Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được giao nhiều cương vị quan trọng. Đặc biệt, trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967-1976), ông đã có những quyết định sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn và lập nhiều chiến công đặt biệt xuất sắc, kịp thời chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với Đại tá Nguyễn Duy Tường - Tổng Biên tập Báo Cựu Chiến binh Việt Nam, hơn 20 năm được làm việc, gần gũi với Trung ướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, là vinh hạnh, may mắn lớn trong đời cầm bút của mình.
Ông đã thể hiện thành công 3 cuốn hồi ký của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, từ cuốn đầu tiên "Đường xuyên Trường Sơn" tới cuốn cuối cùng "Trọn một con đường", thể hiện được những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng hào hùng của cả dân tộc "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"; trong đó có đóng góp lớn lao của Trung tướng trên cương vị Tư lệnh chiến trường Trường Sơn.
Công lớn xoay chuyển thế trận Trường Sơn
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là kỳ tích của dân tộc ta trong thế kỷ XX, được tạo dựng bởi trí tuệ, sức lực, xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam, nhưng theo Đại tá Nguyễn Duy Tường, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người có công lớn trong việc xoay chuyển thế trận chiến trường Trường Sơn.
Bộ đội Trường Sơn có lịch sử xây dựng và chiến đấu kéo dài 16 năm, thì Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có gần 10 năm trên cương vị là Tư lệnh (1967 - 1976), cũng là giai đoạn cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước diễn ra quyết liệt nhất. Trong khoảng thời gian đó, Bộ đội Trường Sơn phải đối mặt với sự đánh phá ác liệt, dữ dội nhất, những thủ đoạn tinh vi, tàn bạo nhất, những loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất của địch.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cùng với Bộ Tham mưu của mình đã chỉ huy một lực lượng hùng hậu với quy mô 9 sư đoàn và 21 trung đoàn trực thuộc, vượt lên tất cả, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho các hướng chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của 3 nước Đông Dương.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, cùng với những sáng kiến táo bạo, kịp thời, hợp với thực tiễn chiến đấu của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và sự nỗ lực, đóng góp, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn không còn là những con đường đơn lẻ mà phát triển thành một hệ thống giao thông vận tải lớn với hàng chục, hàng trăm ngả như "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm".
Ảnh tư liệu
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã cùng Bộ Tư lệnh chỉ đạo tạo mạng lưới đường - cầu nhiều trục dọc Bắc - Nam; Đông - Tây Trường Sơn xuyên cả ba nước Đông Dương; nhiều trục ngang nối hai sườn Đông - Tây, nối tất cả các chiến trường, tạo nên một hệ thống giao thông liên hoàn và đồng bộ, đa dạng và kỳ hình.
Đây thực sự là một hệ thống giao thông vận tải quân sự lớn nhất có chiều dài 17.000 km, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400 km, đường sông dài 600 km; có đường giao liên hành quân bộ và tải thương dài 1.200 km, mạng thông tin đường dây tải ba dài 1.350 km.
Khi thiết kế phương thức "tác chiến hợp đồng binh chủng" trong chi viện chiến lược, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ thị nhanh chóng xây dựng hệ thống thông tin tải ba, thông tin vô tuyến sóng ngắn và hệ thống thông tin dây bọc đến tất cả các đơn vị trên toàn tuyến. Đến đầu năm 1971, hệ thống thông tin tải ba đã được Bộ đội Trường Sơn nối thông suốt tới tất cả các hướng chiến trường của 3 nước Đông Dương, bảo đảm sự chỉ huy từ tổng hành dinh tới tận chiến trường Nam Bộ. Hệ thống điện thoại đã được trang bị cho tất cả cấp đại đội và tương đương, tới các trọng điểm, các trạm phẫu thuật… của toàn chiến trường Trường Sơn.
Công tác bảo đảm xăng dầu cho vận chuyển cơ giới là yếu tố sống còn của công tác vận tải. Đầu năm 1969, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã đưa ra kế hoạch xây dựng tuyến đường ống xuyên suốt Trường Sơn từ cửa khẩu vào tới chiến trường Nam Bộ với chiều dài khoảng 1.400 km. Đề xuất này được Đảng ủy - Bộ Tư lệnh thống nhất kiến nghị và được Quân ủy Trung ương phê chuẩn. Từ đó, một hệ thống đường ống xăng dầu hoàn chỉnh, liên hoàn cả Đông và Tây Trường Sơn được hình thành; đồng bộ với đó là hệ thống kho tàng phục vụ cấp phát suốt dọc tuyến với gần 50 kho lớn, nhỏ có trữ lượng 27.000 m3, 114 trạm bơm đẩy có sức bơm 600-800 m3/ngày đêm.
Việc xây dựng tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn đã giải quyết cơ bản việc cung ứng xăng dầu cho tất cả các lực lượng vận tải của Bộ đội Trường Sơn, lực lượng vận tải của 2 nước bạn Lào và Campuchia và các lực lượng hành quân của Bộ trên đường Trường Sơn. Đặc biệt trong chiến dịch Giải phóng Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh, tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn đã đáp ứng mọi yêu cầu về xăng dầu cho tất cả các lực lượng tham gia Chiến dịch một cách thuận lợi, kịp thời và nhanh chóng. Từ khi có tuyến đường ống xăng dầu, lực lượng vận tải của Trường Sơn chấm dứt một lực lượng lớn vận tải xăng dầu bằng xe téc và xe chở phi xăng. Và trên mỗi ô tô vận tải của Bộ đội Trường Sơn không còn phải mang thùng phi xăng dầu dự phòng để dồn trọng tải cho việc chở hàng chi viện…
Nếu không có tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn thì Bộ đội Trường Sơn không thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đánh giá: "Đường ống xăng dầu Trường Sơn là huyền thoại trong huyền thoại Trường Sơn".
Tư tưởng tiến công từ thời chiến tới thời bình
Khi đế quốc Mỹ thay đổi chiến lược chiến tranh, từ năm 1965, trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, từ vận chuyển thô sơ, gùi thồ là chủ yếu, ta đã chuyển lên tổ chức vận tải cơ giới kết hợp vận tải thô sơ. Nhưng đối đầu với chiến lược chiến tranh ngăn chặn quy mô lớn của đế quốc Mỹ, bộ đội Trường Sơn đã chịu nhiều tổn thất khi triển khai phương thức vận tải cơ giới.
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng cách mạng tiến công và nắm vững nghệ thuật quân sự của Đảng ta, sau khi được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cử vào làm Tư lệnh chiến trường Trường Sơn, tướng Đồng Sỹ Nguyên đã nghiên cứu kỹ càng tương quan lực lượng giữa ta và địch, nghiên cứu thực tiễn chiến trường. Từ đó, ông khẳng định tư tưởng chiến lược trên tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn là tiến công.
Tướng Đồng Sỹ Nguyên đã chủ động đề xuất với tập thể Đảng ủy Bộ Tư lệnh không theo chủ trương phòng tránh là chính như trước nữa mà thay vào đó phải "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến", tất cả các lực lượng phải tập trung bám đường, bám trọng điểm. Theo Đại tá Nguyễn Duy Tường, đây có lẽ là câu nói tiêu biểu cho khí phách, tầm nhìn và bản lĩnh của vị Tư lệnh, trong cả chiến tranh lẫn thời bình.
Chính trên những cung đường huyền thoại đó, hàng chục vạn bộ đội, thanh niên xung phong cùng phương tiện ô tô, xe cơ giới, máy móc, pháo cao xạ ngày đêm đương đầu với địch trong mưa bom bão đạn, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trong 16 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Bộ đội Trường Sơn đã đối mặt với 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay của địch; chúng trút xuống Trường Sơn 4 triệu tấn bom đạn bằng nhiều thủ đoạn, nhiều hình thức tàn bạo; hàng chục vạn lít chất độc hóa học da cam - dioxin. Song Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển gần 2 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các hướng chiến trường.
