MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Ngày cập nhật 14/03/2024

Chiều ngày 13/3, tại tòa nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Dự Hội nghị có ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch Quốc hội, các vị Ủy viên UBTVQH, các Phó Chủ tịch chuyên trách, không chuyên trách của UBTƯ MTTQ Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, đại diện Ban Chủ nhiệm các Hội đồng tư vấn và một số cá nhân tiêu biểu là Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Cùng dự còn có đại diện Ban Dân vận Trung ương, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc UBTVQH, Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội; đại diện Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, đại diện lãnh đạo một số ban, đơn vị cơ quan thuộc cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Phối hợp thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện các chức năng, nhiệm vụ đã được Hiến pháp, pháp luật quy định

Báo cáo kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa UBTVQH và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, qua 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác số 02/QC-UBTVQH14-MTTQVN ngày 14 tháng 3 năm 2018 giữa UBTVQH và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, công tác phối hợp giữa hai cơ quan đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực và cả hệ thống MTTQ Việt Nam trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ đã được Hiến pháp, pháp luật quy định.

Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà, UBTVQH đã tích cực phối hợp với Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trong tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua thực hiện các nhiệm vụ xây dựng pháp luật, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tập thể và từng thành viên UBTVQH luôn quan tâm, chú trọng quán triệt nghiêm túc, kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, xây dựng các phong trào thi đua, các cuộc vận động hưởng ứng và thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; góp phần củng cố, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trình bày báo cáo tại Hội nghị 

Công tác xây dựng pháp luật được hai bên phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Hằng năm, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tham mưu đóng góp ý kiến đối với nhiều dự án luật, pháp lệnh, tập trung vào một số dự án luật có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của các tầng lớp Nhân dân, đến quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Năm năm qua, hai bên phối hợp góp ý, phản biện xã hội đối với 47 dự án luật, trong đó đặc biệt Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận được tổng số hơn 8,3 triệu lượt ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các tổ chức, cá nhân. Nhiều ý kiến phản biện xã hội của Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam được các cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu tiếp thu; qua đó đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng các dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Hai bên đã phối hợp triển khai tổ chức thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Đảng; phối hợp xây dựng nhiều chuyên đề, đề án; phối hợp tổ chức sơ kết, tổng kết một số văn bản quy phạm pháp luật theo quy định và cử đại diện tham dự, phát biểu tại các phiên họp, các hội nghị, các hoạt động của nhau.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 mặc dù diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo tổ chức thực hiện của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp, các ngành, hai bên đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng từ khâu xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn, công tác hiệp thương, vận động bầu cử, tổ chức tiếp xúc cử tri và triển khai công tác bầu cử nên cuộc bầu cử đã thành công rất tốt đẹp, đây là kết quả đáng ghi nhận trong công tác phối hợp giữa hai bên.

“Một trong những kết quả nổi bật thời gian qua là sự đổi mới, nâng cao chất lượng trong việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Tại mỗi kỳ họp của Quốc hội, hai bên đã phối hợp chặt chẽ trong xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, bảo đảm tổng hợp đầy đủ, kịp thời và phản ánh khách quan, toàn diện tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân đến với Quốc hội. Đổi mới công tác xây dựng Báo cáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc đã mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin, tổng hợp đa chiều ý kiến, phản ánh, kiến nghị của cử tri và Nhân dân”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà, công tác phối hợp xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát hàng năm của hai bên chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như sự quan tâm của cử tri và Nhân dân. Các hoạt động giám sát chuyên đề đều có sự tham gia của các bên, các kiến nghị sau giám sát của hai bên đều có sự theo dõi sát sao để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết. Có thể nói, công tác giám sát, phản biện xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng đi vào thực chất, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.


Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị 

3 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phối hợp năm 2024

Nhấn mạnh trong thời gian tới, với nhiều vấn đề và yêu cầu mới đặt ra, cùng với khối lượng nhiệm vụ và yêu cầu công việc rất lớn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, hai bên cần chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm để hoàn thành hiệu quả các nội dung đã xác định trong quy chế phối hợp.

