Người thiết kế lá cờ Giải phóng
Ngày cập nhật 14/02/2023

Ông Huỳnh Tấn Phát, người thiết kế lá cờ Giải phóng, có cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi và những cống hiến to lớn cho đất nước và dân tộc, là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.

1. Ngày 20/12/1960, tại vùng giải phóng ở xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, bao gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam, không phân biệt xu hướng chính trị. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một trí thức yêu nước nổi tiếng ở Sài Gòn, được bầu làm Chủ tịch mặt trận. Mặt trận chọn hiệu kỳ: hình chữ nhật, nửa đỏ, nửa xanh dương và có ngôi sao vàng ở giữa.

“Lá cờ nửa đỏ nửa xanh/ Màu đỏ của đất, màu xanh của trời/ Ngôi sao, chân lý của đời/ Việt Nam, vàng của lòng người hôm nay”, nhà thơ Tố Hữu đã nhắc tới lá cờ Giải phóng trong bài thơ “Nước non ngàn dặm”. Với con trẻ ngày nay, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (cờ giải phóng) ấy chỉ còn trong sách lịch sử, viện bảo tàng… nhưng ngược trở lại khoảng thời gian 1960-1975, với quân dân miền Nam, nó là ý chí, ngọn đuốc soi đường, thể hiện niềm tin, niềm hy vọng.

Huỳnh Tấn Phát là người thiết kế lá cờ này. Là một kiến trúc sư tài hoa, ông Huỳnh Tấn Phát chọn mẫu cờ này với ý nghĩa: khuôn mẫu của quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chia đôi, một nửa màu đỏ được thay bằng màu xanh. Nửa trên đại diện cho miền Bắc đã độc lập. Nửa màu xanh dương tượng trưng cho miền Nam còn trong vòng kìm kẹp của Mỹ và chế độ Sài Gòn, song miền Nam đấu tranh cho khát vọng hòa bình, thống nhất (màu xanh hòa bình). Ngôi sao vàng nằm giữa, trên nền đỏ và xanh.

Ngày 30/4/1975, cờ Giải phóng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc lập, chính quyền Sài Gòn theo Mỹ hoàn toàn sụp đổ, đánh dấu sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong các trường học, bệnh viện, khu dân cư, đồng loạt cờ xanh - đỏ được kéo lên, thắm tươi, rực rỡ… Quá trình thống nhất đất nước thực hiện hoàn toàn, lá cờ nửa đỏ nửa xanh giữa có ngôi sao vàng - lá cờ Giải phóng đã đi vào lịch sử, song nó còn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

2. Ông Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/2/1913 tại ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre trong một gia đình địa chủ phá sản. Năm 1933, ông thi đậu vào Khoa Kiến trúc khóa 8 Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc năm 1938.

Tháng 3/1945, Huỳnh Tấn Phát được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; sau đó, tích cực hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền phong (do Xứ ủy Nam Kỳ lãnh đạo) chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Sài Gòn và Nam Bộ; tham gia lãnh đạo và có đóng góp vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền ở Sài Gòn ngày 25/8/1945. Năm 1950, Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn thành lập, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ Đặc khu, Trưởng ban Tuyên huấn Đặc khu, trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do.

Sau năm 1954, Huỳnh Tấn Phát được phân công hoạt động ở Sài Gòn. Cuối năm 1956, ông được bổ sung vào Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách Ban Trí vận và Chính quyền vận. Năm 1959, ra hoạt động ở vùng Tam giác sắt (Củ Chi - Trảng Bàng - Bến Cát, địa bàn đứng chân của Khu ủy miền Đông, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định) và được phân công làm Khu ủy viên chính thức Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Năm 1960, tham gia thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, giữ trọng trách Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương lâm thời Mặt trận.

Năm 1961, Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định. Năm 1962, được Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam bầu làm một trong năm Phó Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận. Tháng 6/1969, Đại hội đại biểu Quốc dân toàn miền Nam Việt Nam bầu ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chủ tịch đoàn kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và giữ chức vụ này cho đến ngày đất nước thống nhất.

3. Năm 1976, Quốc hội khóa VI bầu ông Huỳnh Tấn Phát làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Năm 1981, được Quốc hội khóa VII bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 6/1982, được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Năm 1983, ông được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Đại hội lần thứ II Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời được bầu là Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Ông Huỳnh Tấn Phát là đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, VI, VII, VIII. Ngày 30/9/1989, ông Huỳnh Tấn Phát từ trần, thọ 76 tuổi.

Cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi, ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cương vị nào, ông Huỳnh Tấn Phát luôn thể hiện tinh thần trung kiên, suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc: dân tộc độc lập, Nhân dân tự do, đất nước thống nhất và trọn vẹn lãnh thổ. Với tính khiêm nhường, lòng vị tha, nhân hậu, đức độ, gắn bó mật thiết với Nhân dân và tinh thần hăng hái làm việc tới hơi thở cuối cùng.

Đan Duy

https://baothuathienhue.vn/nguoi-thiet-ke-la-co-giai-phong-a123806.html

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.657.649
Truy cập hiện tại 687