“Đánh thức”đầm phá Tam Giang - Cầu Hai
Trong các tờ trình của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh lần này, xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế xã hội Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030” là nội dung quan trọng và đã được HĐND tỉnh thông qua.
Sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định 1955/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020” đã bộc lộ một số vướng mắc, khó khăn, hạn chế.
Do vậy, tờ trình của UBND tỉnh nêu rõ, việc xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế xã hội Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rất quan trọng, cần thiết, đảm bảo phù hợp với giai đoạn hiện nay, góp phần xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, đề án gồm 4 phần, phạm vi gồm 44 đơn vị cấp xã đầm phá, ven biển…
Mục tiêu xây dựng đề án nhằm phân tích, đánh giá khách quan, đầy đủ, toàn diện về thực trạng và tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh và các đặc thù về tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế biển và vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Xác định đúng vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đối với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; định hướng phát triển chung và các ngành, lĩnh vực;…
Đề án ưu tiên nguồn vốn thực hiện 5 chương trình trọng điểm. Nhu cầu vốn đầu tư thực hiện giai đoạn 2021-2025: Từ 50.000 đến 60.000 tỷ đồng (bình quân 10.000 đến 12.000 tỷ đồng/năm); giai đoạn 2026-2030: Từ 100.000 đến 110.000 tỷ đồng (bình quân thời kỳ 20.000 đến 22.000 tỷ đồng /năm).
Thảo luận nội dung này, các đại biểu đánh giá cao, thống nhất với tính cấp bách xây dựng đề án. Song, nhiều đại biểu băn khoăn khi Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được đưa vào phạm vi đề án. “Việc ban hành các đề án nhằm tạo ra các chiến lược phát triển, Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô là vùng kinh tế động lực, sự định hướng khác biệt so với Tam Giang – Cầu Hai, do vậy cần xem xét lại”, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc nêu ý kiến.
Ngoài ra, các đại biểu còn đề nghị nhìn nhận lại vấn đề quy hoạch đầm phá; đẩy mạnh kết cấu hạ tầng dịch vụ về hạ tầng du lịch biển, đô thị biển; xây dựng sản phẩm chủ lực vùng đầm phá; bổ sung thêm một số nhiệm vụ trọng tâm; sắp xếp lại đất nghĩa trang vùng ven đầm phá;…
Lãnh đạo UBND tỉnh đã giải trình, tiếp thu các vấn đề các đại biểu nêu. “Đề án này nhằm kết nối kinh tế biển, du lịch biển, khơi dậy tiềm năng kinh tế biển, đầm phá và quan trọng là giải pháp huy động nguồn lực”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
Kéo dài thời gian thực hiện vốn ngân sách tỉnh năm 2022
Tại kỳ họp, UBND tỉnh cũng có tờ trình đánh giá chung tình hình thực hiện giải ngân năm 2022 từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Theo đó, việc kéo dài kế hoạch vốn năm 2021 đối với nguồn vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương (NSTW) trên thực tế không giúp cải thiện tiến độ giải ngân năm 2022, thậm chí còn gây vướng mắc cho giải ngân năm 2022, do thời gian thực hiện giải ngân vốn kéo dài tương đối ngắn (từ tháng 5-12/2022). UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến hết ngày 31/12/2023 đối với kế hoạch vốn ngân sách tỉnh năm 2022 chưa giải ngân hết với số vốn là 162, 451 tỷ đồng.
Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh, đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương kịp thời tháo gỡ các vướng mắc; kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức chậm giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Từ nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022, UBND tỉnh cũng đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với 3 dự án, tổng số vốn là 110 tỷ đồng. Liên quan đến điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý, UBND tỉnh đề xuất giảm kế hoạch vốn đầu tư trung hạn đối với 3 dự án với tổng số vồn 160 tỷ đồng.
Đề án “Phát triển kinh tế xã hội Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030”
được HĐND tỉnh thông qua là nội dung rất quan trọng tại kỳ họp
Về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 từ nguồn vượt thu ngân sách tỉnh năm 2022 (đợt 2). Sau khi rà soát tiến độ triển khai các dự án, UBND tỉnh đề xuất giao kế hoạch vốn năm 2023 đợt 2 để bố trí cho 4 dự án với tổng số tiền 124 tỷ đồng, nguồn vốn vượt thu năm 2022 còn lại chưa giao là 1.130 tỷ đồng, Ban đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, trình HĐND tỉnh phân bổ vốn năm 2023 để kịp thời tổ chức thực hiện.
Ngoài những nội dung trên đã được HĐND tỉnh thông qua bằng nghị quyết, HĐND tỉnh cũng quyết định thông qua nhiều nội dung khác như: Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ vui chơi thể thao Lộc Bình, huyện Phú Lộc; phê duyệt điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2009-2020; phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận (đoạn còn lại tiếp giáp với đoạn kè đã đầu tư), huyện Phú Vang; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đường Phú Mỹ - Thuận An, huyện Phú Vang; bố trí kinh phí thực hiện dự án mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh cho các đơn vị trong ngành y tế; phương án “Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đối với các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi sắp xếp lại, xử lý tài sản công trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu cho biết: “HĐND tỉnh đã xem xét thông qua 20 nghị quyết. Để thực hiện tốt các nghị quyết của HĐND tỉnh vừa thông qua, tôi đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết”.