Khởi sắc Du lịch biển và đầm phá
Giai đoạn 2015-2020, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nền kinh tế của huyện Phú Vang phát triển theo chiều hướng tích cực, các tiềm năng và thế mạnh của địa bàn được phát huy. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng định hướng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,63% (so với năm 2015, quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,8 lần), Dịch vụ chiếm 46,9%; Công nghiệp - Xây dựng 34,4%; Nông - Lâm - Ngư nghiệp 18,7%. Các hoạt động văn hoá, giáo dục, y tế và an sinh xã hội đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên địa bàn; hiện thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm (tăng 1,3 lần so với năm 2015).
Nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là về Dịch vụ - Du lịch biển và đầm phá, những năm qua, huyện Phú Vang quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ du lịch như đã tập trung đầu tư, chỉnh trang và nâng cấp hạ tầng các bãi biển Thuận An, Phú Thuận, Vinh Thanh; mở rộng nhiều ngành nghề, dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lễ hội đi đôi với phát triển đa dạng sản phẩm du lịch. Hiện các xã, thị trấn ven biển và đầm phá của huyện đã trở thành vùng phát triển Dịch vụ - Du lịch mạnh của tỉnh. Công nghiệp - Xây dựng phát triển khá, giá trị sản xuất bình quân hàng năm tăng 13,87%; Tiểu thủ Công nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, nhất là hàng nông sản, hải sản, mộc - mỹ nghệ và sản phẩm các làng nghề truyền thống.
Sản xuất Nông, Ngư nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất gắn với bảo vệ môi trường bền vững; chú trọng chuyển dịch cơ cấu sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng công nghệ sinh học. Hiện, toàn huyện Phú Vang có khoảng 2.300 ha diện tích cánh đồng mẫu lớn (chiếm 18,3% tổng diện tích lúa toàn huyện). Về Ngư nghiệp; trong đó, kinh tế biển phát triển với tổng số tàu thuyền đánh bắt hải sản hơn 1.215 chiếc, sản lượng khai thác hàng năm đạt 29.500 tấn; nuôi trồng thủy sản nước lợ gắn với bảo vệ môi trường sinh thái vùng đầm phá đã mang lại hiệu quả về kinh tế cao, với diện tích nuôi trồng thuỷ sản ổn định trên 2.850 ha, sản lượng thủy sản nuôi trồng hàng năm đạt 3.500 tấn.
Công tác quy hoạch, xây dựng, chỉnh trang đô thị được chú trọng, đã từng bước hình hình các đô thị lớn như Thuận An, Phú Đa, Vinh Thanh, Phú Mỹ, khu đô thị mới Mỹ Thượng đã góp phần nâng tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn huyện đến năm 2020 đạt 45%. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường đã huy động và lồng ghép nhiều nguồn lực đầu tư để thực hiện nhiều hạng mục công trình quan trọng, như: đường giao thông, trường học, nhà văn hóa và nhiều hạng mục thiết yếu khác. Đến cuối năm 2020, toàn huyện đã có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại đều đạt từ 16 - 18 tiêu chí nông thôn mới.
Khu du lịch nước khoáng nóng Mỹ An, xã Phú Dương, huyện Phú Vang
Đột phá phát triển kinh tế
Tiếp tục phát huy và khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa bàn, giai đoạn 2020 - 2025, huyện Phú Vang sẽ tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội, quyết tâm xây dựng Huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ cấu kinh tế (Dịch vụ - Công nghiệp, Xây dựng - Nông nghiệp); tốc độ giá trị sản xuất bình quân hàng năm tăng 12,52%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 75 - 80 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn dưới 2,5%; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 60%.
Để đạt mục tiêu và chỉ tiêu nêu trên, trong giai đoạn 2020 - 2025, huyện sẽ thực hiện 03 Chương trình trọng điểm: Chương trình phát triển kinh tế biển và đầm phá (trọng tâm là phát triển hạ tầng dịch vụ, du lịch); Chương trình xây dựng nông thôn mới, tập trung xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị; Chương trình phát triển nguồn nhân lực. Đây là những chương trình nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động số 69-CTr/TU, ngày 03/02/2020 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2025.
Đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh theo định hướng thị trường; phấn đấu giá trị các ngành dịch vụ tăng trưởng bình quân hàng năm 14,94%, đến năm 2025 chiếm tỷ trọng 52% trong cơ cấu kinh tế. Tập trung phát triển Du lịch - Dịch vụ thành ngành kinh tế chủ lực của huyện, trên cơ sở khai thác tốt lợi thế vùng đầm phá và ven biển; nhất là du lịch tại biển Thuận An, Phú Thuận, Vinh Thanh, đầm Sam - Chuồn. Phát triển Công nghiệp - Xây dựng và ngành nghề nông thôn, phấn đấu tăng trưởng bình quân hàng năm 13,8%; đến năm 2025 chiếm tỷ trọng 36,3% trong cơ cấu kinh tế.
Về sản xuất nông nghiệp, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để nâng cao thu nhập và giảm nghèo. Trong đó, tăng cường đầu tư hoàn thành các tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới các xã còn lại, phấn đấu Huyện đạt chuẩn nông thôn mới; đồng thời từng bước xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đối với các xã đã công nhận nông thôn mới. Phấn đấu giá trị ngành nông, lâm, ngư nghiệp bình quân hàng năm tăng 2,5%; đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 11,7% trong tổng cơ cấu kinh tế; đặc biệt tăng giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích canh tác đạt bình quân trên 85 triệu đồng/ha/năm. Phát triển ổn định kinh tế biển, thông qua khai thác hải sản xa bờ để nâng cao chất lượng sản phẩm đánh bắt thủy sản, duy trì tổng sản lượng thuỷ sản bình quân hàng năm đạt trên 33.000 tấn.
Từng bước xã hội hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực. Khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng các cơ sở, trung tâm đào tạo nghề phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tế của địa phương. Giải quyết tốt lao động việc làm, đào tạo nghề, chương trình giảm nghèo bền vững, chính sách có công và chính sách xã hội. Phấn đấu hàng năm giải quyết việc làm mới 3.000 lao động, trong đó tạo việc làm tăng thêm có 1.300-1.500 lao động/năm.
Bí thư Huyện ủy Phú Vang La Phúc Thành cho biết, giai đoạn 2020-2025, huyện sẽ tập trung ưu tiên đầu tư và dồn sức cho các xã vùng dưới, những lĩnh vực then chốt, nhiệm vụ trọng tâm có tính đột phá để tạo động lực cho phát triển kinh tế của toàn huyện cho giai đoạn tiếp theo. Để thực hiện hiệu quả những đột phá trong phát triển, Đảng bộ huyện đã xác định cần phải tiếp tục đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế để có những chủ trương, giải pháp sát thực tiễn của địa phương; bên cạnh đó việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, cần chú trọng "3T", đó là: Tính toàn diện - Tính đồng bộ - Tính lâu dài.