Thời gian qua công tác tổ chức Ngày hội được Mặt trận các xã, phường và Ban Công tác Mặt trận khu dân cư phối hợp tổ chức rất chu đáo, chất lượng tổ chức ngày càng được nâng cao, các hoạt động diễn ra sôi nổi, phong phú, đa dạng các trò chơi dân gian, được nhân dân hưởng ứng tham gia. Thông qua ngày hội, nhiều người con xa quê hương luôn hướng về cội nguồn nơi sinh ra và lớn lên đã sắp xếp công việc về dự và đóng góp ủng hộ tiền của để giúp đỡ cho bà con nghèo ở khu dân cư và ở xã, phường nhằm giảm bớt phần khó khăn trong cuộc sống.
Ông Dương Đình Luân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Trong giai đoạn 2003 – 2023, hệ thống Mặt trận từ thị xã đến cơ sở đã vận động nhân dân đóng góp được 25.500 ngày công, tự nguyện hiến 58.125m2 đất, 2.100 cây các loại và trên 8.560 triệu đồng để cùng với Nhà nước xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn đóng góp, đã đầu tư xây dựng nhiều hạn mục công trình như: hệ thống điện chiếu sáng, lắp đặt camera an ninh, xây dựng cổng chào ở thôn, tổ dân phố, bê tông hóa, nhựa hóa đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng kiên cố, khang trang…, 100% hộ dân sử dụng điện và nước hợp vệ sinh, đời sống nhân dân từng bước phát triển, diện mạo của thị xã ngày càng được khởi sắc. Trong công tác đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, Mặt trận các cấp và khu dân cư đã vận động được trên 6,2 tỷ đồng quỹ vì người nghèo, hỗ trợ 137 nhà Đại đoàn kết, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ 845 hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tặng quà 1.315 gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người có uy tín, các tấm gương tiêu biểu, người tốt việc tốt.
Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư, đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt việc tốt, những điển hình, nhân tố mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thi đua phát triển sản xuất - kinh doanh, giảm nghèo bền vững, xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa. Đến nay, toàn thị xã có 9/10 nhà văn hóa cấp xã, 77/86 nhà văn hoá thôn, tổ dân phố, thiết chế văn hóa, thể thao, điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi. Có trên 70% nhà văn hóa thôn, tổ dân phố có thiết bị âm thanh, loa máy, sân khấu, điện nước, được xây dựng, mua sắm từ sự đóng góp tự nguyện tiền của, công sức của Nhân dân, là nơi tổ chức Ngày hội, nơi sinh hoạt của cộng đồng dân cư, làm cho bức tranh nông thôn mới ngày càng khởi sắc, tỉ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, đến nay còn 314 hộ, chiếm tỷ lệ 1,22%. Thị xã Hương Thủy được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020 - địa phương đầu tiên của tỉnh Thừa Thiến Huế được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bí thư Thị ủy Lê Ngọc Sơn phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Dương Đình Luân và Bí thư Thị ủy Lê Ngọc Sơn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, giai đoạn 2003-2023 trên địa bàn thị xã. Đồng thời đề nghị, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, phối hợp để phát huy vai trò, sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về ý nghĩa và tầm quan trọng của Ngày hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong các tầng lớp nhân dân; gắn kết chặt chẽ việc tổ chức Ngày hội với phát động, sơ kết, tổng kết các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương, nhất là nâng cao chất lượng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững; đồng thời biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua ở cơ sở.
Dịp này, UBND thị xã và UBMTTQ Việt Nam thị xã tặng giấy khen cho 17 tập thể và 30 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai và tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003-2023.
Một số hình ảnh khen thưởng tại Hội nghị: