MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Ngày cập nhật 01/12/2021

Sáng 24-11, tại phòng họp Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội (Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.

Dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, đại diện lãnh đạo các Hội chuyên ngành văn học nghệ thuật Trung ương, các nhà khoa học, nhà văn hóa, tri thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu trong cả nước.

75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24-11-1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có một ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này có nhiệm vụ đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phát huy bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam

Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày Báo cáo tóm tắt về việc "Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng".

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa (ảnh trên) cho biết, kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, ngay từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định 3 mặt trận quan trọng của cách mạng nước ta là chính trị, kinh tế và văn hóa. Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam (bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật) do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới; khẳng định 3 nguyên tắc vận động quần chúng xây dựng văn hóa là "Dân tộc hóa"; "Đại chúng hóa"; "Khoa học hóa". Tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam được xác định là "dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung".

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong đó có 2 nhiệm vụ cấp bách thuộc về văn hóa: Một là, cùng với diệt giặc đói phải diệt giặc dốt. Hai là, phải giáo dục tinh thần cho nhân dân.

Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao.

Cùng với đó, việc xây dựng môi trường văn hóa đạt được một số kết quả tích cực, đặc biệt việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay.

"Mặc dù đạt được rất nhiều kết quả quan trọng, nhưng qua 35 năm đổi mới, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thật sự thấm sâu trong các tầng lớp xã hội. Những năm qua (khi chưa có đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam), kinh tế liên tục tăng trưởng cao, đời sống vật chất nâng lên nhưng đời sống văn hóa tinh thần chưa phát triển tương xứng, một số mặt yếu kém, tiêu cực chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí gia tăng" - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ.

9 giải pháp trọng tâm

Về một số định hướng và giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới, báo cáo nhấn mạnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Đồng thời, xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Từ đó, báo cáo nêu bật 9 nhóm giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững đất nước; xác định phát triển văn hoá và xây dựng con người là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hoá và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, vùng và địa phương, từng cơ quan, đơn vị. Phát huy năng lực, trách nhiệm người đứng đầu trong việc phát triển văn hoá, xây dựng con người. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức, vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trước yêu cầu mới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng, xử lý đối với hoạt động lãnh đạo, quản lý văn hóa; nhất là trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hoá, xây dựng con người.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng. Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, nhân sinh quan tiến bộ, nhân văn, hướng tới chân - thiện - mỹ. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, lối sống của con người. Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển đi đôi với giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Khơi dậy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, đồng thời đấu tranh phê phán, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, lạc hậu, mê tín, dị đoan.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hoá theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nhân văn, hiện đại. Nâng cao chất lượng công tác dư luận xã hội và đánh giá sự hài lòng của người dân, chủ động dự báo tình hình, kịp thời xử lý thông tin, định hướng dư luận xã hội. Tiếp tục thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển, quản lý báo chí xuất bản; tăng cường định hướng và đề cao sứ mệnh, trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí, các trang tin điện tử; tăng cường định hướng thông tin tuyên truyền, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng internet, mạng xã hội để xuyên tạc sự thật lịch sử, văn hóa dân tộc.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt, đặc thù. Xây dựng chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ văn hoá, văn nghệ, khoa học phù hợp, có trình độ chuyên môn cao, năng lực, phẩm chất bảo đảm ở tất cả các cấp.

Thứ năm, xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội, văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ sáu, phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước.  Xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài. Tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam trở thành các sự kiện thường niên, có uy tín khu vực và thế giới.

Thứ bảy, xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân. Tạo mọi điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, phản ánh sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.

Thứ tám, tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Tăng đầu tư của Nhà nước cho văn hoá gắn với việc sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư của Nhà nước; Đẩy mạnh xã hội hóa đúng hướng nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Thứ chín, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hoá, xây dựng Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu văn hoá quốc tế, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú thêm văn hóa Việt Nam.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận về những vấn đề như động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay; Hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Để văn hóa, văn nghệ "soi đường cho quốc dân đi"; Xây dựng môi trường văn hóa: Nhiệm vụ quan trọng để phát triển văn hóa con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Vấn đề nguồn nhân lực và đa dạng hoạt động ở các thiết chế văn hóa xã; Phát huy giá trị của các di sản văn hóa để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp; Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; Phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới và xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới, từ Nghị quyết Đại hội XIII đến hành động….

Văn hóa còn thì dân tộc còn

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ "vinh dự và hào hứng đến dự Hội nghị", vì vị trí quan trọng của văn hóa và vì đây là Hội nghị được tổ chức dịp kỷ niệm 76 năm ngày diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946. Nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "văn hóa soi đường cho quốc dân đi", Tổng Bí thư chia sẻ thêm "tôi nhớ trước đây, một vị tiền bối từng nói văn hóa là bản sắc của một dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất".


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, văn hóa hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp đều nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, tiến bộ. "Người ta thường nói một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa... Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền văn hóa đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Tuy nhiên, văn hoá chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hoá trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. "Thiếu những tác phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hoá vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực...", Tổng Bí thư nói.

Phát triển văn hoá là một trong những vấn đề trọng tâm, nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII. Lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội, Đảng đề cập toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hoá, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Tổng Bí thư đề cập đến việc xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: "Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo". Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh "chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức".

 

Để chấn hưng và phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam theo phương hướng nói trên, trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ đạo cần tập trung thực hiện một cách quyết liệt và có hiệu quả một số giải pháp:

Trước hết là, tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hoá để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng… Trong công tác quản lý nhà nước, cần sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hoá đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hoá, xây dựng con người. Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý văn hoá từ Trung ương đến cơ sở.

Hai là, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hoá tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hoá Việt Nam trong giai đoạn mới; sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tuỳ tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hoá, ở cả Trung ương và địa phương…

Ba là, quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hoá của thời đại. Phát triển "sức mạnh mềm" của văn hoá Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới.

Bốn là, chú trọng xây dựng văn hoá ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội. Xây dựng các quy tắc ứng xử văn minh trong các cơ quan công quyền, trong cộng đồng, nhất là trong không gian mạng, trong giới văn nghệ sĩ…

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực; chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "quét sạch chủ nghĩa cá nhân", nguồn gốc của mọi sự tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng ngay trong các ngành văn hoá, các cơ quan làm công tác văn hoá. Chú trọng thực hiện quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 các khoá XI, XII và đặc biệt là các Kết luận, Quyết định của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII của Đảng mới đây về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn, sau Hội nghị này, công tác văn hoá của chúng ta sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới. 

Cùng ngày, các đảng viên của Đảng bộ Khối Các cơ quan Trung ương, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương và Đảng bộ cơ quan Ban Tổ chức Trung ương tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc bằng hình thức trực tuyến.

Thảo Nguyên

http://www.xaydungdang.org.vn/Home/thoisu/2021/16140/Hoi-nghi-Van-hoa-toan-quoc-trien-khai-thuc-hien-Nghi-quyet.aspx

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.667.719
Truy cập hiện tại 1.517