đầu năm 2024, do đó, đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế phấn đấu hoàn thiện, trình thẩm định phê duyệt trong tháng 04/2023.
Hội thảo đã nghe đơn vị tư vấn lập quy hoạch trình bày báo cáo Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 gồm: đánh giá hiện trạng, các tiền đề và dự báo phát triển đô thị, tầm nhìn, chiến lược phát triển đô thị, định hướng phát triển toàn đô thị, thiết kế đô thị...
Giám đốc Sở Nội vụ Bạch Chơn Đông và Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Đại Viên cũng đã báo cáo tại Hội thảo về mô hình đô thị thành phố trực thuộc Trung ương; dự kiến phân loại đô thị Thừa Thiên Huế là đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia phản biện quy hoạch
Trần Ngọc Chính tham gia phản biện tại Hội thảo
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia phản biện, tham luận tập trung vào các nội dung: Định vị, tầm nhìn phát triển cho đô thị Thừa Thiên Huế trong tương lai; Dự báo phát triển kinh tế xã hội, quy mô dân số, mật độ dân số các khu vực đô thị và nông thôn; quy mô đất xây dựng đô thị và nông thôn; Định hướng không gian, mô hình đô thị thành phố trực thuộc Trung ương và dự kiến phân loại đô thị Thừa Thiên Huế là đô thị loại I trực thuộc Trung ương; Định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội toàn đô thị và khu vực đô thị trung tâm...
Các chuyên gia đánh cao công tác chuẩn bị, hồ sơ đồ án thể hiện công phu, bài bản; đánh giá rõ lịch sử hình thành và quá trình phát triển của tỉnh, đặc biệt là việc lấy sông Hương làm trục chính để hướng đô thị về phía biển.
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, đồ án đã thể hiện được hạt nhân là thành phố Huế hiện nay và tính toán rõ không gian phát triển; quy mô phát triển tại các khu vực nông thôn và thành thị…
Làm rõ hơn đồ án, ông Chính đề nghị cụ thể hóa tính kết nối vùng bằng các tuyến giao thông, nhất là vấn đề kết nối phía bắc, tây và nam. Từ đó, định hướng liên kết với hệ thống giao thông Quốc gia.
Về hướng phát triển kinh tế, ông Chính nhận định, kinh tế biển có vai trò quan trọng, trong đó, đầm phá Tam Giang cần liên kết với biển để tạo động lực phát triển lớn hơn, đảm bảo liên kết với các cảng biển ở khu vực miền Trung.
Quan điểm của PGS.TS Trần Đình Thiên - chuyên gia kinh tế, thành viên tổ tư vấn Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì cho rằng, lập đồ án sẽ tạo ra cơ hội cho tỉnh định hình một đô thị đặc biệt. Dù vậy, để đồ án khả thi, hiệu quả, cần có những giải pháp cụ thể hơn để thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí đã đặt ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cám ơn các ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, các nhà khoa học, ý kiến các địa phương lân cận,... để tỉnh Thừa Thiên Huế có thể hoàn thiện đồ án quy hoạch đảm bảo tính khoa học, chất lượng, có tính đột phá và khả thi cao trong tổ chức thực hiện. Các ý kiến tại Hội thảo lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng để tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thiện định hướng không gian phát triển đô thị, xây dựng các phương án quy hoạch phù hợp để phát triển đô thị theo đúng định hướng Nghị quyết 54 và các nội dung mà nhiệm vụ quy hoạch đã đặt ra.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và các địa phương lân cận