“Một miếng lúc khó”
Dịch COVID-19 tái bùng phát lần hai dù chưa xuất hiện ca nhiễm trên địa bàn, nhưng đây là đợt bùng phát có số ca nhiễm tăng cao ở nhiều địa phương, với nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất lớn, nên phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất, thu nhập của người dân trong tỉnh. Trong đó, người nghèo, người khuyết tật, LĐ tự do... là những đối tượng dự báo gặp nhiều khó khăn nhất.
Cùng với việc vận dụng kịp thời các chính sách an sinh xã hội tại địa phương, vận động các nguồn hỗ trợ, việc thực hiện chi trả gói hỗ trợ theo Nghị định 42 của Chính phủ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 xảy ra trong đợt 1 đang được chính quyền tích cực thực hiện.
Chị Lê Thị Thủy, bán hàng ăn, nước giải khát trên đường Lê Thánh Tôn, phường Thuận Lộc (TP. Huế) trong đợt 1 dịch bùng phát phải tạm nghỉ kinh doanh, chấp hành quy định giãn cách xã hội, phòng chống dịch COVID-19 tại địa phương. Sau một thời gian nộp đơn đề nghị hưởng gói hỗ trợ và được phê duyệt, cách đây gần 1 tháng, chị Thủy đã nhận được 1 triệu đồng tiền hỗ trợ.
Bà Bùi Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc, TP. Huế cho biết, cuối tháng 4/2020, phường đã hoàn thành chi trả cho 100% nhóm đối tượng yếu thế (người có công, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội) bị ảnh hưởng do dịch. Đến ngày 28/7 vừa qua, phường đã chi trả xong cho những đối tượng LĐ bị ảnh hưởng do dịch được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ.
Hiện nay, phường Thuận Lộc đang tiếp tục rà soát, loại trùng 2 nhóm đối tượng: thu gom phế liệu, phục vụ trong nhà hàng, quán ăn để đề nghị xem xét phê duyệt hỗ trợ theo đúng quy định.
Theo bà Hằng, đây là 2 trong 6 nhóm ngành nghề quy định tại trường hợp “Người LĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc” theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ và chiếm khá đông trên địa bàn nhưng chưa được xem xét hỗ trợ.
Không riêng phường Thuận Lộc, các phường trên địa bàn TP. Huế cùng một số địa phương khác đang gấp rút hoàn tất việc chi trả đợt 2 cho nhóm các đối tượng LĐ được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ. Ngoài ra, các địa phương vẫn tiếp tục rà soát các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng còn lại để đề xuất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) thẩm định, trình UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt hỗ trợ với quan điểm không để bỏ sót, gây thiệt thòi cho người LĐ thực sự bị ảnh hưởng trong đợt dịch bùng phát trước, nhưng cũng tránh tình trạng xét sai đối tượng, để lợi dụng, hưởng lợi chính sách không đúng quy định.
Không bỏ sót người gặp khó
Đại diện Sở LĐTB&XH thông tin, đến nay, trong tổng số 158.348 người được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, đã có 150.919 người đã được chi hỗ trợ với số tiền gần 164,962 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 95,3%. Trong đó, nhóm đối tượng yếu thế gồm 134.293 người là người có công, thành viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội đã được chi trả đạt 100% với tổng kinh phí 148.324,75 triệu đồng.
Kết quả chi trả này phần nào giúp người dân tạm vượt qua khó khăn trước mắt để vững tâm đối mặt, thích ứng với đợt dịch đang diễn biến phức tạp.
Đến nay, qua dịch vụ công trực tuyến, Sở LĐTB&XH đã tiếp nhận hơn 29.057 hồ sơ đề nghị hỗ trợ của 4 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng do dịch: Người LĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh; người LĐ chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc (HĐLV) nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và người LĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm. Qua thẩm định, có 24.804 đối tượng được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ.
Tạm thời, hiện đã có 16.906 đối tượng được chi hỗ trợ, đạt khoảng 68,2% tổng đối tượng được phê duyệt hỗ trợ. Trong đó, có 16.366 người LĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm (đạt 69%), 446 hộ kinh doanh (đạt 50,34%), 73 người LĐ nghỉ việc không hưởng lương (đạt khoảng 72%) và 21 người LĐ bị chấm dứt HĐLĐ, HĐVL nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (đạt 63,64%).
Hiện nay, các địa phương đang đẩy nhanh thực hiện các bước thủ tục rút tiền từ Kho bạc Nhà nước để chuyển về các xã, phường trực tiếp chi trả đúng quy định, để tiền sớm đến tay những người còn lại.
Ghi nhận từ phía ngành LĐTB&XH, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 15 trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành, các khó khăn vướng mắc đã được Bộ LĐTB&XH hướng dẫn, giải đáp khi triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một vài trường hợp gặp vướng mắc, tạm thời chưa chi trả để chờ hướng dẫn của Bộ LĐTB&XH để địa phương căn cứ thực hiện theo đúng quy định. Trong đó có trường hợp hỗ trợ cho 61 lao động của Công ty TNHH MTV Lữ hành Hương Giang tạm hoãn thực hiện HĐLĐ tháng 4/2020 do đại dịch COVID-19, với số tiền 109,8 triệu đồng.
Ngoài ra, mục đích chính của chính quyền địa phương các cấp cũng như ngành LĐTB&XH là tích cực soát, bổ sung danh sách những đối tượng bị ảnh hưởng theo Nghị định 42 và Quyết định 15. Đồng thời giải quyết hồ sơ còn lại, phấn đấu cơ bản hoàn thành xong việc phê duyệt và chi hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do dịch ngay trong tháng 8/2020.