Hành trình xây dựng huyện Nông thôn mới ở Phong Điền
Ngày cập nhật 06/02/2023

Sự đồng thuận của người dân cùng với cấp ủy, chính quyền trong phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạo nên sinh lực mới cho mỗi gia đình, mỗi vùng quê, để cùng chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đến xã Phong Sơn những ngày đầu năm mới 2023, mới thấy hết được niềm vui của bà con nơi đây khi tuyến đường liên thôn được đầu tư xây dựng rộng rãi, sạch đẹp. Ông Lê Phước Hà, ở thôn Hiền Sĩ phấn khởi nói: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho chúng tôi con đường. Công trình đã hoàn thành, mọi người ai cũng phấn khởi”.

Cùng chung niềm vui đó, ông Hoàng Anh, chia sẻ: “Khi nhà nước đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, mọi người ai cũng rất phấn khởi. Trước đây, muốn buôn bán, giao thương đi lại vất vả, bây giờ đường bê tông vào tận thôn, xóm. Người dân chúng tôi cùng góp sức mình để lắp đặt đường điện chiếu sáng, trồng hoa ở các trục đường, ngõ xóm làm làng quê thêm trù phú”.

Phong Sơn là một trong hai xã cuối cùng của huyện Phong Điền sẽ cán đích NTM, toàn xã có tổng diện tích đất tự nhiên 11.516,43ha, trong đó, đất nông nghiệp hơn 9.424ha (chiếm 81,84%); dân số toàn xã có 2.544 hộ với gần 12.745 nhân khẩu, phân bố ở 13 thôn. Chính quyền và người dân nơi đây đã và đang nỗ lực, đồng lòng xây dựng quê hương. Người góp công, người góp của, người hiến đất làm đường... Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, UBND xã đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trọng tâm và vận động nhân dân cùng chung tay, góp sức để rút ngắn thời gian hoàn thành các tiêu chí.



Mô hình sản xuất nông nghiệp của người dân

Ông Trịnh Xuân Nhân, Chủ tịch UBND xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, cho biết: “Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Nhà nước hỗ trợ xi măng, vật liệu, người dân đóng góp ngày công để tiết kiệm chi phí. Nhờ vậy mà hệ thống đường giao thông ở các thôn đều được bê tông hóa. Đến nay, tỷ lệ đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa trên địa bàn đạt 100%; tỷ lệ đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa đạt chuẩn 33,85/33,85 km, đạt 100%; đường ngõ, xóm sạch đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm (không lầy lội vào mùa mưa), được cứng hóa 22,85/22,85 km, đạt 100%. Tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện quanh năm 46,5/46,5 km, đạt 100%”.

Để “chinh phục” thành công các tiêu chí NTM, UBND xã đang tiếp tục triển khai xây dựng các tiêu chí về giao thông nông thôn; cấp ủy Đảng, chính quyền luôn xác định quyền làm chủ của Nhân dân có vai trò quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm, có tính quyết định trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Từ đó, lòng dân, sức dân đã “xây” nên những công trình “ý Đảng, lòng dân”, tạo ra không gian NTM đầy sức sống ở vùng quê.

Sau hơn 10 năm, xây dựng NTM của huyện Phong Điền đã tạo nên một khí thế mới, một sức sống mới từ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tính đến nay, huyện Phong Điền đã có 10/15 xã đạt chuẩn NTM; 03 xã Điền Hương, Phong Bình, Phong Xuân đang hoàn chỉnh hồ sơ để công nhận đạt chuẩn NTM năm 2021; 02 xã Phong Sơn, Phong Chương đến nay đã đạt 19/19 tiêu chí NTM và đang hoàn thiện hồ sơ để thẩm tra cấp huyện; hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Phong Điền đạt chuẩn NTM và đạt tiêu chí loại IV trong năm 2023.

Tại các địa phương khác trên địa bàn huyện, như xã Điền Lộc, Phong An, Phong Chương, Phong Hiền, … chúng tôi được chứng kiến không ít trường hợp người dân tình nguyện hiến đất, mở đường cùng với Nhà nước xây dựng NTM. Dường như ai cũng thấu hiểu sâu sắc là “ích nước, lợi nhà” nên khi làm đường mới, cần mở rộng thêm diện tích đất thì họ sẵn sàng hiến đất, chặt cây vườn, phá dỡ tường rào để tạo nên một con đường thông thoáng cho mình và cho cả cộng đồng trong việc đi lại.

Ngoài việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, lấy kinh tế làm “đòn bẩy” để sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục cùng đồng hành và phát triển là cách làm của huyện Phong Điền trong xây dựng NTM. Từ xây dựng NTM, Phong Điền đã truyền lửa cho người dân biết vươn lên làm giàu chính đáng; bằng tư duy mới, kỹ thuật công nghệ mới, người dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm thế mạnh của huyện, thu nhập của người dân được nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả được chú ý nhân rộng,….

Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đình Bách, khẳng định: “Trong năm 2023, huyện sẽ tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư chỉnh trang khu trung tâm đô thị các đơn vị dự kiến xây dựng phường; hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại IV và đề nghị Bộ Xây dựng công nhận Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV. Tiếp tục rà soát và triển khai các quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu trên địa bàn đảm bảo tính đồng bộ. Tập trung phối hợp giải quyết các vướng mắc, để triển khai các dự án lớn trên địa bàn như: Bến cảng Phong Điền, Khu sinh thái khu vực Ngũ hồ, đường cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc… Hoàn thành các tiêu chí và đề nghị công nhận 2 xã Phong Sơn và Phong Chương đạt chuẩn NTM trong năm 2022 và 3 xã NTM nâng cao (Điền Lộc, Phong An và Phong Hiền), xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2023”.

Có thể nói việc thực hiện chương trình xây dựng NTM đã góp phần đưa kinh tế của huyện tiếp tục phát triển; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, dân chủ ở cơ sở được phát huy; cơ cấu kinh tế, lao động tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, phấn đấu xây dựng huyện trở thành Thị xã trước năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy.

Khánh Trình
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.364.650
Truy cập hiện tại 1.139