Riêng từ năm 1973 đến 1975 đã chở bằng cơ giới 40 vạn quân và tổ chức hành quân cho 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường, cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt sư đoàn của 3 Quân đoàn chủ lực tham gia chiến dịch; tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở Nam Lào; bắn rơi tại chỗ 2.454 máy bay các loại; mở 3.000 km đường giao liên, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn; chuyển hàng vạn thương binh từ chiến trường ra hậu phương nuôi dưỡng và đưa hàng ngàn thiếu nhi vượt Trường Sơn ra Bắc học tập…
Bên cạnh việc góp phần vào chiến thắng của Bộ đội Trường Sơn, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên còn nhận thức việc giúp đỡ cách mạng Lào xây dựng, củng cố vùng giải phóng dọc theo tuyến hành lang, vừa mang ý nghĩa quốc tế, liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc, vừa có ý nghĩa trực tiếp với việc giữ vững và phát triển tuyến chi viện chiến lược.
Lời cảm ơn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong cuốn hồi ký "Trọn một con đường" - Ảnh: VGP/Gia Huy
Khát vọng lập những kỳ tích mới trong thời bình
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV năm 1976, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được bầu vào Ban chấp hành Trung ương. Năm 1977, đồng chí được Thủ tướng đề nghị và Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Đến tháng 2/1982, đồng chí được điều động sang làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Từ năm 1982, đồng chí lần lượt được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ chính trị (khóa V), Ủy viên Bộ Chính trị (khóa VI) và được Quốc hội cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng từ 1986 đến năm 1991.
Trên các cương vị mới, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ vào công việc và thường xuyên vào Nam ra Bắc để trực tiếp nắm bắt, chỉ đạo các công trình trọng điểm của quốc gia. Theo Đại tá Nguyễn Duy Tường, khi đất nước có chiến tranh, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên luôn đứng ở tuyến đầu những nơi gian khổ ác liệt, khi chiến tranh kết thúc, với trách nhiệm của người đảng viên, đồng chí luôn sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu Đảng cần.
Theo nhiều người từng làm việc với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tâm nguyện ấp ủ lâu nhất của Trung tướng là biến đường Trường Sơn trong kháng chiến thành con đường chiến lược xứng tầm trong thời bình. Gắn bó với đường Trường Sơn trong giai đoạn cam go nhất, hơn ai hết đồng chí hiểu ý nghĩa, tiềm lực to lớn của tuyến đường này.
Mong muốn của vị tướng Trường Sơn ngày nào là làm sao hiện đại hóa tuyến đường, làm sao khắc phục được những hạn chế của con đường trong quá khứ, để trong tương lai trở thành con đường huyết mạch trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc…
Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết cần có một tuyến đường hoàn chỉnh, thống nhất, xuyên suốt nhằm đáp ứng cho hoạt động phát triển kinh tế, thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ năm 1996, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu quy hoạch tuyến đường để hình thành trục dọc đường bộ thứ hai ở phía tây đất nước với tên gọi ban đầu là Xa lộ Bắc - Nam (nay là đường Hồ Chí Minh).
Ngày 1/4/1997, Chính phủ đã có Quyết định số 195/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về công trình Xa lộ Bắc Nam. Ngày 24/9/1997, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 789/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể Xa lộ Bắc - Nam.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người đầu tiên đề xuất đổi tên công trình Xa lộ Bắc - Nam thành đường Hồ Chí Minh để xứng đáng với vai trò và tầm vóc của tuyến đường trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đường Hồ Chí Minh từ lâu đã là tên gọi rất quen thuộc không những được nhân dân cả nước mà các nước trên thế giới biết đến. Việc lấy tên công trình là "đường Hồ Chí Minh" còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Đến năm 1999, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đồng ý với đề xuất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và một số cán bộ lão thành cách mạng. Kể từ đó, công trình Xa lộ Bắc - Nam chính thức lấy tên gọi mới là đường Hồ Chí Minh.
Năm 2004, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh là công trình trọng điểm quốc gia với điểm đầu là Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), điểm cuối là Đất Mũi (tỉnh Cà Mau).
Dù đã nghỉ hưu, tuổi cao, sức yếu, nhưng khi đường Trường Sơn được phê duyệt, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ làm đặc phái viên của Chính phủ, đôn đốc thực hiện việc mở đường.
