Chuyển biến tích cực, tạo sự đồng thuận xã hội
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương cho biết: Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI, ngày 12/3/2003 có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn vừa qua.
Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và các chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: "Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy". Ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
MTTQ và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, vận động đông đảo nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước”, để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm chia sẻ tại Hội thảo
Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Hội thảo nhằm xác định rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc; rà soát lại, đánh giá đúng thực trạng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong 20 năm qua, tìm ra nguyên nhân hạn chế, bất cập; trên cơ sở đó, đề xuất những định hướng và giải pháp đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và hệ thống chính trị.
Hội thảo là dịp để nghiên cứu, trao đổi, phân tích từ những vấn đề thực tiễn đặt ra; cơ sở quan trọng để hoàn thiện lý luận, phương thức lãnh đạo của Đảng và hệ thống chính trị nhằm tăng cường phát huy hơn nữa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: Thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, đến nay, TP là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện tổ chức chính quyền đô thị, thành lập “thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương”. Sự nghiệp đổi mới, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn thành phố không ngừng tăng cường, củng cố; lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc tiếp tục được phát huy, đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; Nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với những kết quả tích cực.
Thời gian tới, Thành ủy xác định rõ việc xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trong nhân dân. Đề cao trách nhiệm nêu gương người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị trong phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, giỏi về nghiệp vụ, với phương châm “giỏi một việc, biết nhiều việc”…
Từ việc nêu lên những kết quả trong thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Minh Trung đề nghị Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh phù hợp với tình hình hiện nay. Chính phủ quan tâm ban hành chính sách phù hợp nhằm giải quyết vấn đề thiếu đất, thiếu việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên; có giải pháp, chính sách giải quyết dứt điểm vấn đề đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số đã đưa vào các nông, lâm trường quốc doanh, nay thực hiện cổ phần hóa nhằm đảm bảo, ổn định tình hình an ninh chính trị của vùng Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Lắk.
Đồng chí Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, những quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 23 hiện nay đang đứng trước những thách thức chưa từng có, từ tình hình quốc tế và những nguyên nhân chủ quan từ tình hình trong nước, nhất là sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên, khiến niềm tin của nhân dân lung lay. Từ đó, nguyên Chủ tịch MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm kiến nghị, không chỉ ban hành Nghị quyết về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc mà cần tiếp tục phát huy mặt trận đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường, mở rộng phát huy vai trò của các thành viên MTTQ; tinh thần đại đoàn kết phải thấm sâu trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, để trong mọi hoàn cảnh, mọi lĩnh vực phát huy được sức mạnh đại đoàn kết…
Bên cạnh đó cần phải nắm được đặc điểm, tình hình của từng giai tầng trong xã hội để từ đó có cơ chế chính sách quan tâm đúng, kịp thời. Đặc biệt, muốn tăng cường tính đoàn kết đòi hỏi Đảng phải mạnh, đảng viên, cán bộ phải gương mẫu, vì vậy phải đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…
Nhân dân là gốc, là trọng tâm, là trung tâm của mọi quyết sách
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 23 hoan nghênh các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan Trung ương, địa phương và các chuyên gia đã tham gia và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho hội thảo. Trên cơ sở lắng nghe các ý kiến góp ý của các đại biểu, Ban Chỉ đạo hoàn chỉnh các tài liệu báo cáo Bộ Chính trị trình Trung ương để tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết. Trên cơ sở đó sẽ ban hành chủ trương mới về vấn đề này.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư,
Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 23 phát biểu kết luận Hội thảo
Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, chúng ta nhận thức rõ, sâu sắc hơn về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành bại của cách mạng, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điều này đã được chứng minh thực tế qua thắng lợi của các cuộc cách mạng, đạt thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước, nhất là thời điểm dịch bệnh COVID-19 nhờ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy, đất nước ta đã vượt qua được dịch bệnh.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định, Nghị quyết 23 được ban hành là cấn thiết và có giá trị thực tiễn, với nhiều kết quả quan trọng. Nhiều ý kiến tại Hội thảo nêu rõ, trước khi có Nghị quyết và sau khi ban hành Nghị quyết 23, đất nước đã có những chuyển biến tích cực. Việc thực hiện Nghị quyết có đóng góp to lớn vào đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước, góp phần làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, điều này được đánh giá rất rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ: “Độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của quốc gia dân tộc, phát huy tinh thần để làm sao hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 là điểm chung, tương đồng để đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân, người Việt Nam ở ngoài nước. Quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân phải là điểm xuất phát quan trọng của mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó phải lấy nhân dân là gốc, là trọng tâm, là trung tâm của mọi quyết sách; lòng dân, sự hài lòng của dân là thước đo quan trọng nhất đo chất lượng của các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong giai đoạn mới càng phải nhấn mạnh hơn vấn đề này”.
Bên cạnh đó, Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu, cần tập trung xây dựng MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức quần chúng để giữ vai trò quan trọng trong xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết kịp thời; Đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên trì trong việc chống tham nhũng, tiêu cực và những thói hư tật xấu trong Đảng, trong xã hội; không ngừng nâng tầm trí tuệ của Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo và tầm nhìn của Đảng, đưa đất nước vững vàng tiến lên. Xây dựng được một đội ngũ cán bộ thực sự tiêu biểu, cán bộ phải gương mẫu phải đi trước và phải cùng với Nhân dân…
Mặt khác, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết phải thiết thực, hiệu quả, nhất là quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết nhằm thúc đẩy các nội dung của Nghị quyết đi vào cuộc sống./.