MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Sự chuẩn bị hoàn hảo cho cao trào Tổng khởi nghĩa ở Huế
Ngày cập nhật 23/08/2021

Được tiến hành từ ngày 23 đến 25/5/1945, Hội nghị đầm Cầu Hai đánh dấu bước chuyển quan trọng của tiến trình cách mạng tại Thừa Thiên Huế. Chiến lược, sách lược do hội nghị vạch ra trong Cách mạng tháng Tám đã được thực tiễn chứng minh là hoàn toàn kịp thời và đúng đắn.

Phát động khởi nghĩa toàn dân khi thời cơ đến

Cùng với phong trào cách mạng sục sôi trên cả nước, cuối tháng 4 đầu tháng 5/1945, ở Thừa Thiên Huế, các phong trào chuẩn bị tổng khởi nghĩa phát triển khá đồng đều và rộng khắp. Trước tình hình thuận lợi ấy, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo chặt chẽ, thống nhất trong toàn tỉnh.

Lúc này, cơ quan Tỉnh ủy Lâm thời sau khi tái lập (1942) đang đóng tại nhà đồng chí Lê Minh ở làng Nghi Giang (nay là xã Giang Hải – Phú Lộc). Để chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng bàn kế hoạch và biện pháp tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến theo chỉ thị của Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng các đồng chí trong Tỉnh ủy đã chọn đầm Cầu Hai để tổ chức hội nghị quan trọng này.

Đầm Cầu Hai là đầm nước lợ nối với phá Tam Giang, thông ra Biển Đông qua cửa Tư Hiền, nơi có thủy diện khá rộng, bề dài Bắc - Nam khoảng 20km, bề rộng từ 5 – 7 km (nối giữa khu I với khu III của huyện Phú Lộc) giữa mênh mông mây nước và chằng chịt trộ sáo của cư dân làng chài; đã thật sự như một trận đồ, đảm bảo tính an toàn cho Hội nghị.

Để tổ chức Hội nghị, Chi bộ xã Vinh Giang (Phú Lộc) được giao nhiệm vụ huy động đò, ghe tham gia bảo vệ. Đặc biệt, hội trường cho Hội nghị có 28 đại biểu lãnh đạo cấp tỉnh, các huyện về dự được một gia đình vạn chài kết từ 2 chiếc đò.

Hội nghị được tiến hành từ ngày 23 đến 25/5/1945 trong bối cảnh cuộc chiến tranh Thế giới thứ II đang đi vào giai đoạn kết thúc. Trong nước, lực lượng kháng chiến Việt Minh trên toàn quốc do Đảng lãnh đạo đang hừng hực khí thế. Tại Thừa Thiên Huế, sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), tình hình chính trị rất phức tạp. Ở đây có sự hiện diện của 4.500 quân Nhật cùng Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim được dựng lên; các tổ chức phản cách mạng thân Nhật xuất hiện ngày càng nhiều (Ðại Việt Quốc gia liên minh, Ðại Việt Duy tân, Quốc Dân Ðảng...)

Cùng lúc, lại xuất hiện một tổ chức yêu nước tự phát với tên gọi “Việt Minh Thuận Hóa” đứng ngoài tổ chức của Đảng cần phải được vận động, thuyết phục để thống nhất, sáp nhập.

Thời gian này, lực lượng Việt Minh ở Thừa Thiên Huế bị quân Nhật đàn áp dã man, các cán bộ chủ chốt của Đảng phải rút vào hoạt động bí mật ở vùng nông thôn và rừng núi.

Trước tình hình đó, Hội nghị đầm Cầu Hai tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá tình hình thế giới, cách mạng trong nước và đặc biệt chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn của phong trào cách mạng trong tỉnh, của các huyện và thành phố Huế.

Sau ba ngày làm việc khẩn trương, Hội nghị đi đến quyết định: Phát động khởi nghĩa toàn dân khi thời cơ đến; xác định rõ đối tượng cách mạng, tập trung chuẩn bị lực lượng, xây dựng và củng cố tổ chức; phân công trách nhiệm cho từng đảng viên, cán bộ chủ chốt; cử Ban chấp hành và Ban Thường vụ lãnh đạo khởi nghĩa...

