Hạ tầng đã cơ bản hoàn thiện
Khu công nghiệp Phong Điền với quy mô diện tích 400 ha được chia làm 3 khu: khu A với diện tích 210 ha, khu B với diện tích 102,17 ha và khu C với diện tích 87,83 ha.
Theo định hướng quy hoạch, Khu công nghiệp Phong Điền dự kiến mở rộng lên 700 ha. Khu công nghiệp Phong Điền ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, bao bì, chế biến nông lâm sản, cơ khí, dệt may, da giày...
Theo báo cáo của Tổng công ty Viglacera, nhà đầu tư xây dựng hạ tầng của khu công nghiệp, đến thời điểm hiện tại, công ty đã cơ bản hoàn thành đầu tư hệ thống hạ tầng trong toàn bộ diện tích 284ha mà công ty thực hiện dự án, gồm: Hệ thống đường giao thông; hệ thống thoát nước mưa; hệ thống thu gom nước thải; hệ thống cấp nước sạch; hệ thống phòng cháy chữa cháy; cây xanh và chiếu sáng các tuyến đường…
Quá trình giải phóng mặt bằng cho dự án cũng đã cơ bản hoàn thiện, chỉ còn 1.100m2 của một hộ dân đã nhận tiền đền bù, nhưng chưa bàn giao mặt bằng. Bên cạnh đó, một phần diện tích đang được điều chỉnh lại quy trình đầu tư sau khi có yêu cầu của Thanh tra Chính phủ. Sau khi hai vướng mắc trên được xử lý, công ty đặt quyết tâm trong năm 2023 hoàn thành cơ sở hạ tầng cho toàn bộ dự án.
Ông Phạm Hồng Hiệp, đại diện Tổng công ty Viglacera cho biết, hai yếu tố quan trọng nhất trong đầu tư hạ tầng cho khu công nghiệp là hệ thống xử lý nước thải và nhà máy cung cấp nước sạch.
Hiện công ty đang triển khai đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1 công suất 2.000 m3/ngày đêm, dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động tháng 4/2023. Cùng với đó, đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý nước sạch tạm thời, công suất 3.000m3/ngày đêm.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tham quan nhà máy sản xuất
của Công ty TNHH Công nghệ Bảo hộ Kanglongda Việt Nam
Ông Lê Văn Tuệ, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh cho biết, với các hạng mục đầu tư cơ bản được nhà đầu tư hạ tầng triển khai, Khu công nghiệp Phong Điền đã hoàn thiện các điều kiện để thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư nhà máy sản xuất.
Ngay sau khi thông tin này được nhà đầu tư hạ tầng thông báo, đã có một nhà đầu tư mong muốn nghiên cứu đầu tư nhà máy sản xuất kính ô tô với diện tích khoảng 30ha.
“Với các tuyến đường được kết nối, bến cảng Điền Lộc, kết hợp với Cụm công nghiệp Tứ Hạ, Quảng Vinh sẽ tạo thành “tam giác” phát triển công nghiệp ở khu vực phía Bắc của tỉnh”, ông Tuệ kỳ vọng.
Thúc đẩy quá trình đầu tư
Đại diện Tổng công ty Viglacera thông tin, hiện khu công nghiệp đã thu hút được 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Công nghệ Bảo hộ Kanglongda Việt Nam và Công ty TNHH Hugeway.
Tuy nhiên, dự án vẫn còn tồn tại một số khó khăn vướng mắc. Trạm xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp dự kiến vận hành tháng 4/2023, theo đó, điểm xả thải ở chân hàng rào dự án và đấu nối với kênh tiếp nhận thoát nước thải nối ra sông Ô Lâu. Dự án kênh tiếp nhận nước thải này đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, tuy nhiên đến nay chưa được đầu tư xây dựng ảnh hưởng đến việc xả thải của Khu công nghiệp.
Công ty TNHH Công nghệ bảo hộ Kanglongda dự kiến vận hành sản xuất giai đoạn 1 tháng 6/2023, tuy nhiên đến nay, Tổng Công ty Viglacera vẫn chưa thể hoàn thành thủ tục tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 35,24ha cho doanh nghiệp. Lý do là phần diện tích 4.738m2 thuộc khu đất cho thuê chưa được UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất và Sở Tài nguyên Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Diện tích lộ giới Tỉnh lộ 9 chưa được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất và Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến Tổng Công ty Viglacera chưa hoàn thành thủ tục tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp Hugeway và một doanh nghiệp khác dự kiến thuê lại lô đất CN-02 trong khu công nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho rằng, quan trọng đối với quá trình sản xuất của khu công nghiệp là yếu tố môi trường. Vì vậy, nhà đầu tư cần thực hiện đầy đủ nhất các quy định về môi trường. Theo quy hoạch của Khu công nghiệp Phong Điền, đến năm 2030 là lên đến 1.000 ha. Quá trình quy hoạch cần đảm bảo thống nhất và tránh chồng chéo các quy hoạch vì khi mở rộng sẽ vướng vào quy hoạch khoáng sản hiện nay.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đánh giá, Khu công nghiệp Phong Điền là khu vực còn quỹ đất để phát triển. Cùng với Chân Mây – Lăng Cô, Khu công nghiệp Phong Điền phải là động lực phát triển kinh tế của tỉnh trong tương lai.
“Dù thế, hiện nay tỷ lệ che lấp các dự án ở khu công nghiệp còn thấp, các cơ quan ban ngành cần phối hợp với nhà đầu tư hạ tầng, xúc tiến đầu tư thu hút các nhà đầu tư đến với khu công nghiệp nhiều hơn. Huyện Phong Điền sớm thúc đẩy cầu vượt đường sắt, giúp kết nối khu công nghiệp và Quốc lộ 1A tốt hơn. Lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng với doanh nghiệp để tháo gỡ những khó, khăn vướng mắc, kịp thời cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư sôi động”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh.
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
https://baothuathienhue.vn/khu-cong-nghiep-phong-dien-se-la-dong-luc-kinh-te-moi-cua-tinh-trong-tuong-lai-a124125.html