Nằm sâu trong con xóm nhỏ ở thôn Sơn Quả, xã Phong Sơn, căn nhà chật hẹp, xuống cấp nghiêm trọng là nơi sinh hoạt của 5 nhân khẩu trong một gia định chị Nguyễn Thị Lan. Trong ngôi nhà không có gì ngoài 1 chiếc giường ngủ và 1 bộ bàn học của các con chị. Hoàn cảnh của chị Lan một mình phải nuôi 4 người con, chị thì bệnh tật và không có công việc ổn định, hằng ngày mọi thành viên trong gia đình chỉ trông chờ vào những đồng tiền ít ỏi do chị làm ra bằng cách chằm nón.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Diệp (mẹ của chị Lan) cho biết, hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Lan hết sức khó khăn, những năm qua mẹ con chị Lan phải sống ngôi nhà chật hẹp, xuống cấp do bà Diệp cho mượn. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần khảo sát để hỗ trợ kinh phí xây dựng, nhưng gia đình vẫn không có kinh phí đối ứng để làm nhà nên đành phải chịu cảnh “nắng nóng, mưa dột”.
Khởi công xây dựng nhà cho người nghèo ở xã Phong Sơn
Ông Hoàng Công Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn thông tin, toàn xã Phong Sơn hiện còn 58 hộ nghèo và 69 hộ cận nghèo; số hộ có nhà ở tạm bợ khá nhiều. Trong những năm qua, bằng sự nổ lực phấn đấu của địa phương và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm của các mạnh thường quân và toàn xã hội đã giúp cho Phong Sơn xoá hơn 2/3 số nhà tạm cho hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn đến nay toàn xã còn lại 06 nhà. Về định hướng kế hoạch cho năm 2024, ông Thiện nhấn mạnh: “Địa phương luôn cố gắng lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước để có thể hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo của xã có thể thoát nghèo bền vững. Hiện nay, xã đang nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (hộ nghèo và hộ cận nghèo); nhiệm vụ đề ra là xóa hết nhà tạm cho hộ nghèo trong năm 2024”.
Những năm qua, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo luôn được xã Phong Chương thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, địa phương đã huy động nguồn lực hỗ trợ, sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Gia đình bà Trần Thị Chớ, ở thôn Ma Nê, xã Phong Chương thuộc diện hộ đặc biệt khó khăn, không đất sản xuất, nhiều năm liền phải sống trong căn nhà nhỏ chật hẹp, xuống cấp nghiêm trọng với diện tích chưa đầy 30m2. Vách tường nhà mà bà Chớ đang ở thì rạng nứt từng đường to dài rất nguy hiểm, nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.
Cách nhà bà Chớ không xa, nhiều năm qua, gia đình Đoàn Thị Chấu sống trong ngôi nhà xiêu vẹo, dột nát. Là hộ nghèo, tuổi cao, sức yếu nên việc sửa chữa hay xây nhà mới là không thể. Bà Chấu chia sẻ: “Từ trước đến nay, tôi không dám nghĩ có ngôi nhà mới để ở, nhiều lần UBND xã khảo sát để hỗ trợ kinh phí xây dựng nhưng gia đình không có kinh phí đối ứng để làm”.
Khó khăn lớn nhất về xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo không chỉ ở Phong Chương mà trên địa bàn toàn huyện Phong Điền là nhiều hộ gia đình không có vốn đối ứng, thiếu nhân lực nên phải chờ kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước để thực hiện. Nhiều hộ gia đình trong quá trình sửa chữa, cải tạo do khung tường và kết cấu nhà ở cũ đã hư hỏng nặng, không thể sửa chữa, cải tạo được phải chuyển sang xây mới, dẫn đến phát sinh thêm kinh phí thực hiện. Mặt khác, các hộ được hỗ trợ còn khó khăn về kinh tế, kinh phí hỗ trợ không đủ cho sửa chữa, làm nhà mới. Một số hộ được hỗ trợ từ các chương trình khác nhưng vẫn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, khó khăn về nhà ở nhưng không được hỗ trợ theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Chương, cho biết: “Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ từ nguồn của Nhà nước, xã Phong Chương đã đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực từ cộng đồng để triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Nhờ đó, trên địa bàn xã đã có nhiều hộ dân được an cư, giúp họ có thêm niềm tin, động lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.
Xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là tiêu chí quan trọng để giảm nghèo bền vững và thực hiện tiêu chí về xây dựng huyện Phong Điền trở thành thị xã. Thời gian qua, các ngành cùng các địa phương trên địa bàn huyện Phong Điền đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp và huy động các nguồn lực từ cộng đồng để hỗ trợ người dân còn khó khăn về nhà ở. Nhờ đó, trong năm 2023, đã có hàng chục hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, giúp họ ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền chia sẻ, “An cư” thì mới “lạc nghiệp”. Khi đã có một mái ấm khang trang che nắng, che mưa thì người dân mới có thể yên tâm lao động để phát triển cuộc sống bền vững. Tuy nhiên, với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giấc mơ về một ngôi nhà dường như là mong ước viển vông khi cuộc mưu sinh “cơm ngày ba bữa” còn khó lòng trọn vẹn. Nhận thấy những vấn đề trên, huyện Phong Điền luôn tìm cách hỗ trợ, tạo điều kiện cho Nhân dân cải thiện đời sống, xoá dần những căn nhà tạm bợ.
Mỗi căn nhà được hoàn thành, đồng nghĩa với việc một hộ nghèo có chỗ ở ổn định, không phải lo gánh nặng về nhà ở, yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Việc tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát góp phần duy trì, nâng cao tiêu chí về nhà ở trong bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của huyện Phong Điền.
Theo báo cáo của UBND huyện Phong Điền, đến cuối năm 2023, trên địa bàn huyện số hộ nghèo còn 615 hộ với 1.220 khẩu, chiếm tỷ lệ 2,05% (giảm 245 hộ/122 hộ theo kế hoạch, giảm 0,81% / 0,4% theo kế hoạch). Trong đó, còn 462 hộ nghèo không có khả năng lao động, chiếm tỷ lệ 75% trong tổng số hộ nghèo. Theo dữ liệu rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt chiều nhà ở, dự kiến có 41 hộ nghèo, hộ cận nghèo cần xây mới trong năm 2024. Để triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, huyện Phong Điền đang tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm và huy động sự cộng đồng trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và các gia đình mới tách hộ khó khăn về nhà ở. Đặc biệt, huy động các hội đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân và vận động nhân dân cùng tham gia đối ứng để từng bước xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ dân. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi sự đóng góp chung tay các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các nhà hảo tâm, đặc biệt thông qua Hội đồng hương huyện Phong Điền khắp mọi miền Tổ quốc tham gia ủng hộ xóa nhà tạm cho hộ dân.
“Ngoài việc xoá nhà tạm, huyện Phong Điền cũng đang nỗ lực hết mình hỗ trợ bà con cải thiện đời sống khi thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực như: tổ chức các buổi hướng dẫn phương thức canh tác - sản xuất; đẩy mạnh hỗ trợ cung cấp nguồn giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả; thường xuyên vận động xã hội hỗ trợ người nghèo… Tất cả đều hướng đến mục tiêu tạo sinh kế ổn định, giúp bà con có thể thoát nghèo bền vững”, ông Bách cho biết thêm.
Xóa nhà tạm, nhà dột nát là tiêu chí quan trọng để giảm nghèo bền vững
và thực hiện tiêu chí về xây dựng huyện Phong Điền trở thành thị xã
Hy vọng rằng, với sự chung tay giúp sức của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn Phong Điền sẽ thu được nhiều kết quả tích cực, hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2024, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở, từng bước hoàn thiện tiêu chí về nhà ở dân cư góp phần xây dựng huyện Phong Điền trở thành thị xã theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.