Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15-2-1913, tại Bình Đại, Bến Tre, trong một gia đình địa chủ. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí đã tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào yêu nước do Đảng Cộng sản Đông Dương khởi xướng.
Năm 1936, Huỳnh Tấn Phát tham gia phong trào Đông Dương đại hội. Với nhiệt huyết của một trí thức yêu nước, đồng chí đã đứng ra thành lập và làm chủ nhiệm tờ Tuần báo Thanh niên với khuynh hướng chống Pháp, chống Nhật.
Là một trí thức hết lòng vì cách mạng, ngày 5-3-1945, Huỳnh Tấn Phát được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại Hội nghị Xứ ủy mở rộng ở Chợ Đệm (Sài Gòn) kỳ thứ ba, ngày 23-8-1945, được Xứ ủy chỉ định làm Ủy viên Lâm ủy Hành chính Nam Bộ khi khởi nghĩa thành công, song đồng chí đã từ chối và đề nghị người bạn chiến đấu thân thiết là Huỳnh Văn Tiểng thay mình nhận trọng trách đó.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát.
Là người đảng viên cộng sản, Huỳnh Tấn Phát cùng các đồng chí của mình dồn sức chăm lo xây dựng lực lượng, tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho đội ngũ cốt cán để vận động nhân dân nổi dậy giành chính quyền vào ngày 25-8-1945 ở Sài Gòn-Gia Định. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được cử làm Phó giám đốc Sở Thông tin báo chí của Ủy ban nhân dân Nam Bộ.
Khi thực dân Pháp được sự hỗ trợ của quân Anh với danh nghĩa đồng minh quay lại tái chiếm Sài Gòn, đồng chí bị chúng bắt giam tại nhà tù bí mật số 160 và bị kết án hai năm tù. Trong khám lớn, Huỳnh Tấn Phát được anh chị em bầu làm Trưởng ban đại diện “Liên đoàn tù nhân chính trị Khám lớn Sài Gòn”. Đồng chí tổ chức các tù nhân đấu tranh chống chế độ hà khắc của thực dân và biến khám lớn thành trường học văn hóa, chính trị, quân sự, đào tạo đội ngũ cách mạng. Ra tù, đồng chí bám trụ tại Sài Gòn, liên hệ ngay với tổ chức và được phân công phụ trách công tác trí vận, báo chí của thành phố, đồng thời là Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Nam Bộ.
Huỳnh Tấn Phát đã cùng nhiều đồng chí khác như: Tám Lựu, Hoàng Quốc Tân, Vũ Tùng... vận động trí thức tham gia Mặt trận Liên Việt và tổ chức các phong trào đấu tranh chính trị, như: Đòi hòa bình, đòi thực dân Pháp công nhận quyền độc lập của Việt Nam... Giữa năm 1949, Xứ ủy điều Huỳnh Tấn Phát ra vùng giải phóng và phân công đồng chí làm Ủy viên Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ kiêm Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ. Sau đó không lâu, đầu năm 1950, Huỳnh Tấn Phát lại được điều động vào nội thành làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính đặc khu Sài Gòn, trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn-Chợ Lớn tự do.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva được ký kết, Huỳnh Tấn Phát tình nguyện ở lại miền Nam và xung phong trở về Sài Gòn, được bổ sung vào Thành ủy phụ trách Ban Trí vận và chính quyền vận trong bối cảnh địch đánh phá ác liệt phong trào cách mạng ở Sài Gòn. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Gia Định lúc đó đã nhận xét: “Là một cán bộ có tên tuổi, đã từng bị tù đày, công an mật thám đã nhẵn mặt... lập tức tôi nhắn gặp anh tại nhà kỹ sư Trần Lê Quang, bàn với anh giao cơ sở, toàn là công chức cao cấp trong chính quyền Ngô Đình Diệm cho người khác phụ trách, còn anh Phát phải kiên quyết rút ra vùng giải phóng để chỉ đạo vào nội thành. Vốn là một cán bộ có ý thức kỷ luật cao, nhưng tình hình đang căng thẳng, cần thêm nhiều cán bộ nên anh vẫn đề nghị được ở lại nội thành”.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát thăm đồng bào vùng Phá Tam Giang sau cơn bão số 8. Ảnh tư liệu
Cuối năm 1959, Huỳnh Tấn Phát được điều động ra vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ và năm 1966 được cử làm Ủy viên Khu Sài Gòn-Gia Định, phụ trách công tác Dân vận-Trí thức vận. Năm 1960, tại Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí được bầu làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Xuân Mậu Thân 1968, với tư cách là Trưởng ban Trí vận, đồng chí đã cùng anh em vận động một số nhân sĩ trí thức tiêu biểu ra chiến khu. Ngày 6-6-1969, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở miền Bắc có MTTQ Việt Nam, ở miền Nam có Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam. Việc thống nhất các tổ chức mặt trận vừa là nguyện vọng của nhân dân, vừa là đòi hỏi tất yếu của cách mạng sau khi nước nhà thống nhất. Mặc dù là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, song với tư cách là Ủy viên Đoàn Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí tham gia đầy đủ các hội nghị trù bị cho Đại hội thống nhất và đóng góp nhiều ý kiến quý báu vào dự thảo Báo cáo chính trị, Điều lệ cũng như nhân sự Ủy ban Trung ương.
