MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ PHAN ĐĂNG LƯU (5/5/1902 - 5/5/2022) Lãnh đạo đấu tranh báo chí công khai ở Huế
Ngày cập nhật 05/05/2022

Những năm 1936 - 1939, Đảng lãnh đạo Nhân dân đấu tranh đòi những quyền tự do, dân sinh, dân chủ. Ở Huế, đồng chí Phan Đăng Lưu nổi lên như một ngôi sao sáng trên diễn đàn báo chí công khai. Đây cũng là những năm tháng hoạt động sôi nổi, rực rỡ trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Phan Đăng Lưu.

Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902 ở thôn Đông, xã Hòa Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) trong một gia đình nhà nho yêu nước. Được kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình và quê hương, đồng chí đã sớm nuôi chí lớn cứu nước, cứu dân và dấn thân trên con đường đấu tranh cách mạng.

Sôi nổi trên mặt trận báo chí

Giữa năm 1936, được trả tự do sau gần 7 năm bị giam cầm ở nhà ngục Ban Mê Thuột nhưng tiếp tục bị quản thúc ở Huế, đồng chí Phan Đăng Lưu cùng với các đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn, Bùi San, Tôn Quang Phiệt, củng cố cơ sở Đảng ở Trung kỳ.

Đầu năm 1937, sau khi được bầu Ủy viên Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí Phan Đăng Lưu được phân công chỉ đạo phong trào đấu tranh công khai ở Huế. Cùng với các nhà báo cộng sản: Hải Triều, Hải Thanh, Lâm Mộng Quang, Nguyễn Sơn Trà, Phạm Bá Nguyên, Hồ Cát, Nguyễn Cửu Thạnh... đồng chí Phan Đăng Lưu chủ trương họp Hội nghị báo giới Trung kỳ để tiến tới thành lập Mặt trận báo chí dân chủ, đấu tranh cho tự do báo chí. Ngày 27/3/1937, Hội nghị báo giới Trung kỳ họp tại Huế với sự tham gia của 37 nhà báo và 33 đại biểu quần chúng. Giới báo chí Bắc kỳ và Nam kỳ cũng cử đại biểu tham dự, tỏ rõ ý chí đoàn kết, thống nhất ủng hộ Hội nghị.

Xứ ủy Trung kỳ cần có một tờ báo công khai để phát động, định hướng quần chúng. Đồng chí Phan Đăng Lưu mua lại tờ Sông Hương (của ông Phan Khôi) và đổi tên thành Sông Hương tục bản, do ông làm Tổng biên tập. Sông Hương tục bản ra được 14 số, từ ngày 15/ 6/1937 đến ngày 14/10/1937. Những bài chính luận của đồng chí Phan Đăng Lưu kịp thời chuyển tải quan điểm của Đảng về những sự kiện thời sự, những vấn đề xã hội và thời cuộc: Cuộc chiến ở Tây Ban Nha, cuộc xâm lược của phát xít Nhật ở Trung Quốc, vấn đề phòng thủ Đông Dương…

Trên Sông Hương tục bản, đồng chí có những bài nổi bật như: Nội chiến Tây Ban Nha bao giờ mới dứt? (Số 1 ngày 19/6/1937), Ba ông vua (Số 1, 2, 3 các ngày 19, 26/6; 3/7/1937), Cuộc xung đột giữa Tàu và Nhật sẽ đi đến đâu? (Số 7 ngày 19/8/1937).

Mục “chiếu điện” độc đáo của Phan Đăng Lưu trên tờ Sông Hương tục bản (ký bút danh Nghị Toét) nhằm trực diện vào những ứng cử viên phái hữu trong cuộc bầu cử Viện Dân biểu Trung kỳ đã gây ra những tiếng cười hả hê trong quần chúng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử báo chí Đông Dương có những bài đả kích đích danh những nhân vật chính trị phản động.

