Trong quá trình xây dựng NTM, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Phong Điền đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và khơi dậy sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về chủ trương xây dựng nông thôn mới là “vì người dân, của người dân” và người dân là đối tượng được thụ hưởng chính những thành quả mang lại đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Huyện Phong Điền đã đưa chỉ tiêu số xã đạt chuẩn NTM vào Nghị quyết để triển khai thực hiện. Cùng với công tác chỉ đạo, việc tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình đã tạo sự đồng thuận cao trong mọi tầng lớp nhân dân, thu hút mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn. Đến nay, huyện Phong Điền đã có 10/15 xã đạt chuẩn NTM; 03 xã Điền Hương, Phong Bình, Phong Xuân đang hoàn chỉnh hồ sơ để công nhận đạt chuẩn NTM năm 2021; 02 xã Phong Sơn, Phong Chương đến nay đã đạt 19/19 tiêu chí NTM và đang hoàn thiện hồ sơ để thẩm tra cấp huyện; hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Phong Điền đạt chuẩn NTM và đạt tiêu chí loại IV trong năm 2023, là tiền đề cơ sở để huyện trở thành Thị xã trước năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy.
Quá trình triển khai thực hiện, các địa phương thực hiện phương châm “dân làm, nhà nước hỗ trợ”, trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và được đưa ra bàn bạc, thống nhất từ chủ trương đóng góp đến việc chọn từng tuyến đường để đầu tư, tinh thần tự nguyện, dân chủ được phát huy cao độ nên được người dân đồng tình hưởng ứng. Việc đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng xã hội khác cũng như việc đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi được các địa phương triển khai sâu rộng, lấy ý kiến thống nhất trong cấp ủy đảng, chính quyền và phổ biến, lấy ý kiến nhân dân nên tạo sự đồng thuận cao và mang lại hiệu quả trong triển khai thực hiện.
Điển hình, xã Phong Sơn là một trong hai xã của huyện Phong Điền hoàn thành các tiêu chí NTM trong năm 2022. Chính quyền và người dân nơi đây đã và đang nỗ lực, đồng lòng xây dựng quê hương. Người góp công, người góp của, người hiến đất làm đường đã tạo thành phong trào xây dựng Nông thôn mới ra khắp 13 thôn của xã.
Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân luôn sẵn sàng hiến đất, góp công sức cùng chính quyền xây dựng các công trình phúc lợi. Điều dễ nhận thấy nhất là điện, đường, trường, trạm và đặc biệt là đường vào các thôn đã được bê tông hóa, bà con đi lại vô cùng thuận tiện. Cái đói, cái nghèo đã được đẩy lùi, người dân cùng chung tay giúp nhau vươn lên làm giàu.
Ông Thái Công Sau, Trưởng thôn Tứ Chánh, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, cho biết: “Thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM, trong thôn đã xuất hiện nhiều tấm gương tự nguyện hiến đất, tiền của, để chung tay xây dựng NTM. Từ đó, đường giao thông nông thôn được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc phục vụ dân sinh, con em đi học được thuận lợi và đặc biệt là nông sản của người dân làm ra được thương lái đến tận ruộng thu mua giá cao và nhiều lợi ích khác… vì thế nhiều hộ dân sẵn sàng hiến hàng trăm mét vuông đất”.
Có thể nói cùng sự hỗ trợ, tiếp sức của chính quyền các cấp, Đảng ủy, HĐND xã Phong Sơn đã có cách làm sáng kiến, sáng tạo, đặc biệt trong công tác huy động nguồn lực đạt hiệu quả cao. Trước tiên, Ban chỉ đạo xây dựng NTM Phong Sơn tiến hành xây dựng đội ngũ cán bộ từ xã xuống thôn có năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và gương mẫu đi đầu trong mọi công việc. Sau đó, ban lãnh đạo xã trực tiếp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động làm cho người dân nhận thức vai trò chủ thể của mình. Vì vậy, những chính sách được phổ biến đến từng nhà. Mọi người đều có cơ hội bày tỏ những băn khoăn, thắc mắc của mình.
“Khi tư tưởng đã thông, thì sức dân được huy động được tối đa. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ, cần chú trọng vận động nhân dân, từ các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội đầu tư cho xây dựng nông thôn mới”. Ông Trịnh Xuân Nhân, Chủ tịch UBND xã Phong Sơn, chia sẻ.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, dự án và vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đào tạo nghề và chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các cây trồng có giá trị kinh tế cao được người dân đưa vào sản xuất,…. Bên cạnh phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao, các ngành chức năng huyện Phong Điền còn tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở tỉnh hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân sản xuất nông nghiệp với các mô hình sản xuất rau quả an toàn tại xã Điền Lộc, chăn nuôi lợn tập trung, nuôi ốc hương ở vùng Ngũ Điền, bưởi da xanh ở Phong Thu,….
Mô hình trồng rau sạch ở Điền Lộc
Đến nay, bộ mặt nông thôn của huyện Phong Điền đã có nhiều khởi sắc, hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội được đầu tư ngày càng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng và ngày càng phát triển. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được triển khai và được nhân rộng góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân; hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường, an ninh trật tự địa bàn nông thôn được đảm bảo; vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới ngày càng được thể hiện rỏ nét hơn. Các tổ chức chính trị - xã hội và địa phương đã chủ động trong việc tham gia, vận động, tuyên truyền và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có hiệu quả góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở các địa phương. Mặt trận tổ quốc và các thành viên trong huyện đã gắn phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” với nâng cao chất lượng cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “ Ngày vì người nghèo”, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng” của Hội Nông dân; phong trào “ 5 không, 3 sạch” của Hội Liên hiệp phụ nữ; “ Tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thông mới” của Huyện đoàn,... đã động viên các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng Chương trình xây dựng NTM.
“Trong thời gian đến huyện tập trung đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, mở rộng các hoạt động dịch vụ, ngành nghề nông thôn; chỉnh trang cơ sở hạ tầng các khu vực trung tâm tại các địa phương; củng cố, hoàn thiện hệ thống chính trị ở thôn, xã... để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đặt ra vào cuối năm 2023 huyện Phong Điền sẽ về đích NTM, phấn đấu xây dựng huyện trở thành Thị xã trước năm 2025”, ông Nguyễn Đình Bách, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết.