MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Trường Chinh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất, người đặt nền móng cho sự nghiệp đổi mới
Ngày cập nhật 09/02/2022

81 tuổi đời, 63 năm hoạt động cách mạng liên tục, Tổng Bí thư Trường Chinh đã cống hiến suốt cuộc đời một cách bền bỉ, kiên trung, sáng suốt cho cách mạng. Tên tuổi cũng như sự nghiệp của đồng chí gắn liền với những thắng lợi lớn lao, vẻ vang của cách mạng Việt Nam, đặc biệt vào các thời điểm có tính chất bước ngoặt, khúc quanh lớn của lịch sử.

Nhà lãnh đạo kiệt xuất

Tổng Bí thư Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9/2/1907, trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Với 81 năm tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng liên tục (1925-1988), đồng chí được phân công giữ nhiều trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước như: Quyền Tổng Bí thư, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam… Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII.

Đồng chí là một trong những người đầu tiên gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Năm 1930, đồng chí được chỉ định vào Ban tuyên truyền cổ động Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, bị bắt và bị kết án 12 năm tù đày đi Sơn La. Cuối năm 1936, đồng chí được thả tự do và tham gia Xứ ủy Bắc kỳ.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (năm 1941), đồng chí được cử làm Tổng Bí thư Đảng, đồng thời kiêm chủ bút các báo và tạp chí cách mạng. Đồng chí cũng là một trong những người có nhiều đóng góp quan trọng vào việc hoàn thiện quan điểm, chủ trương giành chính quyền trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được cử và giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước như: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí Thư, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dù ở cương vị nào, đồng chí luôn thể hiện rõ là một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo chiến lược tầm vóc, một nhà tổ chức xuất chúng và nhà lý luận cách mạng kiệt xuất.

Vào những năm 80 của thế kỷ XX, kinh tế khủng hoảng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; hậu quả của chiến tranh; những dấu hiệu của biến động chính trị phức tạp trên thế giới, đã có những người tưởng như nước ta sẽ trượt theo sự sụp đổ chế độ theo dây chuyền của các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô, Đông Âu. Ở cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Trường Chinh đã thể hiện rõ vai trò của một lãnh tụ chính trị có đủ bản lĩnh, phẩm chất và tài năng trong định hướng, tổ chức, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn và giành thắng lợi.

Đồng chí Trường Chinh còn là một nhà văn hóa lớn của dân tộc, nhà văn hóa cách mạng; đồng thời là một nhà lý luận xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam. Trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng, đồng chí đã làm sáng tỏ những vấn đề lý luận căn bản nhất của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Trong những chặng đường cụ thể, đồng chí luôn phân tích, đánh giá đúng hoàn cảnh và yêu cầu của thực tiễn lịch sử, từ đó xác định được các nhiệm vụ cách mạng hợp quy luật, hợp lòng dân. Đồng chí là tấm gương đạo đức cách mạng tận trung với nước, tận hiếu với dân, gần gũi đồng chí, đồng bào. Trong mọi hoạt động công tác, đồng chí luôn nêu cao tinh thần tập trung dân chủ, minh bạch, công tâm, cẩn trọng, sắc sảo trong tư duy, nghiêm túc trong hành động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…

Người đặt nền móng cho sự nghiệp đổi mới


Tổng Bí thư Trường Chinh thăm hỏi các cụ già xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Sơn Bình,
ngày 3/2/1984 (nay thuộc huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội). Ảnh: Kim Hùng/TTXVN

Trong thời kỳ cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội và bước vào đổi mới toàn diện, đồng chí Trường Chinh với tư duy lý luận sắc bén và kinh nghiệm thực tiễn sống động đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn vượt khỏi những quan niệm và nếp nghĩ quen thuộc cũ, chủ động đề xuất với Bộ Chính trị thảo luận, xem xét việc thực hiện công cuộc đổi mới với những nội dung toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, góp phần mở ra bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam…

Thời kỳ trước đổi mới, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra ngày càng trầm trọng, sản xuất trì trệ, lạm phát phi mã, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng bị giảm sút.

Trong bối cảnh đó, đồng chí trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước trăn trở, suy nghĩ tìm cách đưa đất nước thoát khỏi tình thế khó khăn và tìm ra cái mới đúng đắn để thay thế cái cũ trên cơ sở lý luận, thực tiễn, dựa vào sự sáng tạo của nhân dân và nhất là phải thuận lòng dân.

Với tư tưởng “đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”, tháng 11/1982, đồng chí quyết định hai việc đặt nền móng cơ bản cho sự hình thành tư duy đổi mới sau này. Một là, thành lập nhóm các nhà khoa học để nghiên cứu lý luận, gồm cả việc phân tích khách quan cuộc khủng hoảng kéo dài và suy nghĩ, xem xét phải bắt đầu từ đâu, làm thế nào để “thoát ra”. Hai là, tổ chức đi thực tế ở các địa phương trên cả ba miền đất nước, tìm ra những bài học thành công và thất bại của cơ sở, phát hiện những yêu cầu và sáng tạo trong nhân dân cả nước, để trên cơ sở đó đổi mới cách nghĩ, cách làm trong xây dựng và phát triển đất nước. Hàng loạt chuyến đi từ 1983 đến 1985 đã giúp đồng chí nhìn rõ sự thật.

Và đây chính là căn cứ thực tế sinh động, có sức thuyết phục, khắc họa tư duy đổi mới của đồng chí Trường Chinh, thể hiện qua các bài phát biểu của đồng chí tại các Hội nghị Trung ương 6, 7, 8 và 9 đã gây tiếng vang trong cả nước.

Với tư duy lý luận sắc sảo và nhạy bén, với kinh nghiệm thực tiễn sống động của cơ sở và các địa phương, đồng chí đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn thoát ra khỏi những quan niệm và nếp nghĩ cũ quen thuộc, chủ động đề xuất với Bộ Chính trị thảo luận, xem xét lại một số vấn đề trong đường lối kinh tế của Đảng. Đó là, phải bãi bỏ nền kinh tế hiện tại, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, phải có cơ chế tự hoạch toán, tự chủ tài chính, phải bắt đầu áp dụng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần có sự quản lý của nhà nước.

Với lập trường, nguyên tắc, thái độ kiên trì và nhẫn nại, từ Hội nghị lần thứ 6, 7, 8 Ban Chấp hành Trung ương và đến Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí đều kiên quyết đề nghị Đảng bãi bỏ mô hình kinh tế hiện vật và cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp. Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 8, khoá V (tháng 6/1985), đồng chí khẳng định: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương sẽ chấm dứt thời kỳ điều khiển nền kinh tế bằng những mệnh lệnh hành chính, biểu hiện đặc trưng của cách quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang thời kỳ điều khiển nền kinh tế trên cơ sở vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan, thông qua kế hoạch hóa gắn với hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

Những ý kiến đúng đắn và kiên định của đồng chí đã góp phần quan trọng giúp cho Đảng giữ vững được định hướng đổi mới kinh tế đúng đắn và tránh được bước quanh co dao động quay trở lại con đường quan liêu, bao cấp.

Tại hội nghị đặc biệt Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 14/7/1986, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn mới qua đời. Trên cương vị người đứng đầu Đảng, đồng chí đã chỉ đạo chuyển hướng và thấu suốt tư duy đổi mới trong toàn Đảng và trực tiếp chỉ đạo quá trình chuẩn bị Đại hội lần thứ VI.

Tổng Bí thư Trường Chinh cho rằng phải đổi mới trên nhiều mặt: “Đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ”, đổi mới “phải được thể hiện trong nội dung các văn kiện của Đảng, trước hết là trong Báo cáo chính trị và trong phương hướng bố trí nhân sự của Trung ương, của các cấp ủy Đảng tại đại hội các cấp và Đại hội toàn quốc lần này".

Chỉ đạo chuẩn bị Văn kiện Đại hội lần thứ VI, đồng chí nêu 3 bài học kinh nghiệm quan trọng: một là, “sức mạnh của một nước, của cách mạng chính là ở nhân dân”. Từ tiền đề này, đồng chí cho rằng, để thực sự phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, phải tin tưởng ở nhân dân, mọi chủ trương, chính sách đều phải lấy dân làm gốc. Hai là, trong công tác lãnh đạo, “phải tôn trọng quy luật khách quan, vận dụng nó vào thực tế”. Ba là, phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.
Báo cáo chính trị do đồng chí thay mặt Ban Chấp hành Trung ương trình bày trước Đại hội VI đã được toàn Đảng, toàn dân đón nhận, tìm thấy ở đó con đường sáng giải phóng sức sản xuất, khai thác và phát huy mọi tiềm năng to lớn của nhân dân, đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội và phát triển đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa.


Tổng Bí thư Trường Chinh thăm bộ đội trên chốt tiền tiêu ở tỉnh Lạng Sơn (1984). Ảnh: Ngọc Đào/TTXVN

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), “đồng chí Trường Chinh chính là người đặt nền móng cho công cuộc đổi mới. Đồng chí đã cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta hình thành tư duy đổi mới và xác lập đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội lần thứ VI của Đảng”.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh thêm, với tinh thần luôn đề cao trách nhiệm trước Đảng, trước dân và sự phát triển của đất nước, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nêu cao khẩu hiệu “đổi mới hay là chết”, đổi mới là mệnh lệnh của cuộc sống. Nếu không đổi mới sẽ không đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế, không khắc phục được những khó khăn, thách thức nặng nề của đất nước lúc đó. Nhưng quan trọng nhất là đổi mới được tư duy, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và quá độ lên chủ nghĩa xã hội thế nào cho đúng đắn với lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với thực tiễn của đất nước, khắc phục bệnh duy ý chí, nóng vội, chủ quan để đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển từ năm 1986 đến nay.

Sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đi qua chặng đường 35 năm. Đây là một chặng đường đáng ghi nhớ trong những mốc son lịch sử vinh quang của Đảng và dân tộc. Làm nên sự nghiệp đổi mới là công lao của toàn Đảng, toàn dân và không thể nhắc tới người đặt nền móng của công cuộc đổi mới là Tổng Bí thư Trường Chinh.

Phương Dung (TTXVN)

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.666.258
Truy cập hiện tại 1.267