Báo cáo thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh trong tổ chức Công đoàn cho thấy, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho CNLĐ được tăng cường. Nhiều năm qua, tổ chức Công đoàn luôn tham gia tích cực giải quyết việc làm cho CNLĐ thông qua hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm, triển khai các mô hình như Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm, “Kết nối cung - cầu lao động”, “Ngày hội việc làm”….
Về tiền lương và thu nhập, từ năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng để làm căn cứ trả lương cho CNLĐ tại các doanh nghiệp. Công đoàn là một bên tham gia thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia đã luôn thể hiện vai trò, trách nhiệm trong đàm phán, thương lượng tiền lương tối thiểu vùng hằng năm. Tuy nhiên, chính sách tiền lương chưa có sự đổi mới căn bản, còn nhiều mâu thuẫn và bất hợp lý, nhất là trong khối công chức, viên chức. Tiền lương, thu nhập thực tế chỉ đủ bù đắp để người lao động trang trải cuộc sống hàng ngày, chưa có tích lũy.
Về điều kiện làm việc, các cơ quan chức năng của Nhà nước và công đoàn đã chú trọng các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc, chủ động ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; triển khai tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Dù vậy, điều kiện làm việc ở nhiều cơ sở còn hạn chế, tình trạng nhà xưởng chật hẹp, máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu, nồng độ bụi, hơi khí độc vượt quá tiêu chuẩn cho phép, gây mất ATVSLĐ. Việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ tại nhiều cơ sở chưa nghiêm, tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp diễn biến phức tạp. Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện giờ làm việc 48 giờ/tuần nhưng cường độ, thời gian làm thêm vẫn cao. Do tiền lương, thu nhập thấp nên đa số người lao động chấp nhận tăng ca, làm thêm giờ để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Về chính sách nhà ở, chỉ tính riêng 3,78 triệu CNLĐ đang làm việc tại các KCN, KCX thì đã có khoảng 1,8 triệu CNLĐ có nhu cầu về nhà ở. Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, bố trí nguồn vốn ưu đãi và đôn đốc các địa phương thực hiện các giải pháp phát triển nhà ở, tuy nhiên cũng mới chỉ đáp ứng gần 30% nhu cầu của công nhân. Trước tình hình đó, tổ chức Công đoàn đã chủ động, tích cực tham gia giải quyết vấn đề nhà ở cho CNLĐ. Chương trình “Mái ấm công đoàn” đã được Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn chỉ đạo thực hiện từ ngày 06/11/2006 đã hỗ trợ chục vạn gia đình CNVCLĐ nghèo với số tiền hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đảng đoàn đã lãnh đạo Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất", được sửa đổi, bổ sung bằng Quyết định 1729/QĐ-TTg ngày 4/11/2020. Đến nay, dự án thiết chế công đoàn tại Hà Nam đã hoàn thành với 5 tòa nhà, 244 căn hộ với 3 loại diện tích khác nhau gồm 32,5m2, 35m2 và 45m2, giá thuê từ 1-2 triệu đồng/tháng/căn, tùy theo diện tích, theo tầng để đoàn viên, người lao động lựa chọn và đã có 133 căn hộ được cho thuê và nhiều hồ sơ đang chờ xét duyệt...
Cùng với đó, 20 năm qua, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động trở thành nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Công đoàn Việt Nam góp phần xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới. Đảng đoàn Tổng Liên đoàn cũng tập trung lãnh đạo xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Trưởng ban Chỉ đạo
Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW phát biểu tại cuộc làm việc
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đánh giá cao Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo hệ thống Công đoàn các cấp tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW theo đúng hướng dẫn và yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Đánh giá cao những kết quả trong thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí Đỗ Văn Chiến lưu ý, tình hình mới hiện đang đặt ra các vấn đề, yêu cầu mới đòi hỏi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần đáp ứng kịp thời, trong đó những vấn đề như nhà ở của công nhân, phúc lợi xã hội và đảm bảo điều kiện sống, làm việc cho công nhân.
Cùng với việc tăng cường tuyên truyền về tinh thần “yêu nước, thương nòi” và truyền thống tốt đẹp của Công đoàn Việt Nam, các cấp Công đoàn cần tăng cường giám sát, phản biện xã hội, quan tâm đến các chính sách, trong đó đặc biệt quan tâm đến chính sách nhà ở cho công nhân; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, hỗ trợ về thu nhập và tiền lương cho CNLĐ.
Chủ tịch MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW cũng ghi nhận những kiến nghị của Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.