MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017 – 2022
Ngày cập nhật 28/11/2022

Ngày 27/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức  Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022. Hội nghị là dịp để cán bộ Mặt trận cơ sở giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm nhằm nhân rộng các tấm gương tiêu biểu xuất sắc, các mô hình hay, cách làm mới sáng tạo, hiệu quả trong công tác Mặt trận và cũng là hoạt động thiết thực kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2022).      

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; ông Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Cùng tham dự Hội nghị các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam ở Trung ương; các đồng chí đại diện lãnh đạo các Tỉnh, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố.

Đặc biệt là 299 điển hình tiêu biểu, đại diện cho 10.599 xã, phường, thị trấn và gần 100.000 ban Công tác Mặt trận trên cả nước. Đây là những bông hoa tươi thắm nhất trong rừng hoa “Người tốt, việc tốt” của những người cán bộ mặt trận ở cơ sở trên cả nước, đang từng ngày, từng giờ góp phần tô thắm thêm cho truyền thống đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Trong giai đoạn 2017-2022, vượt qua những khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã có nhiều đóng góp thiết thực trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, tiếp tục thực hiện tốt 05 chương trình hành động của MTTQ Việt Nam. Trong đó có nhiều tấm gương sáng của đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở.

Biểu dương 299 tấm gương tiêu biểu ở 63/63 tỉnh, thành phố


Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nêu rõ, tại Hội nghị trọng thể này biểu dương 299 tấm gương tiêu biểu ở 63/63 tỉnh, thành phố, đại diện cho 10.599 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và hơn 97.000 Trưởng ban công tác Mặt trận; gồm 132 đại biểu là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và 167 đại biểu là Trưởng ban công tác Mặt trận.

Các đại biểu được tuyên dương lần này là những điển hình tiêu biểu nhất, đầy đủ thành phần, đại diện cho 43 dân tộc, 08 tôn giáo, là đoàn viên, hội viên của tổ chức Công đoàn, Hội nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi và các tổ chức thành viên của mặt trận. Đại biểu cao tuổi nhất là ông Tô Văn Tồn, 82 tuổi, đại biểu của tỉnh Long An; đại biểu trẻ tuổi nhất là ông Cao Xuân Long, 26 tuổi, dân tộc chứt, đại biểu của tỉnh Quảng Bình.

“Các đại biểu được tuyên dương hôm nay là những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa rực rỡ, ngát hương, đa sắc màu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; mặc dù ở độ tuổi, trình độ, vùng miền và quá trình cống hiến khác nhau, song đều là những cán bộ Mặt trận đầy tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, hoạt động bền bỉ gắn bó mật thiết với cộng đồng, họ chính là những hạt nhân quan trọng góp phần xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới.” Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định.

Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, trải qua lịch sử 92 năm thành lập và phát triển, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, trong mọi thời kỳ cách mạng, MTTQ Việt Nam luôn khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, phong ba bão táp, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Truyền thống hào hùng ấy trở thành tài sản vô giá, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung, các thế hệ cán bộ Mặt trận các cấp nói riêng.

Đảng, Nhà nước ta luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống  cực kỳ quý báu, là vấn đề có tính chiến lược, cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục nhấn mạnh: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư”. Vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam đã được ghi nhận và khẳng định trong Hiến pháp năm 2013, các văn kiện của Đảng và Luật MTTQ Việt Nam. Hệ thống MTTQ Việt Nam gồm 4 cấp, từ Trung ương đến cấp xã, ở Khu dân cư có Ban Công tác Mặt trận gắn bó mật thiết với Nhân dân, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, là nơi ghi nhận, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng thôn bản, buôn làng, phum sóc, đoàn kết, bình yên và phát triển.

Nhấn mạnh, kết quả đạt được của công tác Mặt trận trong thời gian qua là nhờ có sự quan tâm rất lớn và thường xuyên của Đảng và Nhà nước; sự tích cực, chủ động phối hợp thống nhất hành động của các tổ chức thành viên, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định đó là còn là sự nỗ lực, vượt qua bao gian nan, thử thách và cả những hy sinh, mất mát của các thế hệ cán bộ Mặt trận; trong đó có sự đóng góp thầm lặng, cao cả, không ngừng nghỉ của đông đảo đội ngũ cán bộ Mặt trận cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư. Đó là những cán bộ không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy của dịch bệnh, thiên tai bão lũ, ngày đêm lăn lộn với phong trào, hết lòng tận tụy với nhân dân, “ăn cơm nhà lo việc làng, việc xã”. Điển hình như: Ông Đinh Minh Tuyên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; Bà Vũ Thị Thu Hiên, theo đạo Công giáo, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Lãm Hà, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng; Ông Triệu Phúc Hiến, dân tộc Dao, Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố Ngọc Sơn, thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa…

Trong những thời khắc muôn vàn khó khăn cả nước chung tay, đồng lòng, đoàn kết chống dịch Covid-19, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng cán bộ Mặt trận cơ sở là những chiến sỹ tiên phong, đi đầu; tuyên truyền, vận động Nhân dân không nghe theo các thông tin xấu độc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; đồng lòng, chung sức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tiêu biểu như: Ông Nguyễn Xuân Tình, Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư tổ 15, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; Ông Lê Lập, Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư số 13 phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng; Ông Y Blun Niê, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Ea Nam, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk…

"Hiện nay, cả nước có gần 10.599 Ban Thanh tra nhân dân, hơn 13.000 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, mặc dù còn nhiều khó khăn về bảo đảm điều kiện hoạt động, làm việc chủ yếu vì tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, nhưng nhiều điển hình tiêu biểu được vinh danh hôm nay đã nỗ lực đóng góp với Đảng, Nhà nước, Mặt trận nhiều ý kiến sâu sắc, thẳng thắn, xây dựng; góp phần tích cực trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn, tạo lòng tin trong nhân dân, giữ vững ổn định tại địa phương, cơ sở. Điển hình như: Ông Nông Văn Hòa, dân tộc Tày, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng; Ông Hồ Văn Quý, dân tộc Bru-Vân Kiều, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị; Bà Ngô Thị Ánh, Trưởng ban công tác Mặt trận Ấp 2, xã Tắc Vân, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau...", Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nêu rõ.

Cùng với đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân là một trong 3 trụ cột của nền ngoại giao nước nhà. Nhiều cán bộ Mặt trận ở cơ sở trở thành những sứ giả, góp phần lan tỏa những hình ảnh, truyền thống, văn hóa tốt đẹp của đất nước đến với bạn bè thế giới; là những tấm gương đi đầu trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; là những cầu nối gắn kết tình cảm Nhân dân hai bên biên giới. Đó là Ông Sùng A Páo, dân tộc H’Mông, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa; Ông Danh Sà Bên, dân tộc Khmer, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Kà ốt, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng cho biết, thời gian qua, nhiều cán bộ Mặt trận cơ sở đã năng động, sáng tạo đổi mới phương thức vận động, với phương châm biến không thành có, biến khó thành dễ, để huy động các nguồn lực xã hội và tổ chức, xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong cộng đồng. Điển hình như: Ông Đàng Dũng, dân tộc Chăm, theo đạo Bà lamôn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận; Ông Siu Khách, dân tộc Jrai, theo đạo Công giáo, Trưởng ban công tác Mặt trận Bôn Phu Ama Miơng, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai; Ông Hồ Xuân Nam, dân tộc Chứt, Trưởng ban công tác Mặt trận bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh…

Để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa, đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, những cán bộ Mặt trận cơ sở đã biết dựa vào sức mạnh của nhân dân, luôn phát huy tốt vai trò của các cá nhân tiêu biểu, các nhân sĩ, trí thức, các già làng, trưởng bản, dòng họ, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo. Điển hình như: Bà Lương Thị Bảo Thùy, dân tộc Nùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Bảo Quang, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai; Ông Lương Thế Tấn, dân tộc Khơ Mú, Trưởng ban Công tác Mặt trận  khối Nam Sơn, thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An…

Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, bên cạnh những thành tích đã đạt được rất đáng phấn khởi và tự hào, từ thực tiễn công tác Mặt trận cơ sở thời gian qua đã chỉ ra không ít những khó khăn, bất cập. Hoạt động Mặt trận cấp cơ sở ở không ít nơi còn hình thức, thiếu hiệu quả, chưa tập hợp và phát huy tốt sức mạnh của khối đại đoàn kết để xây dựng và phát triển địa phương. Năng lực, trình độ, trách nhiệm, tâm huyết của một số cán bộ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Chế độ, chính sách đối với cán bộ Mặt trận ở cơ sở còn thấp, nhiều đồng chí còn nặng gánh kinh tế nên chưa toàn tâm toàn ý cho công việc… Đó là những vấn đề mà những người làm công tác Mặt trận đang ngày đêm trăn trở.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu tin tưởng rằng, trong thời gian tới, cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp sẽ nỗ lực vươn lên, tiếp tục khẳng định bản lĩnh, năng lực của mình; cùng với Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất công tác Mặt trận ở cơ sở, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Trong ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mỗi cán bộ Mặt trận là “người đi xây” khối đại đoàn kết, là hạt nhân đoàn kết. Chúng ta vinh dự, tự hào khi được đứng trong hàng ngũ Cán bộ Mặt trận, cùng quyết tâm, sắt son thực hiện lời dạy của Bác: “Trên vì nước, dưới vì nhà, một là ích nước, hai là lợi dân”, luôn nguyện đồng lòng, chung sức với Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định.

Những điển hình dung dị giữa đời thường


Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội nghị

 

Trong suốt chặng đường 92 năm dù trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc hay xây dựng, phát triển đất nước, có thể khẳng định nhiệm vụ hàng đầu của công tác Mặt trận là khơi dậy lòng yêu nước, đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn của đất nước. Điều này đòi hỏi cán bộ mặt trận các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở xã, phường, thị trấn, khu dân cư phải gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến, đối thoại cởi mở với nhân dân; luôn là người gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương, được dân tin, ủng hộ và làm theo.

Và để thực hiện được điều này, đội ngũ cán bộ mặt trận cấp cơ sở đã có nhiều cách làm mới sáng tạo, hiệu quả, nhiều mô hình hay được triển khai. Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã được giao lưu với những cá nhân tiêu biểu với những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả đó.

Đến từ xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, ông Mạc Văn Đậu, dân tộc Nùng, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Quán Cà chia sẻ, trong thời gian qua, bản thân đã luôn tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn thống nhất giảm rất nhiều thủ tục lạc hậu như: Cúng bái, Đám hiếu; đồng thời vận động nhân dân xây dựng mô hình vườn đồi, trồng rừng mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là mô hình nuôi Trâu thương phẩm, chăn nuôi Ngựa bạch sinh sản, dê trên 100 hộ gia đình… Từ các mô hình này nhiều hộ dân đã đem lại thu nhập cao hàng năm trừ chi phí còn lãi từ 100-150 triệu đồng trên năm; Vận động 100% người dân chung tay góp công, góp kinh phí xây dựng 4 km đường giao thông thôn, sạch đẹp đi lại thuận tiện.

 

“Là nghệ nhân ưu tú, đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Nùng, tôi đã thành lập và Chủ nhiệm CLB hát Soong Hao dân tộc Nùng, xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn với 58 thành viên tham gia.”, ông Mạc Văn Đậu chia sẻ.

Là một Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, bà Hà Ngân Kim Tới, sinh năm 1981, là người dân tộc Khmer, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cho biết, vượt qua khó khăn, bản thân đã vận động được trên 246 triệu đồng ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” trong giai đoạn 2017-2022; triển khai xây dựng 68 căn nhà đại đoàn kết với tổng số tiền 2,7 tỷ đồng.

Đặc biệt, nhân dịp lễ, tết hằng năm, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, chăm lo cho người nghèo có hoàn cảnh khó khăn, bản thân bà đã vận động tặng 7.321 phần quà cho hộ nghèo, hộ khó khăn với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng; vận động trao tặng 244 suất học bổng cho học sinh nghèo với số tiền gần 80 triệu đồng; Vận động thực hiện được 15 công trình lộ nông thôn, cầu bê tông, thủy lợi nội đồng với tổng số tiền 1,6 tỷ đồng.

Mỗi cán bộ làm công tác Mặt trận hy sinh lợi ích cá nhân để “cùng đi, cùng ở, cùng làm” với nhân dân

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao những thành tích nổi bật của các vị đại biểu tham dự Hội nghị này cũng như rất nhiều tấm gương thầm lặng khác trên các lĩnh vực công tác của MTTQ Việt Nam, nhất là ở cấp cơ sở, trong các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo trong cả nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức trọng thể Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc. Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa thiết thực nhằm ghi nhận, khẳng định những đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở, trong xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần tích cực vào những thành tựu chung của cả nước. Qua đó tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam, về nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đến từ nhiều địa phương, vùng miền khác nhau, có độ tuổi và quá trình cống hiến khác nhau, trong điều kiện chế độ chính sách còn khó khăn, song 299 vị đại biểu của chúng ta đều là những cán bộ Mặt trận đầy tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo và hoạt động bền bỉ, dẻo dai để gắn kết cộng đồng, thật sự là những hạt nhân quan trọng góp phần xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Có thể nói mỗi đại biểu là một tấm gương “người tốt, việc tốt”, là một câu chuyện đầy cảm động về hình ảnh người cán bộ Mặt trận thầm lặng “ăn cơm nhà, thổi tù và hàng tổng”, trực tiếp đến từng gia đình, cá nhân để vận động thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch; thực hành dân chủ ở cơ sở; đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; chung tay chăm sóc người có công, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt...”, Chủ tịch nước nhấn mạnh đồng thời khẳng định, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, hoạt động của Mặt trận cấp cơ sở và Ban công tác Mặt trận đã góp phần quan trọng cùng cả nước từng bước khống chế và đẩy lùi dịch bệnh, hỗ trợ chăm lo người dân vượt qua đại dịch và ổn định cuộc sống.

Chủ tịch nước nêu rõ: Đất nước ta đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, đặt ra nhiều vấn đề mới, sự phát triển đa dạng, năng động và yêu cầu cao hơn về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày một gia tăng; phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội diễn ra ngày càng sâu sắc. Những thách thức đó đặt ra yêu cầu cấp thiết đòi hỏi công tác Mặt trận phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng tốt hơn trước những yêu cầu phát triển của đất nước. Vì vậy, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Đổi mới tổ chức, bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư”.

Trên tinh thần đó, trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo tăng cường hoạt động của MTTQ cấp xã và Ban Công tác Mặt trận gắn chặt với cơ sở, cộng đồng dân cư, coi đây là yếu tố sống còn của công tác Mặt trận.

Cán bộ làm công tác Mặt trận cần chủ động, thường xuyên bám sát cơ sở, xuống tận làng, bản, thôn, tổ dân phố, từng hộ gia đình, dòng họ, cá nhân trên địa bàn để tuyên truyền, vận động, động viên nhân dân. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia vào giám sát hoạt động của chính quyền cơ sở, đề cao phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

“Ở nước ta, mỗi địa phương, thậm chí là từng làng, bản, thôn, tổ dân phố… đều có những nét đặc thù về địa lý, dân cư, kinh tế, văn hóa, xã hội… Do vậy, người cán bộ Mặt trận cơ sở phải dựa vào tình hình thực tế, nắm rõ, hiểu rõ từng địa bàn, hộ gia đình cụ thể, con người cụ thể để tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đảm bảo “đúng, trúng và kịp thời” – Chủ tịch nước nói.

Cùng với đó chủ động, tích cực, thường xuyên hơn nữa trong việc tham mưu với các cấp ủy, phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương để thực hiện đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ và chương trình hành động của MTTQ Việt Nam các cấp. Trong đó, công tác Mặt trận cần bám vào những nội dung sát thực với từng địa phương, đặc biệt là các vấn đề có tính “nóng”, “thời sự”, “nhạy cảm” đang được người dân quan tâm. Chủ động đề xuất với chính quyền các cấp giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tham mưu việc tổ chức đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân và tôn trọng dân. Làm tốt hơn vai trò lắng nghe tập hợp ý kiến nhân dân để phản ánh với các cơ quan của Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao Bằng khen của
Thủ tướng Chính phủ và biểu trưng cho 63 điển hình là Chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã
và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu giai đoạn 2017-2022. 

