MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 – 2029 !

 

Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Đổi mới tổ chức bộ máy phải phù hợp với nhiệm vụ công tác Mặt trận trong tình hình mới
Ngày cập nhật 02/09/2022
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Việc xây dựng  Đề án kế thừa, phát triển, đổi mới tổ chức bộ máy phải phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ công tác Mặt trận trong tình hình mới, khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay, đồng thời phát huy được những mặt tích cực của mô hình tổ chức bộ máy trong giai đoạn vừa qua.

Ngày 31/8, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý Đề án “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam”. Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, từ thực tế triển khai, bên cạnh những ưu điểm, tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ quyền hạn của Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.

Cùng với đó, Hiến pháp 2013, Luật MTTQ Việt Nam 2015 được ban hành đã bổ sung, làm rõ nhiều nhiệm vụ đối với MTTQ Việt Nam, nhất là nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, một số chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam 2015 chưa được cụ thể hóa thành chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan để tham mưu thực hiện.

Đồng chí Lê Tiến Châu cũng chỉ rõ, chức năng, nhiệm vụ của một số ban, đơn vị của Cơ quan chưa quy định rõ và đang có sự chồng lấn; một số nhiệm vụ quan trọng nhưng chưa có ban chuyên môn chuyên trách nào theo dõi thực hiện; một số nhiệm vụ còn giao cho nhiều đơn vị cùng thực hiện, chưa rõ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp; Tổ chức, bộ máy của một số Ban, đơn vị chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao nên gặp nhiều hạn chế trong tổ chức, triển khai nhiệm vụ; đồng thời chưa phát huy được hiệu quả của các Hội đồng tư vấn.

“Xuất phát từ những khó khăn nêu trên, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã thảo luận và thống nhất đề xuất và được Bộ Chính trị nhất trí đưa vào Chương trình công tác năm 2022 về việc ban hành “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam””, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu thông tin.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng thông tin thêm, việc xây dựng Đề án kế thừa, phát triển, đổi mới tổ chức bộ máy phải phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ công tác Mặt trận trong tình hình mới, khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay, đồng thời phát huy được những mặt tích cực của mô hình tổ chức bộ máy trong giai đoạn vừa qua.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, Đề án cơ bản giữ nguyên cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, tên gọi của các ban, đơn vị như: Ban Tuyên giáo, Ban Đối ngoại và Kiều bào, Ban Công tác phía Nam, Văn phòng Cơ quan, Báo Đại đoàn kết, Tạp chí Mặt trận, Văn phòng Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Báo Người Công giáo Việt Nam.

Đề án cũng bổ sung làm rõ hơn nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất, tham mưu, giúp việc của cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trên cơ sở cụ thể hóa 7 nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam được quy định trong Luật MTTQ Việt Nam; Bổ sung nhiệm vụ và đổi tên của một số Ban, đơn vị cho rõ nhiệm vụ hơn.

Đồng chí Nguyễn Hữu Dũng mong muốn tiếp thu được nhiều ý kiến tham gia góp ý từ các vị nguyên là lãnh đạo của MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố phía Nam nhằm bổ sung, hoàn thiện Đề án trên.


Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Quốc Định) 
 

Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cho rằng, việc xây dựng Đề án cần có nhận thức đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc quan điểm Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết và tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt nam trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Đề án phải xác định rõ nội hàm Mặt trận là liên minh chính trị, liên minh xã hội để vận động Nhân dân cùng đồng sức, đồng lòng xây dựng và phát triển đất nước.  

Đồng chí Huỳnh Đảm cũng cho rằng, Đề án cần làm rõ vai trò của Ban Dân chủ - Pháp luật trong việc tham mưu cho Ban thường trực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền giúp Nhân dân phát huy vai trò làm chủ của mình như: tổ chức bầu cử; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; góp ý phản biện xã hội; phát huy vai trò giám sát, nhất là giám sát đội ngũ đảng viên, công chức trong thực thi nhiệm vụ và phòng chống tham nhũng, giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ…

Đối với nhiệm vụ Ban Phong trào, đồng chí Huỳnh Đảm cho rằng, hoạt động của Ban Phong trào là tiếp tục vận động nhân dân chăm lo an sinh xã hội, động viên nhân dân phát triển kinh tế và đoàn kết, tập hợp nhân dân theo đúng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Đừng biến Mặt trận là người khổng lồ về hoạt động xã hội từ thiện mà phải đoàn kết vì mục tiêu tương đồng tập hợp đoàn kết, vận động nhân dân vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, đồng chí Huỳnh Đảm nói và đề nghị Đề án cần khôi phục lại vị trí của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam trực thuộc Bộ Chính trị; khẳng định quyền hạn của Đảng đoàn được quyền trao đổi, phối hợp với các địa phương trong việc chăm lo cho đội ngũ cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ. Đề án cũng cần đề xuất quy chế làm việc của Bộ Chính trị với Đảng đoàn, Ban Thường trực theo định kỳ hàng năm.


 Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Quốc Định)
 

Đồng quan điểm với nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Hoàng Thám cho rằng, Đề án cần khái quát các hoạt động của các Ban chuyên môn của Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam và phải khẳng định được vai trò của Đảng đoàn, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đối với hoạt động của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, Đề án cần quy định rõ ràng về chức năng giám sát và phản biện xã hội, đây là điểm nhấn trong các chức năng của MTTQ Việt Nam. “Đổi tên Ban Dân chủ - Pháp luật thành Ban Dân chủ - Giám sát và Phản biện bởi hoạt động giám sát và phản biện xã hội vốn cũng nhằm mục đích đảm bảo tính dân chủ trong hoạt động của bộ máy nhà nước và tình hình xã hội nên việc bổ sung nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội cho Ban Dân chủ - Pháp luật hiện nay là hoàn toàn phù hợp”, Luật sư Nguyễn Văn Hậu chia sẻ.

Trân trọng tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng đây là những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm với mong muốn khi Đề án được Bộ Chính trị xem xét, thông qua, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của bộ máy Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho biết, trên tinh thần kế thừa và mong muốn nỗ lực phát huy thành quả của thế hệ đi trước, thời gian gần đây, Đảng đoàn, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đề xuất nhiều kiến nghị nhằm đổi mới hoạt động của MTTQ Việt Nam. Trong đó phải kể đến việc sắp xếp các chức danh trong hệ thống Mặt trận tại Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở vừa được thông qua. Đây là sự ghi nhận của Đảng đối với vị thế của MTTQ Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu chế độ chính sách liên quan đến hoạt động của MTTQ Việt Nam cũng đang được rà soát nhằm đảm bảo cho hoạt động Mặt trận được triển khai hiệu quả từ Trung ương đến địa phương.

Theo đồng chí Lê Tiến Châu, ý kiến thảo luận của đại biểu đều khẳng định, đây là cơ hội cần thiết để Bộ Chính trị đánh giá lại cơ cấu, bộ máy, chức năng của Mặt trận, bởi vậy việc xây dựng đề án phải nhận thức được đầy đủ, chính xác về vị thế, vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Lê Tiến Châu đề nghị Ban chuyên môn tiếp tục tiếp thu và hoàn chỉnh dự thảo Đề án để trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến./.

Theo dangcongsan.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.663.064
Truy cập hiện tại 784