Theo báo cáo của Phòng Dân tộc huyện, việc triển khai thực hiện theo Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ cơ bản đảm bảo kịp thời, việc thực hiện Quyết định đã từng bước giải quyết những vấn đề khó khăn về đời sống, sản xuất của Nhân dân; từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho các hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ có các chính sách, trình độ dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã dần được nâng lên, kịp thời ổn định sản xuất. Qua đó góp phần giảm nghèo, giảm dần chênh lệch trong phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng khác.
Tại buổi làm việc
Qua rà soát tổng nhu cầu kinh phí cần hỗ trợ thực hiện chính sách là: 7,438 tỷ đồng, cụ thể: Số hộ cần hỗ trợ đất ở: 16 hộ, nhu cầu kinh phí 16 triệu đồng (san đất tạo nền nhà); Số hộ cần hỗ trợ đất sản xuất: 66 hộ, nhu cầu kinh phí 990 triệu đồng; Số hộ cần hỗ trợ chuyển đổi nghề: 288 hộ, nhu cầu vốn thực hiện chính sách là: 1,44 tỷ đồng; Số hộ cần hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán: 361 hộ, nhu cầu vốn thực hiện chính sách là: 542 triệu đồng; Số hộ cần hỗ trợ vay vốn: 91 hộ, nhu cầu vốn là: 4,45 tỷ đồng. Kết quả hỗ trợ như sau: Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 150 hộ, định mức 1,5 triệu đồng/hộ, kinh phí thực hiện 225 triệu đồng; hỗ trợ huyển đổi nghề cho 32 hộ, định mức 5 triệu đồng/hộ, kinh phí thực hiện 160 triệu đồng; đầu tư cơ sở hạ tầng 2,681 tỷ đồng, trong đó: Nhà họp thôn 1,681 tỷ đồng; mở rộng cấp nước sinh hoạt 1 tỷ đồng.
Qua giám sát, có thể thấy rằng công tác tuyên truyền, phổ biến Quyết định 2085 đã được UBND từ huyện đến cơ sở quan tâm triển khai, từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách và tạo sự đồng thuận của người dân. Công tác xét duyệt đối tượng được thụ hưởng công khai, dân chủ đến tận thôn, làng, đảm bảo các bước theo quy trình, đúng đối tượng thụ hưởng và nội dung phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương. Quá trình triển khai thực hiện luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị có liên quan và các địa phương từ khi triển khai rà soát nhu cầu xây dựng đề án đến khi triển khai thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm thực hiện, từ đó đã kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện ở cơ sở.
Bên cạnh kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tại một số địa phương chưa được thường xuyên nên một số đối tượng thụ hưởng chưa nắm hết các nội dung hỗ trợ của chính sách, việc xác định nhu cầu hỗ trợ chưa sát với thực tế tại địa phương, cơ sở; công tác phối hợp trong việc rà soát nhu cầu, đối tượng thụ hưởng của thôn, xã, chưa sát với nhu cầu thực tế (nhất là nội dung hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề), thời gian khảo sát, đăng ký nhu cầu khá lâu so với thời gian phê duyệt chính sách dẫn đến một số hộ không còn nhu cầu hỗ trợ, có nhu cầu chuyển sang hỗ trợ nội dung khác hoặc đã được hỗ trợ từ các Chương trình, chính sách khác nên khi triển khai thực hiện phải tổ chức rà soát lại và đề nghị điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; định mức hỗ trợ các nội dung thấp so với tình hình thực tế giá cả; trong khi đó nhu cầu của người dân lớn, khác nhau, đối tượng được hỗ trợ thuộc hộ nghèo không có khả năng đóng góp thêm nên rất khó thực hiện, vì vậy việc triển khai thực hiện ở hầu hết các xã, còn lúng túng, chậm so với kế hoạch; một số hộ gia đình sử dụng vốn chuyển đổi nghề chưa đúng mục đích hiệu quả chưa cao, mang tính thời vụ.
Kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Trần Văn Hát - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao sự chuẩn bị của Phòng Dân tộc huyện, ghi nhận những mặt làm được, qua đó, đề nghị Phòng Dân tộc huyện cần tiếp tục tham mưu UBND huyện đẩy nhanh triển khai các Chương trình, chính sách hỗ trợ đến đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đạt kế hoạch và tổ chức triển khai tốt các chính sách dân tộc trong thời gian tới. Tăng cường tuyên truyền, nhất là về vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội để các đối tượng thụ hưởng nắm và hiểu rõ ý nghĩa, mục tiêu của chính sách. Chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện Đề án trên địa bàn huyện để kịp thời phát hiện những hạn chế và tham mưu Ủy ban nhân dân huyện giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.