Chủ tịch nước đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhằm chất lượng, trình độ chuyên môn, kỹ năng cho cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất những chế độ, chính sách phù hợp để động viên, khích lệ cán bộ làm công tác Mặt trận tại cơ sở, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, đảm bảo các cán bộ Mặt trận của chúng ta yên tâm về tư tưởng, ổn định cuộc sống, gia đình để toàn tâm, toàn ý công tác và cống hiến.

“Tôi mong mỗi cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở luôn là người có phẩm chất đạo đức cách mạng, gần dân, có uy tín với dân; am hiểu pháp luật, không ngừng nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động; thật sự gương mẫu, tiên phong, đi đầu trong khó khăn, vất vả, thậm chí chịu thiệt thòi hơn và hy sinh lợi ích cá nhân để “cùng đi, cùng ở, cùng làm” với nhân dân; cùng Đảng, Nhà nước chăm lo tốt hơn cho đời sống của nhân dân, giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, mâu thuẫn nội bộ cho người dân ngay từ cơ sở”, Chủ tịch nước phát biểu.

Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “công tác Mặt trận vừa đoàn kết, vừa đấu tranh”, mỗi cán bộ Mặt trận “phải tích cực và phải chủ động giúp cấp ủy Đảng lãnh đạo công tác Mặt trận; phổ biến và thực hiện chính sách của Đảng về Mặt trận”, “làm việc kiên nhẫn, phải tha thiết với công tác Mặt trận”, “phải đi đường lối quần chúng, không được quan liêu mệnh lệnh và gò ép nhân dân”. Chủ tịch nước tin tưởng chắc chắn sau Hội nghị này, công tác Mặt trận tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động; phát huy tốt hơn vai trò của MTTQ cấp xã, Ban công tác Mặt trận và cán bộ làm công tác Mặt trận ở hơn 100 ngàn địa bàn dân cư trong cả nước; tập hợp sức mạnh của 100 triệu đồng bào trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, cùng hiệp lực, quyết tâm, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Xung lực mới cho đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp

Thay mặt UBTƯ MTTQ Việt Nam và các đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến trân trọng cảm ơn và nghiêm túc tiếp thu ý kiến phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Những lời động viên chân thành, sâu sắc của Chủ tịch nước sẽ là sức mạnh tinh thần to lớn, lan tỏa năng lượng tích cực tới toàn thể cán bộ là công tác Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở. Từ đó, phát huy ưu điểm, khắc phục khó khăn, hạn chế; đoàn kết phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa mọi nhiệm vụ được giao.

“Nhân dịp Hội nghị hôm nay, Đảng đoàn, Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc về sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; thường xuyên, trực tiếp là Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; sự phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam các cấp. Đặc biệt là sự ủng hộ, đồng thuận của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân và các tầng lớp nhân dân trong cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài để MTTQ Việt Nam hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, 299 đại biểu MTTQ Việt Nam ở cơ sở vinh dự được biểu dương ngày hôm nay đến từ mọi miền của đất nước đã hội tụ tại Thủ đô Hà Nội được vào Lăng viếng Bác Hồ, thắp hương tưởng nhớ Vua Hùng, đặc biệt đã được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những ý kiến chỉ đạo quý báu, những lời thăm hỏi ân cần, lời động viên chia sẻ sâu sắc chí tình chí nghĩa của Tổng Bí thư đã thấm sâu vào tâm trí của từng đại biểu dự Hội nghị. Đây là dịp hiếm có, kỷ niệm sâu sắc khó quên của cuộc đời công tác. Tạo xung lực mới cho cán bộ Mặt trận các cấp nỗ lực hơn nữa: tận tụy để dân mến, trách nhiệm để dân thương, kỷ cương để dân trọng, năng động để dân được nhờ.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, ngay sau Hội nghị này, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn; sâu sát, gắn bó mật thiết hơn nữa với nhân dân thực hiện thật tốt lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc gặp ngày 26/11 và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị. Trước mắt triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023 chăm lo cho người dân nhất là người yếu thế có điều kiện đón xuân vui Tết.

mattran.org.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.659.659
Truy cập hiện tại 97