Trong đó, tập trung phối hợp triển khai có hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 như: tăng cường phối hợp trong công tác xây dựng, góp ý, phản biện xã hội, thẩm tra, cho ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phối hợp hỗ trợ để Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật điều chỉnh về hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tính khả thi của dự án Luật.

Cùng với đó cần tập trung phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành Nghị quyết về hướng dẫn tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; nghiên cứu, xây dựng, ban hành Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp thu phản hồi ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường phối hợp trong nghiên cứu, hoàn thiện các đề án đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đề án đổi mới công tác dân nguyện, các đề án về đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Tăng cường phối hợp giám sát của hai cơ quan, bảo đảm có sự tham gia đầy đủ, phân công trách nhiệm và xác định nội dung, phạm vi giám sát cụ thể để phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi bên. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; giám sát, đôn đốc các cơ quan, tổ chức giải quyết kịp thời các kiến nghị.

Kỳ vọng vào công tác phối hợp trong thời gian tới

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, các văn kiện gần đây của Đảng nhấn mạnh đến vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, xem đó là phương thức kiểm soát quyền lực trong điều kiện một đảng cầm quyền, hoạt động này rất hiệu lực và hiệu quả. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý của việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận, ngoài hai chương 4 và 5 trong Luật MTTQ Việt Nam năm 2015, sau đó có Nghị quyết liên tịch số 403 giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với UBTVQH và Chính phủ nhưng vẫn còn chưa cụ thể, nên hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận còn lúng túng và hiệu lực, hiệu quả chưa cao, nhất là giám sát đối với cá nhân. Vì vậy, trong thời gian tới cần có văn kiện tiếp tục cụ thể hóa hoạt động giám sát, phản biện xã hội giữa 3 cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam, UBTVQH và Chính phủ.

"Nếu làm tốt được công tác giám sát, phản biện xã hội không những sẽ kiểm soát được quyền lực tốt hơn mà còn góp phần xây dựng pháp luật tốt hơn", GS.TS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh.

Cũng theo GS.TS Trần Ngọc Đường, dư luận xã hội đang mong muốn Luật bầu cử được sửa đổi, bổ sung để việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thực chất hơn, chất lượng hơn để tìm ra những đại biểu thực sự xứng đáng tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho tiếng nói của nhân dân.

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa – Xã hội (UBTƯ MTTQ Việt Nam) đánh giá, trong 5 năm qua, UBTVQH và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ đã rất quan tâm đến việc củng cố mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng những việc làm cụ thể. Thực hiện lời dạy của của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nghị quyết Đại hội XIII, hai cơ quan đã phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt quy chế, pháp lệnh dân chủ ở cơ sở và đã nâng tầm thành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở với nội dung dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ.

Cùng với đó, trong công tác phối hợp, hai bên đặc biệt quan tâm đến thể chế hóa các chủ trương của Đảng về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tập trung vào những dự án luật, pháp lệnh có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của nhân dân.

Nêu những kiến nghị để nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa hai cơ quan, ông Nguyễn Túc mong muốn, UBTVQH ủng hộ tạo điều kiện để Mặt trận huy động, phát huy tốt hơn trí tuệ của các HĐTV; UBTVQH và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam quan tâm để nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri tránh tình trạng tiếp xúc cử tri chuyên nghiệp.

 

“Đề nghị trong kỳ tới có hướng dẫn của UBTVQH để đa dạng hóa và làm tốt hơn công tác tiếp xúc cử tri”, ông Nguyễn Túc nêu ý kiến và chia sẻ hiện nay vẫn còn tình trạng đơn thư kéo dài, có những đơn thư kéo dài hàng chục năm, bởi vậy, UBTVQH và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cần phối hợp để chọn điểm một vài vụ việc khiếu nại tố cáo kéo dài để xem xét và trả lời dứt khoát.

Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động vì lợi ích quốc gia, dân tộc

Bày tỏ sự nhất trí cao với các dự thảo Báo cáo đã trình bày trước Hội nghị và đồng tình với nhiều ý kiến xác đáng, tâm huyết, trách nhiệm của các cụ, các vị, các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch và các đồng chí trong UBTVQH, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, 5 năm qua, UBTVQH và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã triển khai đầy đủ, hiệu quả, trách nhiệm của mỗi bên được ghi trong Quy chế phối hợp.

Trong đó phải kể đến công tác phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân kịp thời, bài bản, chất lượng hơn, góp phần phát huy dân chủ, tạo đồng thuận xã hội, phát huy mạnh mẽ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Hoạt động phối hợp thực hiện nhiệm vụ giám sát nhịp nhàng, chặt chẽ hơn. Những nội dung cử tri và Nhân dân quan tâm đều được giám sát ở các cấp độ khác nhau; hầu hết các cuộc giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham gia. Công tác giám sát đã giúp cho Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quan tâm giải quyết rốt ráo nhiều việc.

Công tác phối hợp xây dựng luật thực chất, hiệu quả hơn, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng ban hành Luật, Nghị quyết … của Quốc hội. Nhất là, được sự tạo điều kiện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện khá tốt công tác phản biện xã hội đối với các dự thảo luật, Nghị quyết, có thêm căn cứ để đại biểu Quốc hội thảo luận khi thông qua Luật…

“Qua 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp, chúng ta có thể khẳng định rằng, công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đạt được kết quả tốt hơn; nhịp nhàng, chặt chẽ hơn; kịp thời, hiệu quả hơn; đồng thuận và thuyết phục hơn”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Tiếp cận từ góc độ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chia sẻ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cảm nhận sâu sắc hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có nhiều đổi mới, vai trò, vị thế của cơ quan dân cử được nâng lên, hiệu lực, hiệu quả hơn; được cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Theo đó, Quốc hội đã thật sự đồng hành cùng với Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; kịp thời tạo hành lang pháp lý để giải quyết việc khó, việc mới chưa có tiền lệ. Với 5 kỳ họp bất thường đã gỡ được nhiều “nút thắt”, được doanh nghiệp, người dân và các địa phương ghi nhận, hoan nghênh.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Chủ tịch Quốc hội đã có sáng kiến lập pháp, tạo được cơ sở pháp lý, góp phần vào thành công trong công tác phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quốc hội thực sự coi trọng, lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân. Hằng tháng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về công tác dân nguyện, có ý kiến chỉ đạo kịp thời; đưa nội dung giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân ra thảo luận và ban hành Nghị quyết - đây là điểm mới, rất đáng trân trọng.

Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, nhiệm kỳ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị triển khai, rà soát thực hiện các luật, pháp lệnh, nghị quyết… do Quốc hội ban hành; việc đó thúc đẩy đưa Luật và các văn bản quy phạm pháp luật vào cuộc sống; Việc tổ chức họp trực tuyến, chia kỳ họp thành 2 đợt, tăng thời lượng truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Quốc hội…nhận được sự đồng tình của nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân.

“Việc đổi mới cách thức điều hành của chủ tọa các phiên họp, nhất là phiên khai mạc, phiên chất vấn, phiên thảo luận có những vấn đề “nóng”, đảm bảo trang trọng, dân chủ, nghiêm túc nhưng rất cởi mở, đồng cảm, chia sẻ với các chủ thể, đạt được nhiều mục tiêu.”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nói và bày tỏ, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trân trọng cảm ơn sự quan tâm phối hợp, giúp đỡ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, Văn phòng Quốc hội và cá nhân đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, các đồng chí Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đối với hoạt động của MTTQ Việt Nam.

Từ những kết quả trong công tác phối hợp, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của UBTVQH. Trước tiên là việc cử các chuyên gia giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để dự thảo Luật điều chỉnh về hoạt động từ thiện nhân đạo trình Quốc hội đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng.

Nhắc tới thành công cuộc vận động làm 5.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đề xuất và được đồng chí Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương đã thống nhất về nguyên tắc sẽ tổ chức phát động phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát nằm trong Cuộc vận động “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Sơ kết phong trào vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam 30/4/2025; tổng kết vào tháng 1/2026 với mục tiêu cơ bản xóa xong nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Trong đó, có đề xuất sử dụng số kinh phí ủng hộ phòng, chống Covid - 19 còn lại để hỗ trợ cho những địa phương khó khăn.

Chia sẻ việc Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo Ban Thường trực tổ chức nghiên cứu, xây dựng 3 Đề án: Đề án nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam giai đoạn 2024 - 2029, trong đó có đề xuất cơ chế tiếp thu, phản hồi ý kiến, kiến nghị sau giám sát, sau phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đề án bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp giai đoạn 2024 - 2029; Đề án Chuyển đổi số của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2024 - 2029, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn khi được cơ quan có thẩm quyền xin ý kiến, Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ủng hộ để MTTQ Việt Nam thuận lợi trong triển khai Đề án.

Đề cập tới bài viết “Tự hào, tự tin dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông tin, đồng chí Tổng Bí thư đã nhắc lại cụm từ “nhân dân” 63 lần; cụm từ “đoàn kết” 16 lần; cụm từ “đại đoàn kết”, “đại đoàn kết toàn dân tộc” 9 lần. Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “dân là gốc”, khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hóa yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân”, lấy “yên dân” là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Thấm nhuần tư tưởng đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tin tưởng sâu sắc rằng Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động vì lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

“Hướng về dân, lắng nghe dân để được lòng dân”

Thay mặt Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn những đóng góp quan trọng của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các thành viên Đn Chủ tịch và các tổ chức thành viên của Mặt trận đối với hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Sự phối hợp, hỗ trợ của các đồng chí là một trong những nhân tố hết sức quan trọng để Quốc hội thực hiện các chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước", Chủ tịch Quốc hội nói. 

Cơ bản nhất trí với các trọng tâm phối hợp giữa hai cơ quan trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV: một là, phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng để các quyết sách của Quốc hội thực sự vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân; hai là, phát huy cao độ dân chủ trong hoạt động của Quốc hội và trong xã hội để mọi quyết sách của Quốc hội đều xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc, phụng sự lợi ích của đất nước, của Nhân dân, để Quốc hội thực sự là người đại diện xứng đáng của Nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch tiếp tục tăng cường phối hợp trong việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là trong bối cảnh Trung ương vừa ban hành Nghị quyết số 43 ngày 24.11.2023 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Nghị quyết cũng đã giao Ðảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các văn bản luật có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Chủ tịch Quốc hội mong Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc rà soát các văn bản này.

Cùng với đó, cần tiếp tục phát huy cao độ vai trò của Đoàn Chủ tịch, các Hội đồng tư vấn của Mặt trận trong công tác xây dựng pháp luật với tinh thần “từ sớm, từ xa". Bên cạnh 137 nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng pháp luật theo Kế hoạch số 81, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung 19 nhiệm vụ, nâng tổng số nhiệm vụ lập pháp cả nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV lên 156. Đến nay, có 115 nhiệm vụ đã hoàn thành, còn 41 nhiệm vụ đang triển khai hoặc cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát. Trước mắt, tại Kỳ họp thứ Bảy tới, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 Luật, 1 nghị quyết, cho ý kiến về 12 dự án luật khác; tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 Luật, nghị quyết, cho ý kiến 3 dự án luật khác.
 
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn Chủ tịch tăng cường phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổ chức thật tốt việc góp ý kiến, phản biện xã hội đối với các dự thảo luật, cố gắng để chất lượng các luật sau khi được Quốc hội ban hành đều nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của Nhân dân, cử tri, đồng bào ta ở nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước như 2 Luật rất khó vừa qua là Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng.

 

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Đoàn Chủ tịch tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các hoạt động giám sát; từ xác định đúng, trúng các nội dung để đưa vào Chương trình giám sát của mỗi bên đến việc phân công đại diện tham gia hoạt động giám sát của mỗi bên; đồng thời, từ kinh nghiệm thực tiễn, đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. 

Hai cơ quan tiếp tục phối hợp, tạo chuyển biến trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện; tăng cường giám sát, đôn đốc các cơ quan, tổ chức giải quyết kiến nghị. 

Với kết quả đạt được trong 5 năm qua, với tinh thần “hướng về dân, lắng nghe dân để được lòng dân”, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, sự phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch sẽ tiếp tục có những cải tiến, đổi mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của mỗi cơ quan và nhiệm vụ chung được giao, góp phần “phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao quà lưu niệm tặng Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. 

mattran.org.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.646.466
Truy cập hiện tại 615