Phú Lộc: Những kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo bền vững Ngày cập nhật 24/01/2024
Trong năm 2023, toàn huyện Phú Lộc có thêm 447 hộ thoát nghèo, đưa tỉ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 1,66%, tương ứng giảm 0,43% so với kế hoạch và giảm 1,08% so với cùng kỳ; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống còn 1,77%, tương ứng giảm 1,13% so với cuối năm 2022, vượt chỉ tiêu trước 2 năm so với Nghị quyết Tỉnh ủy, Huyện ủy giao, qua đó góp phần ổn định an ninh chính trị, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Gia đình anh Hồ Văn Lương thuộc đồng bào Vân Kiều, sinh sống tại bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhiều năm qua gia đình anh không có điều kiện để xây dựng lại nhà mới, phải sống trong ngôi nhà tạm bợ xuống cấp, mưa dột. Thông qua Hội Phụ nữ và Ban Vận động giảm nghèo bền vững xã, tổ chức Rồng Xanh hỗ trợ 90 triệu đồng, cùng với số tiền vay mượn và gia đình giúp đỡ, vợ chồng anh Lương đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang để ở. Ngoài ra, anh còn được tổ chức này tặng trâu giống để phát triển chăn nuôi. Đến cuối năm 2023, hộ gia đình anh Lương chính thức thoát nghèo.
Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát được các cấp, các ngành của huyện triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp và huy động các nguồn lực từ cộng đồng để hỗ trợ người dân còn khó khăn về nhà ở, giúp họ có thêm niềm tin, động lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Chỉ tính riêng trong năm 2023, Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện đã huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và người dân hơn 7,03 tỉ đồng để giúp đỡ sinh kế, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, UBND huyện thông qua giải quần vợt chung tay vì người nghèo đã huy động hơn 3 tỉ đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện huy động hơn 1 tỉ đồng, các đoàn thể vận động hơn 1,6 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này đã hỗ trợ xây mới 11 ngôi nhà, sửa chữa 17 nhà, hỗ trợ sinh kế và các chỉ số thiếu hụt cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đối với kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của năm 2023 ngân sách phân bổ hơn 20 tỉ đồng để đầu tư các công trình ở 3 xã bãi ngang ven biển của huyện Phú Lộc và hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo.
Gia đình chị Trần Thị Kim Anh trú tại thôn Tân An, xã Lộc Bình trước đây có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi chị bệnh nặng và 3 đứa con của anh chị còn nhỏ, đang tuổi ăn học. Gia đình chị được Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Đoàn Thanh niên xã Lộc Bình hỗ trợ bò giống, vịt giống để phát triển kinh tế. Đây là cơ hội tốt để gia đình chị cải thiện nguồn thu nhập, sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đoàn Thanh niên địa phương cũng thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên và hướng dẫn kỹ thuật khi cần thiết. Chị Trần Thị Kim Anh xúc động chia sẻ, được các cấp chính quyền, đoàn thanh niên hỗ trợ đàn bò, vịt xiêm, gia đình tôi đã phấn đấu thoát nghèo trong năm 2023. Đến nay đời sống đã ổn rồi, tôi muốn nhường cơ hội cho người khác.
Việc hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng được huyện chú trọng. UBND huyện đã phối hợp với các công ty, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp tuyển dụng tổ chức tư vấn đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho hơn 1.500 thanh niên và người dân. Cùng với đó, huyện cũng thực hiện chính sách vay vốn ưu đãi cho đối tượng hộ nghèo đi lao động ở nước ngoài. Chỉ tính riêng trong năm 2023, huyện Phú Lộc đã đưa 389 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt tỷ lệ 129,7% kế hoạch.
Bà Lê Thị Tuyết trú tại TDP Lập An vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện với số tiền 80 triệu đồng để hỗ trợ chi phí cho con trai là anh Nguyễn Văn Việt đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Nhật Bản. Sau 6 tháng làm việc kể từ ngày xuất cảnh, anh Việt đã gửi tiền về cho gia đình để trả nợ cho NHCSXH huyện 60 triệu đồng và tích cóp làm vốn kinh doanh sau khi về nước.
Còn gia đình bác Trương Thành Trung cũng trú tại TDP Lập An, thị trấn Lăng Cô vay vốn ưu đãi tại NHCSXH huyện để cho con trai đi làm việc tại Nhật Bản với số tiền 80 triệu đồng. Sau khi xuất cảnh hơn 1 tháng, con trai bác đều đặn gửi tiền về cho gia đình để trả nợ và sửa chữa nhà cửa khang trang.
Bên cạnh đó, Huyện ủy, UBND huyện Phú Lộc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn rà soát hộ nghèo và cận nghèo có nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xoá nhà tạm bợ để có giải pháp hỗ trợ cụ thể. Trong 2 năm trở lại đây, đã có hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ khó khăn được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện. Các cơ quan chuyên môn đã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất cho hàng chục nghìn lượt nông dân.
Phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” đã được phát động và lan tỏa ở hầu hết các địa phương trong huyện, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các dòng họ, dòng tộc, làng, bản, đặc biệt là vai trò của trưởng họ, trưởng tộc, già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số gương mẫu, nòng cốt đi đầu trong thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Già làng Hồ Phai, Trưởng Ban công tác Mặt trận bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc cho biết, trong năm vừa qua, các ban ngành, đoàn thể cùng già làng, trưởng bản phối kết hợp tích cực tuyên truyền, vận động bà con phát huy nội lực của hộ gia đình để thoát nghèo bền vững; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để trồng các loại cây, nuôi các loại con có hiệu quả kinh tế cao, từ đó bà con tích cực hưởng ứng các phong trào phát triển kinh tế.
Cùng với đó là phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiết kiệm ít nhất một ngàn” nhằm giúp đỡ hộ nghèo được triển khai đến 86 công đoàn cơ sở trên địa bàn và được đoàn viên công đoàn tích cực hưởng ứng. Đến nay đã có 59/86 công đoàn cơ sở ủng hộ với tổng số tiền hơn 283 triệu đồng.
Xác định việc tạo việc làm cho người dân là một trong những tiêu chí quan trọng để giảm nghèo bền vững, huyện Phú Lộc đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động. Năm 2023, Phú Lộc đã đào tạo nghề cho 1.806 lao động và tạo việc làm mới cho 1.767 lao động, đạt tỉ lệ 101,3%. Hiện trên địa bàn huyện và các vùng lân cận có các khu công nghiệp, nhà máy đã đi vào hoạt động; nghề may gia công đang phát triển mạnh ở các xã, thị trấn; nhiều mô hình trang trại, gia trại hoạt động hiệu quả đã giải quyết việc làm cho một lực lượng lao động địa phương.
Năm 2023 khép lại, một mùa xuân mới đang về mang theo niềm tin và khát vọng. Với sự quan tâm ưu tiên đầu tư của Nhà nước; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp; đặc biệt là khát vọng vươn lên thoát nghèo của người dân, hy vọng trong năm mới 2024 sẽ có thêm nhiều hộ vươn lên thoát nghèo để góp phần cùng cả tỉnh xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo thuathienhue.gov.vn Các tin khác
|
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sở, ban, ngành Huyện, thị xã, thành phố
|