MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri chuyên đề về “Bảo vệ và phát triển rừng bền vững”
Ngày cập nhật 11/09/2023

Sáng ngày 08/9/2023, tại Hội trường Khách sạn Park View Huế, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cùng lãnh đạo Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh tổ chức Hội nghị nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về “Bảo vệ và phát triển rừng bền vững”. Tham dự có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu; GS-TS -Giám đốc Bệnh viện TW Huế Phạm Như Hiệp, đại biểu Quốc hội tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh;Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Phạm Thị Ái Nhi cùng gần 200 của tri trên toàn tỉnh.

 

Phát biểu đặt vấn đề tại tiếp xúc, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt trong thời gian qua của các cấp, các ngành về bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cũng nêu lên những khó khăn, tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Mong muốn, các cử tri cho ý kiến liên quan làm thế nào để quản lý tốt rừng hiện tại trên địa bàn; về cơ chế chính sách, phát huy vai trò của cộng đồng để làm tốt công tác bảo vệ rừng; cần phải làm gì nâng cao hiệu quả hơn chống săn bắt trái phép; nâng cao hiệu quả rừng trồng, chuyển đổi rừng trồng như thế nào để đảm bảo môi trường, chất lượng; các cơ chế khác như luật nông nghiệp,cơ chế chính sách của tỉnh, của HĐND tỉnh đối với công tác bảo vệ rừng… Qua đó, giúp đoàn ĐBQH có tổng hợp, báo cáo Quốc hội nhằm sửa chữa Luật Bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.

Theo ông Võ Văn Dự, Chủ tịch Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh (TTH - FOSDA), sau 7 năm hình thành và phát triển, ngoài nhiệm vụ nâng cao giá trị gia tăng về nguồn lợi từ rừng, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội người dân, TTH - FOSDA đã và đang triển khai tiếp cận các chủ rừng, các cộng đồng dân cư và phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành liên quan về tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và phát triển rừng; ngăn chặn nạn mua bán tiêu thụ và sử dụng ĐVHD trái pháp luật nhằm quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học rừng, bảo vệ ĐVHD.

“Cử tri thuộc khối cộng đồng dân cư được nhà nước giao quản lý rừng tự nhiên và chủ rừng là Hội viên của TTH-FOSDA có nguyện vọng được tiếp xúc với các ĐBQH để nói lên tâm tư, nguyện vọng và các kiến nghị của mình liên quan đến việc thực hiện và không ngừng hoàn thiện pháp luật bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng nói chung, trọng tâm là quản lý rừng bền vững với chuyên đề chính là, cùng lên tiếng: “Nói không với nạn săn, bắt, bẫy, buôn bán và tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD trái pháp luật”- ông Võ Văn Dự khẳng định.

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã nêu lên nhiều kiến nghị như về chủ trương và hỗ trợ ngân sách tiếp tục giao diện tích rừng tự nhiên cho các cộng đồng dân cư tự nguyện xin nhận để quản lý, bảo vệ và hưởng lợi; có chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng bản địa đa loài phải bảo đảm tính khả thi; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng; giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã trái phép; nâng cao thu nhập, thẩm quyền, trách nhiệm của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; có chính sách khen thưởng động viên các cộng đồng dân cư và cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số nói không với săn bắt bẫy, mua bán và sử dụng động vật hoang dã; cần quan tâm cấp ngân sách cho truyền thông bảo vệ động vật hoang dã; đầu tư cho các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác quản lý bảo vệ động vật hoang dã; nên đưa vào Luật cán bộ trong hệ thống chính trị nói không sử dụng động vật hoang dã….

Tiếp thu, giải trình các ý kiến, kiến nghị từ cử tri, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh khẳng định, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu tổ chức hội thảo khoa học vào thời gian thích hợp nhằm thảo luận về tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống luật pháp liên quan đến lâm nghiệp. Trước mắt, yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các nội dung chồng chéo để tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ nút thắt cho các HTX lâm nghiệp bền vững được thuê đất để xây dựng các cơ sở sản xuất, dịch vụ; xây dựng nhà máy chế biến phù hợp với tính đặc thù ngành lâm nghiệp.

Về trồng rừng gỗ lớn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp thì hoạt động trồng rừng gỗ lớn với chu kỳ dài thường gặp các rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Do đó, để khuyến khích người dân yên tâm trồng rừng gỗ lớn sản xuất theo hướng bền vững, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tham mưu kiến nghị trung ương bổ sung các chính sách bảo hiểm rừng trồng; đồng thời nghiên cứu chính sách thí điểm hỗ trợ bảo hiểm rừng trồng trên địa bàn tỉnh…

Phát biểu kết luận, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của cử tri. Cảm ơn và tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị cử tri để có văn bản gửi các bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội sớm có cơ chế, chính sách phù hợp hơn trong bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh, Trung ương vừa tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư, đồng thời ban hành Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Sắp tới, Tỉnh ủy giao cho Đảng đoàn UBND tỉnh, HĐND tỉnh xây dựng chương trình hành động, xây dựng nghị quyết chuyên đề đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu gợi mở, ngành nông nghiệp đánh giá lại rừng cộng đồng, rà soát cơ chế chính sách quản lý rừng cộng đồng, nghiên cứu trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Có chương trình hỗ trợ sinh kế cho người dân, cần học hỏi các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng, xây dựng mô hình tiên phong triển khai mạnh cho người dân. “Rừng sản xuất diện tích lớn nhưng chỉ yếu trồng keo, bây giờ qua trồng rừng gỗ lớn cần nghiên cứu trồng thêm cây gì? cây gì tái tạo lại đất mà không gây xói lở làm tổn hại môi trường rừng? gắn trồng cây bản địa với cây keo như thế nào? Nên chăng trồng lim ở vành đai các đi tích để 50 năm sau có gỗ mà trùng tu di tích”

Cuối cùng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề nghị cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần tiên phong gương mẫu, không săn bắn, sử dụng động vật hoang dã. Tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và các ngành liên quan duy trì và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ ĐVHD, các loài chim trời, nhằm bảo tồn các loài ĐVHD, bảo tồn thiên nhiên theo đúng thẩm quyền được giao.

mattran.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.650.420
Truy cập hiện tại 155