Các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh, năm 2022, bên cạnh những thuận lợi vẫn gặp không ít thách thức trong bối cảnh phải chủ động thích ứng trong tình hình mới với dịch bệnh COVID-19, thiên tai, bão lũ diễn biến bất thường. Dù vậy, với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nên tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực; tất cả các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế tăng trưởng ước trên 8,5%; thu ngân sách Nhà nước ước đạt gần 13.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra, là nỗ lực lớn của các cấp, các ngành, các địa phương.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; nhiều hoạt động đối ngoại được tổ chức; năng lực chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền được nâng lên; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, xã hội đồng thuận, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng….
Trong năm qua, với trách nhiệm cao trước Đảng bộ và nhân dân, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Trọng tâm là đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để cụ thể hóa và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, nhất là Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế.
Nhìn nhận về những hạn chế, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho rằng, một số ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội phát triển chưa như kỳ vọng; một số quy hoạch, đề án, dự án quan trọng chưa hoàn thành; sự chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả chưa cao; tiến độ giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy chậm được cụ thể hoá để triển khai đồng bộ ở cơ sở.
Hội nghị cũng được nghe Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương trình bày tờ trình về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; phương án về mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương; sửa đổi, bổ sung chính sách thí điểm hỗ trợ cho các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây; tờ trình về Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030.
Cảng Chân Mây được đầu tư hứa hẹn sẽ tăng năng lực vận chuyển
góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển
Thông tin về mục tiêu năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, tỉnh sẽ đẩy mạnh mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở khai thác thế mạnh, đặc thù của địa phương; tập trung kiểm soát tốt dịch COVID-19; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ, du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; phát triển ngành công nghiệp, công nghệ thông tin, công nghiệp tạo giá trị gia tăng, giá trị xuất khẩu lớn; nông nghiệp sạch, công nghệ cao; phát triển đô thị thông minh và bền vững. Huy động tối đa các nguồn lực, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế…
Trong các dự kiến chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023 đáng chú ý đó là tốc độ tăng trưởng GRDP từ 9-10%; GRDP bình quân đầu người là 2.670-2.760 USD/năm; năng suất lao động xã hội tăng từ 9-10%; cơ cấu kinh tế: dịch vụ từ 46-47%, công nghiệp – xây dựng từ 34-35%, nông nghiệp từ 10-10,5%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm từ 8-8,5%; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10%; phấn đấu thu ngân sách trên địa bàn tăng 12% so với thực hiện năm 2022….
Đánh giá đúng thực trạng, tìm giải pháp phù hợp
Khẳng định tầm quan trọng của hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề nghị các đại biểu bám sát các báo cáo, tờ trình của Ban Thường vụ và tình hình thực tiễn của các ngành, địa phương, đơn vị để đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế - xã hội năm 2022. Xác định những kết quả đạt được để tạo niềm tin và động lực cho sự phát triển năm 2023; phân tích sâu hơn những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém để quyết tâm khắc phục. Đặc biệt, chú trọng các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung hoàn thành và hoàn thành dứt điểm trong năm 2023 để tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ đề nghị Tỉnh ủy nghiên cứu, thảo luận
cho ý kiến phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương
Ngoài cho ý kiến về hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong các nội dung thảo luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cũng lưu ý các đại đánh giá bổ sung đúng thực trạng tình hình và nguyên nhân chủ quan của hạn chế và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản, quan trọng và cấp bách nhằm bổ sung hoàn thiện Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030.
Về sửa đổi, bổ sung chính sách thí điểm hỗ trợ cho các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây, Tờ trình của Ban Thường vụ nêu rõ sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung chính sách và các nội dung cần sửa đổi, bổ sung chủ yếu. Do vậy hội nghị nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để thống nhất chủ trương, giao Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ, trình HĐND tỉnh tại kỳ họp sắp đến.
Đối với phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương. Để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tại hội nghị này, Ban Thường vụ đề nghị Tỉnh ủy nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến về phương án thành lập các đơn vị hành chính; về tên gọi của Thành phố trực thuộc Trung ương và tên gọi của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; về tiến độ, lộ trình triển khai thực hiện Đề án để bảo đảm theo đúng quy trình, quy định….
Cũng trong buổi sáng, UVTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phạm Thị Minh Huệ trình bày tóm tắt Chương trình kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy năm 2023. Sau đó, hội nghị tiếp tục thảo luận tại tổ.
Hội nghị sẽ tiếp tục chương trình làm việc vào chiều nay.