Chớp thời cơ, giành thắng lợi trọn vẹn

Sau gần 3 tháng chuẩn bị và triển khai thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy mở rộng tại đầm Cầu Hai, đến giữa tháng 8/1945, thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền thật sự chín muồi.

Tối 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh, bộ máy cai trị của Nhật ở Huế lung lay và hỗn loạn; các tầng lớp nhân dân đã ngả về phía cách mạng, đặc biệt là lực lượng Bảo an, cùng đội ngũ thanh niên, trí thức của Trường Võ bị Thanh niên tiền tuyến Huế (lực lượng quân sự tinh nhuệ của chính phủ Trần Trọng Kim) đã đồng lòng cùng với Việt Minh...

Chớp lấy thời cơ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Việt Minh cùng với Nhân dân Thừa Thiên Huế vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Huyện Phú Lộc được chọn làm điểm khởi đầu trong Tổng khởi nghĩa và nhanh chóng thành công, tạo đà cho nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh nổi dậy với khí thế hào hùng,  bao vây, uy hiếp bộ máy chính quyền đế quốc – phong kiến ở thành phố Huế.

Thời gian này, Ủy ban khởi nghĩa và Chính quyền Lâm thời Thừa Thiên Huế được thành lập, quyết định chọn ngày 23/8 làm ngày khởi nghĩa ở thành phố Huế, bởi đây là ngày mà Chính phủ Trần Trọng Kim sẽ tổ chức mittinh tại sân vận động Huế để chào đón Nhật trao trả Nam Kỳ cho Triều đình Huế.

Nhân cơ hội đó, Việt Minh cùng với đồng bào trong tỉnh nổi dậy cướp diễn đàn, buộc Chính phủ bù nhìn thân Nhật và Nam triều Bảo Đại trao trả chính quyền cho Nhân dân và tuyên bố độc lập.

Ngay từ 12 giờ trưa ngày 23/8/1945, hàng vạn người dân Thừa Thiên Huế nô nức cờ xí, biểu ngữ rợp trời. Hoảng sợ trước khí thế sục sôi của Nhân dân Huế, tư lệnh quân Nhật đã tuyên bố đầu hàng và Hoàng đế Bảo Đại cũng cử người đại diện đến gặp Ủy ban khởi nghĩa để trao thư xin thoái vị, nhường quyền lãnh đạo cho Việt Minh.

Trước diễn biến vô cùng thuận lợi, vào lúc 15h chiều 23/8/1945, các đoàn biểu tình kéo về sân vận động Huế để cùng với Ủy ban khởi nghĩa tổ chức mittinh mừng thắng lợi. Tại đây, đồng chí Tố Hữu đọc diễn văn nêu rõ tầm vóc, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa và tuyên bố: Từ nay, chính quyền về tay Nhân dân; đồng thời giới thiệu Ủy ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời tỉnh Thừa Thiên Huế do ông Tôn Quang Phiệt làm chủ tịch.

Chiều 30/8/1945, lễ thoái vị của Bảo Ðại - vị vua của triều đại quân chủ cuối cùng được tổ chức tại cửa Ngọ Môn. Trước hàng vạn quần chúng đồng bào, các đảng phái, đoàn thể, Hoàng đế Bảo Ðại long trọng tuyên bố Chiếu thoái vị và trao cho đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa Quốc ấn bằng vàng và thanh gươm bằng vàng nạm ngọc tượng trưng cho quyền lực của chế độ quân chủ. Trên Kỳ đài Huế, cùng với bản nhạc hùng tráng “Tiến quân ca”, lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa trời Huế tự do, độc lập trong tiếng hô vang của người dân “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm”.

Thắng lợi của khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế thật sự trọn vẹn, chấm dứt gần 100 năm đô hộ của thực dân – đế quốc và hàng ngàn năm nền quân chủ phong kiến thống trị trên đất nước ta, đưa Nhân dân từ địa vị nô lệ lên làm chủ nước nhà, mở ra bước ngoặc trọng đại trong lịch sử Việt Nam: Thời đại Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.

Minh Đăng

https://baothuathienhue.vn/su-chuan-bi-hoan-hao-cho-cao-trao-tong-khoi-nghia-o-hue-a103612.html

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.668.346
Truy cập hiện tại 1.559