MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó bão Noru
Ngày cập nhật 26/09/2022

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị các đơn vị có thể tạm dừng hoãn các cuộc họp không thực sự cần thiết để tập trung cao độ trong công tác chuẩn bị ứng phó bão Noru.

Chiều 25/9/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum để chỉ đạo ứng phó với bão gần biển Đông (bão Noru).

Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Đức Luận - Phó Tổng cục trưởng - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết bão được dự báo rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, có thể gây mưa rất lớn, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Hiện các địa phương đã tổ chức kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn cho 57.840 tàu với hơn 300.000 lao động. Đặc biệt, trong 24h tới (theo hệ thống giám sát tàu cá), cần phải kêu gọi 127 tàu trong vùng nguy hiểm (Bình Định 100 tàu, Quảng Ngãi 24 tàu, Quảng Nam 1, Phú Yên 2). Về tình hình nuôi trồng thủy sản, các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có 16.661ha. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận rà soát phương án sơ tán dân với tổng số 213.914 hộ/868.230 người, trong đó các tỉnh từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 93.312 hộ/368.878 người tùy theo diễn biến của bão.


Ông Phạm Đức Luận, Phó tổng cục trưởng - Phó Chánh Văn phòng BCĐ báo cáo tại cuộc họp

Đối với công tác phòng, chống bão Noru, theo báo cáo của các địa phương như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng,..., đến nay đã liên lạc và kêu gọi toàn bộ các tàu thuyền và người lao động trên biển vào bờ hoặc vào nơi tránh trú an toàn. Tình hình hồ chứa nước, vẫn đang được vận hành đảm bảo an toàn. Những tàu tàu thuyền vẫn đang hoạt động trên biển, các địa phương đã liên lạc để các tàu thuyền lưu ý đường đi của bão để có cách phòng, chống hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, các địa phương tập trung vào kiểm tra các hồ, đập, các điểm xung yếu để có các biện pháp phòng, chống hiệu quả nhất khi bão đổ bộ vào đất liền.

Lực lượng Bộ đội biên phòng đã đang phối hợp với các bộ ban ngành, địa phương lên phương án sơ tán người dân ở khu vực xung yếu, huy động các lực lượng, phương tiện...tập trung hỗ trợ người dân thu hoạch hoa màu, gia cố các công trình và chuẩn bị các phương án ứng phó với bão...


Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai phát biểu chỉ đạo cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, bão Noru đang ở ngay vùng biển phía Đông Philippines với cường độ đạt cấp 15, giật trên cấp 17, là cơn bão rất mạnh. Các trung tâm dự báo bão của Hoa Kỳ, Hồng Kông, Trung Quốc đánh giá bão Noru ở cấp siêu bão (cấp 16 trở lên).

"Đây là một cơn bão rất mạnh với tâm bão rất sắc nét, khí áp giảm rất thấp, cấu trúc bão đồng nhất từ mặt đất lên đến độ cao 15-17km. Đặc biệt có tốc độ di chuyển nhanh, nhiệt độ bề mặt nước biển dọc đường đi của bão cao, các điều kiện khí quyển thuận lợi cho quá trình mạnh lên của bão. Do vùng biển giữa Biển Đông thoáng, không có dấu hiệu của không khí lạnh hay các hệ thống thời tiết khác ảnh đến cường độ bão nên bão sẽ di chuyển chủ yếu hướng Tây, dọc quanh vĩ độ 14-16 độ Vĩ Bắc; tốc độ từ 20-30km/h. Khoảng đêm 25/9 bão Noru vào Biển Đông, đến khoảng từ chiều và đêm 27/9 bão ảnh hưởng trực tiếp nước ta", ông Trần Hồng Thái nhận định.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phân tích, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, siêu bão Noru có cường độ rất mạnh, cấp độ rủi ro thiên tai đạt cấp cao nhất là cấp 4. Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề xuất Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương nhằm ứng phó với bão Noru, có thể bắt đầu hoạt động từ tối 26/9.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai sớm hoàn tất hồ sơ, xây dựng kế hoạch của Ban Chỉ đạo tiền phương trong ngày hôm nay (25/9) để trình Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu kết luận cuộc họp ứng phó với cơn bão Noru gần Biển Đông chiều 25/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai nhấn mạnh, các địa phương, các bộ ngành cần xác định đây là cơn bão có cường độ rất lớn, tốc độ di chuyển nhanh và có khả năng gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

"Do đó các bộ ngành, các địa phương cần chủ động tổ chức thực hiện di tản dân, kêu gọi tàu thuyền về nơi an toàn với tinh thần tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác. Chính phủ cũng sẽ có công điện đánh giá tình hình và đưa ra các nhiệm vụ cụ thể tới các địa phương và các bộ ban ngành", Phó Thủ tướng lưu ý.

Nhấn mạnh công tác dự báo là cực kỳ quan trọng, Phó Thủ tướng đề nghị Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tham khảo rộng rãi các cơ quan dự báo của quốc tế để có những đánh giá, thông tin về bão Noru càng chính xác, càng kịp thời càng tốt.

"Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các địa phương và các bộ ban ngành có thể tạm dừng hoãn các cuộc họp không thực sự cần thiết để tập trung cao độ trong công tác chuẩn bị ứng phó bão Noru", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh và cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng sẽ thành lập các đoàn công tác để tăng cường kiểm tra thực tế và phối hợp chặt chẽ với các địa phương ứng phó bão.

Bên cạnh đó, Lãnh đạo Chính phủ cho rằng các địa phương cần thống nhất phương án cấm biển từ sáng ngày 26/9. Đồng thời, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải cần phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm soát để vừa đưa tàu thuyền còn trên biển về nơi tránh trú, vừa đảm bảo an toàn cho người dân, tránh để xảy ra tình trạng tàu về nơi tránh trú vẫn bị ảnh hưởng.

Các địa phương cũng cần khảo sát, có phương án sớm sơ tán người dân đang ở những ngôi nhà cấp 3, cấp 4 tại những khu vực mất an toàn, có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó cần thông báo những khu vực nguy hiểm cho người dân biết và nắm bắt.

Hiện đang đến thời điểm thu hoạch rau màu, nông sản, do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương chú trọng đảm bảo sản xuất, sớm thu hoạch rau màu, thủy sản, giảm thiệt hại cho người nông dân.

Các tỉnh/thành cần thành lập các Ban Chỉ đạo và đoàn công tác tại từng địa phương từ tỉnh, thành phố đến các huyện, các xã để chuẩn bị cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm trong trường hợp bị chia cắt theo phương châm “4 tại chỗ”, không được để bà con phải chịu đói rét.

Nhận định đây là một siêu bão nên công tác đảm bảo thông tin, truyền thông thông suốt từ Trung ương xuống các địa phương rất quan trọng, Phó Thủ tướng đề nghị tăng thêm thời lượng, mật độ các bản tin dự báo, các cuộc họp để đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác nhất với tình hình thực tế.

BCĐ Quốc gia Phòng chống thiên tai

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.413.630
Truy cập hiện tại 73