Sơ kết 5 năm phối hợp thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020
Ngày cập nhật 15/12/2021

Sáng ngày 15/12/2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả phối hợp thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Ông Dương Đình Luân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố Huế và cán bộ, công chức cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.


Bà Hoàng Thị Phương, Trưởng Ban Phong trào Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trình bày Báo cáo sơ kết
phối hợp thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 tại Hội nghị

Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, thực hiện Kế hoạch số 111/KH-UBMT, ngày 23/2/2017 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về phối hợp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 ở tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên cùng cấp xây dựng kế hoạch, triển khai lồng ghép với các cuộc vận động, các phong trào thi đua do chính quyền, Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động, gắn Chương trình giảm nghèo bền vững với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bằng những việc làm thiết thực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8,36% (năm 2015) xuống còn 3,45% (cuối năm 2020).

Đây là thành quả và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà trong đó Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp đã góp phần trong việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ nguồn vận động Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam - Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ vốn sản xuất, khám chữa bệnh, hỗ trợ học tập... với tổng số tiền trị giá 41,503 tỷ đồng. Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội từ tỉnh đến cơ sở bằng nhiều hoạt động phong phú, thiết thực đã vận động đoàn viên, hội viên tham gia ủng hộ chương trình an sinh xã hội; kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, các tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ đoàn viên, hội viên về vốn sản xuất, giống cây, con, xây dựng, sửa chữa nhà ở, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo việc làm cho người nghèo, giúp học sinh nghèo học tập, người nghèo khám chữa bệnh… với tổng số tiền 810,690 tỷ đồng.


Ông Trần Văn Lập - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 25/01/2017 của UBND tỉnh về phân công các sở, ban, ngành, đoàn thể, trường học giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% ở hai huyện A Lưới và Nam Đông giai đoạn 2016-2020, đến cuối năm 2020, có 14 xã/19 xã tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 25%, còn 5 xã tỷ lệ hộ nghèo vẫn trên 25% (vượt chỉ tiêu đề ra theo Kế hoạch số 16/KH-UBND là phấn đấu đến cuối năm 2020 giảm còn 07 xã). Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên địa bàn 19 xã thực hiện Kế hoạch số 16/KH-UBND năm 2020 là 4,31%, đạt chỉ tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 4 - 5%/năm.


Bà Quách Mỹ Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Vang đóng góp ý kiến tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã trao đổi, chia sẻ thêm nhiều ý kiến, kinh nghiệm trong quá trình tổ chức triển khai các hoạt động về phối hợp thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; đóng góp thêm nhiều ý kiến sáng tạo để quá trình triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 được tốt hơn.

Để công tác giảm nghèo thực sự bền vững, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Dương Đình Luân đề nghị Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình giảm nghèo, nhất là việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng, các kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho người nghèo; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trong việc triển khai các chương trình giảm nghèo, quan tâm đến người nghèo, nhất là người nghèo thuộc đối tượng yếu thế trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và việc làm. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức rà soát tại cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Phấn đấu đến cuối năm 2025, đảm bảo 100 % hộ nghèo, cận nghèo thuộc đối tượng giảm nghèo đều được các đoàn thể rà soát, theo dõi để giúp đỡ hỗ trợ; đảm bảo nguồn vốn vay cho 100% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và phấn đấu 100% người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo trong độ tuổi, đủ năng lực lao động có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn; định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm và góp phần cùng toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,0 – 2,2%.


Toàn cảnh Hội nghị

Nhật Thảo
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.671.014
Truy cập hiện tại 196