Theo những người từng làm việc cùng, Trung tướng đặc biệt lưu ý đến cách bài trí hướng tuyến của đường Hồ Chí Minh, bởi ông cho rằng, tuyến đường này không chỉ nhằm mục tiêu phát triển kinh tế mà còn gắn với an ninh - quốc phòng, cũng là để tri ân đồng bào đã một lòng, một dạ đi theo cách mạng.
Có lần đang đi xe trên tuyến, ông yêu cầu dừng lại tại công trường trước mặt. Thấy anh em báo cáo một số đoạn thi công đang vướng mặt bằng, ông đi thẳng vào từng nhà dân thuyết phục, vận động và lắng nghe các ý kiến, tâm tư của người dân. Sau đó, toàn bộ mặt bằng còn vướng mắc được người dân bàn giao cho các nhà thầu thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án. Qua sự việc này, ông cũng đề nghị các đơn vị liên quan, chỗ nào đi qua khu đông dân cư cố gắng phải chỉnh tuyến, vừa tránh việc chậm giải phóng mặt bằng, vừa tránh mất đất của bà con. Nhờ uy tín, tầm ảnh hưởng lớn, cũng như sự sâu sát của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nên công tác giải phóng mặt bằng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 rất nhiều điều kiện thuận lợi.
Đường Hồ Chí Minh là một công trình lớn, mang theo ý nguyện của Đảng, mong ước của nhân dân, là công trình có tính chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đến nay, mặc dù chưa hoàn thành 100%, nhưng đường Hồ Chí Minh đã và đang phát huy hiệu quả thực tế.
Năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chủ trương tiếp tục đầu tư các đoạn tuyến còn lại của đường Hồ Chí Minh với mục tiêu đến 2025, nối thông toàn tuyến, trong đó có khoảng 287 km thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam phía đông đi trùng với đường Hồ Chí Minh.
Trong những năm tới, đường Hồ Chí Minh và các tuyến đường cao tốc Bắc – Nam sẽ được hoàn thành, đáp ứng khát vọng của nhân dân ta về những con đường Bắc Nam nối liền một dải từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), làm nên những "kỳ tích" mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những trăn trở, khát vọng và tầm nhìn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – vị anh hùng của đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và sẽ còn đồng hành cùng đất nước trên chặng đường phát triển mới.
Theo Đại tá Nguyễn Duy Tường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành những lời nhận xét tốt đẹp, quý báu, thay cho lời giới thiệu cuốn Hồi ký "Trọn một con đường" của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: "Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ. Toàn bộ cuộc đời của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và của Quân đội… một trong những vị tướng tiêu biểu của Quân đội ta. Đối với tôi, tướng Đồng Sỹ Nguyên là một trong những người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết gần gũi suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc mà tôi rất tin và quý mến!"".
Không chỉ là vị tướng tài ba và có tầm nhìn sắc sảo, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên còn là một vị chỉ huy luôn tha thiết với đồng chí, đồng đội. Sau Hiệp định Paris tháng 01/1973, tại Hội nghị Đảng ủy Bộ Tư lệnh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đề xuất và đưa ra bàn chủ trương tổ chức lực lượng cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Tây Trường Sơn để đưa về nước.
Từ cuối năm 1974, kế hoạch xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn cũng đã được vạch ra. Trong thời gian này, dù phải tập trung chỉ huy chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên vẫn dành thời gian để xuyên rừng, lội bộ cùng trinh sát công binh trực tiếp tìm địa điểm đặt Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn tại Đồi Bến Tắt (Gio Linh, Quảng Trị).
Trong không khí khẩn trương của nhiệm vụ giải phóng miền Nam, ngày 24/2/1975, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn đã được Bộ Tư lệnh Trường Sơn khởi công xây dựng và hoàn thành ngày 10/4/1977. Đây là công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất, có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn vô hạn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất trên Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh vĩ đại.
Gia Huy
https://baomoi.com/trung-tuong-dong-sy-nguyen-khi-phach-ban-linh-tam-nhin-danh-dich-ma-di-mo-duong-ma-tien/r/45119365.epi