Phan Đăng Lưu đã “chiếu điện” tới hàng chục nhân vật. Những kẻ bị “chiếu điện” hầu hết bị loại khỏi kết quả bầu cử. Ngoài những bài chính luận và bình luận quốc tế, đồng chí Phan Đăng Lưu còn viết nhiều tiểu phẩm sắc sảo, dí dỏm nhưng mang tính chính trị và tính chiến đấu sâu sắc. Trên các tờ Sông Hương tục bản, Dân, Dân tiến, Dân muốn đã thống kê được 38 tiểu phẩm của Phan Đăng Lưu dưới những mục Góp… nhặt; Góp… nhặt… chuyện tầm phào; Nửa chơi… nửa thật, Câu chuyện hàng tuần, Cà kê dê ngỗng [i]…

Ngày 14/10/1937, Sông Hương tục bản bị chính quyền thực dân cấm, Phan Đăng Lưu tìm cách khẩn trương ra một tờ báo khác. Báo Dân kế tục sự nghiệp của Sông Hương tục bản vẫn là tờ báo của Xứ ủy Trung kỳ do đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo.

Các bài xã luận, bình luận chính trị chủ yếu vẫn do Phan Đăng Lưu viết. Mạch bình luận chính trị được đồng chí tiếp tục trên báo Dân rồi sau đó là Dân muốn với những bài: Ai là kẻ muốn phá hoại hòa bình? (Số 1 ngày 6/7/1938), Chánh sách bất can thiệp ở Tây Ban Nha. Ai chủ động? (Số 2 và 3 ngày 13, 22/7/1938), Phản đối chiến tranh ủng hộ hòa bình (Số 6 ngày 12/8/1938), Không nên dùng chánh sách khủng bố trong thời hiện tại (Số 1 ngày 5/1/1939)...

Chính quyền thực dân cũng biết rõ Dân chỉ là sự tiếp nối của Sông Hương tục bản. Lấy cớ Dân “đưa tin sai” về nguy cơ xâm lược Đông Dương của Nhật Bản, “làm náo động nhân tâm”, ngày 7/10/1938, toàn quyền Brevie ký quyết định thu hồi giấy phép của Dân sau khi báo ra được 17 số. Khi ở Huế không còn điều kiện làm báo công khai, đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn tiếp tục lập ra những tờ báo mới. Đó là các tờ Dân tiến, Dân muốn, biên tập ở Trung kỳ nhưng in và phát hành ở Sài Gòn cho đến khi số cuối cùng bị cấm ngày 5/1/1939.

Tấm gương kiên trung bất khuất

Sau khi ra Bắc góp sức tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng và dự Hội nghị Trung ương lần thứ 7, về tới Sài Gòn, đồng chí Phan Đăng Lưu bị mật thám bắt trong chiều tối ngày 22/11/1940, chưa kịp truyền đạt chỉ thị hoãn khởi nghĩa của Trung ương trước khi cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ trong đêm ngày 22 rạng sáng ngày  23/11/1940.

Trong ngục tù đế quốc, trước các thủ đoạn tra tấn và mua chuộc, đồng chí nêu cao khí tiết của người cộng sản, bảo vệ bí mật của Đảng. Ngày 3/3/1941, đồng chí Phan Đăng Lưu bị tòa án thực dân kết án tử hình. Trong “xà lim án chém” đồng chí vẫn lạc quan động viên các bạn tù và nêu cao lòng tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.

Ngày 26/8/1941, đồng chí Phan Đăng Lưu bất khuất hy sinh tại trường bắn Ngã Ba Giồng (nay thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều cán bộ, quần chúng cách mạng tham gia Khởi nghĩa Nam kỳ.

Đồng chí Phan Đăng Lưu đã để lại tấm gương sáng về tài năng và phẩm chất của một nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc và kiên cường. Giai đoạn đấu tranh công khai ở Huế, đồng chí là người lãnh đạo, tổ chức, cũng là một nhà báo, nhà văn và nhà lý luận xuất sắc của Đảng. 

 Ngô Vương Anh

https://baothuathienhue.vn/lanh-dao-dau-tranh-bao-chi-cong-khai-o-hue-a112661.html

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.662.683
Truy cập hiện tại 725