MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Thêm "chốt chặn" nhằm lựa chọn cán bộ có tâm, xứng tầm
Ngày cập nhật 12/02/2023

Quy định 96 cùng với hàng loạt các quy định, kết luận, chỉ thị mà Bộ Chính trị ban hành từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay với tính răn đe mạnh mẽ sẽ đóng vai trò như một "chốt chặn", tạo nên những dấu mốc mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tạo niềm tin vững chắc để đưa đất nước tiến lên phía trước khi lựa chọn được một đội ngũ cán bộ vừa có tâm, xứng tầm.

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Quy định 96 thay thế cho Quy định 262 ban hành năm 2014 cùng về nội dung này nhưng có nhiều điểm mới, bổ sung, trong đó các điều khoản được cụ thể hóa hơn và xử lý nghiêm hơn. 

Điểm mới đầu tiên của văn bản này là quy định cụ thể và chặt chẽ hơn việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được thực hiện trong thời gian qua. Cụ thể ngay ở phần quan điểm, nguyên tắc của quy định đã nêu rõ việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ. Việc lấy phiếu tín nhiệm không còn chỉ là kênh thông tin mang tính chất tham khảo quan trọng như Quy định 262 mà đã trở thành nội dung không thể thiếu trong công tác cán bộ.

Theo đó, người có trên 1/2 nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị đưa ra khỏi quy hoạch chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ các chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức; hoặc sẽ bỏ phiếu tín nhiệm mà không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm.

Trong khi đó, theo quy định cũ, người có trên 1/2 phiếu tín nhiệm thấp chỉ bị xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên "cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác".

Như vậy, so với quy định Quy định 262, Quy định 96 về lấy phiếu tín nhiệm có sự thay đổi trong quy định về sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm; kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ... Cùng với đó, các mức xử lý đối với kết quả tín nhiệm cũng cụ thể, nặng hơn trước.

Quy định 96 nêu rõ 2 "tiêu chí" lấy phiếu tín nhiệm, bao gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu). Trong khi Quy định 262 (năm 2014) quy định 2 "nội dung", gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; và năng lực thực tiễn.

Đáng lưu ý, Quy định 96 cùng với các tiêu chí chung về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật của người cán bộ lãnh đạo, còn có xét đến khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng cho rằng, theo Quy định 262, phiếu tín nhiệm là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ; còn ở Quy định 96 là được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Điều này có nghĩa là lấy phiếu tín nhiệm từ "kênh thông tin tham khảo" trở thành "sử dụng để đánh giá cán bộ". Do đó, Quy định 96 đã trở thành một thước đo quan trọng phản ánh năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ lãnh đạo, quản lý so với trước đây.

Mặt khác, việc quy định rõ ràng như vậy sẽ giúp các cấp ủy, đơn vị khi tổ chức lấy phiếu sẽ dễ dàng thực hiện. Từ việc khẳng định đây là biện pháp nhằm đánh giá cán bộ chứ không phải tham khảo sẽ tránh được tâm lý của người được lấy phiếu và người bỏ phiếu là lấy phiếu chỉ là hình thức, mang tính tham khảo "tín nhiệm thấp vẫn được dùng" hay “xong xuôi tất cả lại về”...

Ngoài ra, việc lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định 96 còn xem xét đến tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Cùng với đó, Bộ Chính trị nêu rõ việc lấy phiếu tín nhiệm góp phần chống tham nhũng, giúp cán bộ tự soi, tự sửa. Đây cũng như một biện pháp nhắc nhở, tạo ra yêu cầu cao đối với người được lấy phiếu phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, phải dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với thử thách, năng động, sáng tạo, đổi mới...

Có thể nói, Quy định 96 ra đời trong thời điểm cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng quyết liệt với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”...  nên đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của dư luận xã hội. Quy định cũng cập nhật tình hình, thể hiện sự đồng bộ, liên thông các Quy định 41 năm 2021 của Bộ Chính trị về việc từ chức, miễn nhiệm cán bộ và thông báo Kết luận số 20 năm 2022 của Bộ Chính trị về bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật mà có năng lực, uy tín giảm sút.

Như vậy việc lấy phiếu về thực chất là một khâu trong quy trình công tác cán bộ và cụ thể hóa hơn nhằm đánh giá cán bộ. Khi đánh giá đúng sẽ đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng sẽ đúng. Cho nên, thiết nghĩ, trước hết, các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác này phải tuyên truyền, quán triệt quy định mới này đến từng cán bộ, đảng viên để thấy rõ được tầm quan trọng, trách nhiệm của mình để thực hiện. Bên cạnh đó phải tổ chức thực hiện cho tốt và tiến hành đồng bộ, công minh, khách quan, trung thực, tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi", hình thức hay trở thành phong trào lúc thì lên cao, lúc lại xuống thấp.

Chúng ta tin tưởng rằng, Quy định 96 cùng với hàng loạt các quy định, kết luận, chỉ thị mà Bộ Chính trị ban hành từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay với tính răn đe mạnh mẽ sẽ đóng vai trò như một "chốt chặn", tạo nên những dấu mốc mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo niềm tin vững chắc để đưa đất nước tiến lên phía trước khi lựa chọn được một đội ngũ cán bộ vừa có tâm, xứng tầm…/.

Theo dangcongsan.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.654.407
Truy cập hiện tại 137