Việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội diễn ra trong bối cảnh những khó khăn và thách thức đều lớn hơn so với dự báo. Tình hình thế giới, khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp. Năm 2020, nền kinh tế toàn cầu bị tác động rất lớn bởi đại dịch Covid-19. Tuy vậy, với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương cùng với sự nỗ lực phấn đầu của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tình hình kinh tế xã hội tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế có mức tăng trưởng bình quân ước đạt 6,3 - 6,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (dự ước 6 - 6,2%) và một số tỉnh trong khu vực miền Trung. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,6 lần (so với năm 2015). Thu ngân sách tăng khá, tăng bình quân khoảng 8%/năm (trong đó, năm 2020 giảm mạnh do ảnh hưởng dịch Covid 19). Xuất khẩu tăng trưởng bình quân đạt 3,75%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 105.180 tỷ đồng (tăng trưởng bình quân đạt 11%/năm). Tỷ lệ năng suất các nhân tố tổng hợp TFP tăng từ 20% (2016) lên 32% (2020). Năng suất lao động bình quân năm dự kiến đến hết 2020 khoảng 3.800-4.000 USD. Thu nhập bình quân đầu năm 2020 ước đạt 1.900 USD/người.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng Dịch vụ - Công nghiệp, xây dựng - Nông nghiệp.
- Dịch vụ phát triển đa dạng, tăng trưởng bình quân 5,5 - 6%/năm, chiếm 48% trong GRDP. Du lịch tiếp tục thể hiện là ngành kinh tế mũi nhọn. Doanh thu tăng bình quân 4,12%/năm (giai đoạn 2016 - 2019 tăng 11,4%/năm). Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng. Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch từng bước được đầu tư hoàn thiện. Thu hút 63 dự án dịch vụ, du lịch; hình thành các khu du lịch đẳng cấp quốc gia và quốc tế. Phát huy tốt vị thế các trung tâm để phát triển dịch vụ theo hướng chuyên sâu và nâng cao chất lượng. Các loại hình dịch vụ thương mại, vận tải, tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông, bảo hiểm phát triển về quy mô và phạm vi hoạt động.
- Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng bình quân 10%/năm, chiếm 33% trong GRDP. Tập trung thu hút các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu. Các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như bia, dệt may, xi măng, men frit, chế biển thủy hải sản,… đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Trong giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án đầu tư mới có quy mô và công suất lớn đưa vào hoạt động sản xuất góp phần tăng năng lực sản xuất và duy trì tốc độ tăng trưởng chung của ngành. Phát triển nhanh lĩnh vực xây dựng, hình thành các khu đô thị mới, khu nhà ở cao cấp, làm thay đổi bộ mặt đô thị.
- Nông nghiệp tăng trưởng bình quân 0,46%/năm, chiếm 11% trong GRDP. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nông nghiệp. Các mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từng bước phát triển. Triển khai, nhân rộng nhiều mô hình trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGap, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biển đổi khí hậu từng vùng, miền; phát triển các nhóm cây trồng chủ lực. Ngành chăn nuôi chuyển từ hình thức quảng canh quy mô nhỏ, sang sản xuất chăn nuôi hàng hóa chất lượng cao có quy mô vừa và lớn. Nuôi trồng thủy sản chuyển đổi theo hướng ổn định diện tích, giảm mật độ nuôi, tăng cường ứng dụng quy trình nuôi công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng suất và chất lượng rừng theo hướng phát triển rừng trồng sản xuất có năng suất cao.
Định hướng và giải pháp cơ cấu nền kinh tế tỉnh giai đoạn 2021 - 2025:
- Về Nông nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp với mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, phát triển bền vững, gắn với thị trường tiêu thụ, thích ứng với biển đổi khí hậu. Đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp thuộc ngành theo tinh thần Nghị quyết 30-NQ/TW, ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cả về nội dung và chất lượng. Tích cực ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là các tiến bộ về giống, quy trình sản xuất, bảo quản chế biến...
- Về Công nghiệp, phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực như chế biến nông lâm thủy hải sản, thực phẩm và đồ uống, điện, điện tử, công nghệ thông tin, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất điện năng, tiểu thủ công nghiệp... Xúc tiến việc tham gia vào mạng phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phần mềm. Khuyến khích và hỗ trợ phát triển công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu. Đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng trong các khu công nghiệp như: đường giao thông, điện, nước, viễn thông, trạm xử lý nước thải... Phát triển nhanh ngành công nghiệp phụ trợ trong các khu công nghiệp. Xây dựng các khu công nghiệp trở thành các trung tâm thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học. Phát triển các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Xúc tiến xây dựng khu công nghệ cao tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô nhằm thu hút các doanh nghiệp có công nghệ kỹ thuật hiện đại, hỗ trợ quá trình đổi mới công nghệ của tỉnh.
- Về Dịch vụ, tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt Nghị quyết 03-NQ/TU, ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Nâng cao tỷ trọng các ngành vận tải kho bãi; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; lưu trú và ăn uống... trong cơ cấu nội bộ ngành dịch vụ. Xây dựng tỉnh trở thành địa bàn du lịch trọng điểm của quốc gia. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Chú trọng phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ chất lượng cao. Phát triển mạnh các dịch vụ du lịch trên sông Hương và hai bên bờ sông. Tranh thủ nguồn lực của doanh nghiệp, hợp tác với tư vấn quốc tế để phát triển du lịch theo hướng có trọng điểm, trọng tâm.