Đại hội thống nhất các tổ chức mặt trận họp từ ngày 31-1 đến 4-2-1977 đã quyết định lấy tên là MTTQ Việt Nam, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng được đại hội bầu làm Chủ tịch danh dự, đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch. Năm 1982, để tăng cường công tác Mặt trận trong tình hình mới, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được Bộ Chính trị điều động về tham gia Đảng đoàn MTTQ Việt Nam để cùng các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy giúp Ban Bí thư chuẩn bị Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ Việt Nam trong tình hình mới” và chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ II.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ II, Chủ tịch Hoàng Quốc Việt được suy tôn làm Chủ tịch danh dự, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Thực hiện Chương trình hành động do Đại hội đề ra, trong bối cảnh đất nước vẫn bị bao vây, cấm vận, phải đương đầu với những khó khăn, thách thức rất lớn, nhưng dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, người trí thức có uy tín, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã ra sức tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân đoàn kết, góp sức cùng Đảng, Nhà nước vượt qua thử thách, khó khăn, sửa chữa những sai lầm, thiếu sót và đạt được một số thành tựu mới trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Qua 5 năm phấn đấu thực hiện Chương trình hành động Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ II đề ra, dưới sự chỉ đạo rất năng động và nhạy bén của Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát, hoạt động của mặt trận đã có nhiều chuyển biến tích cực; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng mạnh về cơ sở, việc xây dựng cuộc sống mới tại địa bàn dân cư theo tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã đề ra: “Lấy sức dân mà xây dựng cuộc sống cho dân”, đem lại những kết quả tốt đẹp.
Với sáng kiến do Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đề ra, được Đảng đoàn và Ban Thư ký thông qua, Vụ Phong trào được thành lập đã tham mưu cho Mặt trận làm nòng cốt hoặc chủ trì một số phong trào mang tính chất toàn dân, toàn diện và toàn quốc, có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng và mang lại những kết quả thiết thực, như: Động viên nhân dân góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng; vận động toàn dân thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chính sách đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng; phát động Phong trào “Cả nước chung sức vì đồng bào các vùng bị thiên tai”... Mặt trận ở nhiều nơi đã chủ động, tích cực chăm lo củng cố đoàn kết quân dân, đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát rất quan tâm đến việc tập hợp, đoàn kết những nhân sĩ, trí thức, những người Hoa đã từ lâu sống trên đất nước Việt Nam và những người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài muốn góp phần xây dựng đất nước. Đồng chí đặc biệt quan tâm đến “Việc xây dựng cuộc sống mới tại địa bàn dân cư trên tinh thần kế thừa, phát huy, vun đắp “tình làng, nghĩa xóm”.
Song song với cuộc vận động chính trị, xã hội là các phong trào, các cuộc vận động nhân dân phát triển sản xuất và dịch vụ; khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế gia đình, Phong trào “Vườn-ao-chuồng”; cuộc vận động xây dựng “Quỹ thọ”, mua công trái xây dựng Tổ quốc...
Một trong những đề xuất của Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao là: Xây dựng và thực hiện Quy chế làm việc trong nội bộ Mặt trận giữa các tổ chức thành viên. Tiền thân của Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam hiện nay và quy chế phối hợp công tác giữa Mặt trận và chính quyền.
Với tinh thần chủ động, cùng gánh vác trách nhiệm với Đảng và Nhà nước, nhiệm kỳ 5 năm (1983-1988) của Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ II do đồng chí Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch đã tạo ra những chuyển biến tích cực theo tinh thần mà đồng chí Phạm Văn Đồng thay mặt Đảng, Nhà nước phát biểu tại Đại hội: “Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấy ở mỗi người Việt Nam một người yêu nước và Mặt trận là sự tập hợp và nhân gấp bội nhiệt tình yêu nước”.
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là một nhà lãnh đạo tài năng, một nhân cách lớn, một con người điềm đạm, giàu lòng nhân ái, giản dị và khiêm nhường. Những năm đồng chí phụ trách Mặt trận là những năm đất nước gặp rất nhiều khó khăn, song đồng chí luôn lạc quan và truyền sự lạc quan đó đến toàn bộ cán bộ, nhân viên cơ quan, đến cả hệ thống Mặt trận.
Một phẩm chất cao quý khác ở Chủ tịch MTTQ Việt Nam Huỳnh Tấn Phát là dù trong cương vị cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận song không bao giờ đồng chí dựa vào đó để buộc mọi người phải làm theo ý mình mà luôn vận động, thuyết phục, chờ đợi với thái độ chân thành. Vì vậy, sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đồng chí đã cùng luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo, bác sĩ Phùng Văn Cung vận động, cảm hóa được nhiều nhân sĩ, trí thức, nhiều nhân vật có tên tuổi, đã từng làm việc trong bộ máy chính quyền Sài Gòn ở lại, cùng nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
NGUYỄN TÚC, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/dong-chi-huynh-tan-phat-tam-guong-tieu-bieu-cua-khoi-dai-doan-ket-dan-toc-719008